Hạ thấp đê Nghi Tàm: Đê bê tông thay thế phải chống lũ an toàn cho Hà Nội

Liên quan đến đề xuất hạ đê sông Hồng để mở đường giao thông, nếu trong nội thành đã làm trước đó rồi thì bây giờ cũng có thể làm, chỉ có điều cần chú ý cao trình của một kết cấu nào đó phải ngăn được lũ thì sẽ không ảnh hưởng đến việc chống lũ.

UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 326/UBND-ĐT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ Km 62+500 đến K63+600 (từ Khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương) đến cao độ dương 12,4m như phương án đã đề xuất. Với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Phương án này sẽ mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Trước thông tin này, trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng:

Đối với một Thủ đô, bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ đã xây dựng đê và xác định mức đê đủ để an toàn cho cả thành phố, nếu giờ vì thêm đường giao thông mà thay đổi thì phải tuyệt đối cẩn trọng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam Phạm Hồng Giang cho rằng, việc mở đường giao thông và đê là hai việc không thể lấy cái này thay cái kia được... (Ảnh: Nguyễn Lê)

“Nếu hạ cốt đê thì phải hạ cốt đê trên phạm vi thích hợp, trên toàn tuyến. Việc hạ cốt đê như thế nào và xác định cốt đê ra sao cần phải có giải pháp tổng thể cho toàn bộ đê trên lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình”, ông Giang nói.

Hơn nữa, theo Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, cốt đê đã được quy định trong các văn bản pháp lý cao nhất của nhà nước, từ Luật đến Nghị định đều quy định cốt đê của nội thành Hà Nội là bao nhiêu, các tỉnh là bao nhiêu. Vì thế, nếu muốn sửa các quyết định đó thì phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thông qua các cơ quan có thẩm quyền thì phải lấy ý kiến của các chuyên gia, giới chuyên môn về việc này.

“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có Cục đê điều quản lý những vấn đề này. Phải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá rộng rãi thì các cơ quan thẩm quyền mới có thể quyết định được. Trên thực tế, mức cốt đê hiện dựa vào sự phân tích của trận lũ lớn năm 1971. Các lưu lượng và các mức nước đều dựa vào đó, thời gian qua tình hình lũ ở Hà Nội cũng đã thay đổi nhiều do chúng ta có một số hồ chứa ở thượng nguồn như Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La… Đồng thời cũng có những thay đổi trên thượng nguồn, tức bên ngoài biên giới, như vậy yếu tố này cần được nghiên cứu kỹ trước khi chúng ta có quyết định. Đề xuất có thể đề xuất nhưng quyết định thì cần có thảo luận rộng rãi, nhất là trong giới chuyên môn”, ông Giang nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Giang, hiện nay toàn bộ việc vận hành các hồ chứa, lưu lượng xả ra từ các hồ đó nếu có thay đổi đều cần được nghiên cứu đầy đủ và thảo luận nghiêm túc vì hiện đã có quy định rõ ràng, đầy đủ về việc vận hành các hồ, trường hợp nào được xả bao nhiêu. Quy định đó đã đảm bảo được trường hợp nếu lũ lớn thì đê cũng không vỡ mà hồ vẫn an toàn.

“Không biết hiệu quả giải tỏa giao thông được đến đâu vì một đoạn đê ngắn, tôi chưa được đọc toàn bộ đề xuất của Hà Nội cũng như tất cả các lý giải của Hà Nội nên tôi chưa nói thêm được gì. Nhưng, tôi chỉ đứng về phía an toàn của đê, an toàn chống lũ cho cả thành phố. Về việc này phải làm đúng quy trình, cần có sự nghiên cứu và thảo luận một cách nghiêm túc”, ông Giang nói thêm.

Với việc dùng tường bê tông chắn sóng, ông Giang cho hay, trong nội thành, đường Hồng Hà bây giờ chính là đường đê đã được hạ thấp xuống và bên cạnh là tường bê tông cốt thép được làm trước năm 2000. Đối với đoạn đê Nghi Tàm từ nút An Dương trở lên, việc hạ thấp cốt đê rồi làm tường bê tông bên cạnh có đáp ứng được yêu cầu đặt ra không? Nếu trong nội thành đã làm trước đó rồi thì bây giờ cũng có thể làm, chỉ có điều cần chú ý cao trình của một kết cấu nào đó phải ngăn được lũ thì sẽ không ảnh hưởng đến việc chống lũ.

"Phải tính toán tường bê tông đảm bảo yêu cầu chống lũ như hiện nay, cao trình đê là 15.6m, còn phần đê đất còn lại thì hạ thấp bao nhiêu cũng được. Trừ khi muốn thay đổi cao trình đê mới thì phải thảo luận", ông Giang cho hay.

Minh Thư

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ha-de-nghi-tam-de-be-tong-moi-phai-dam-bao-chong-lu-nhu-de-hien-nay-post220581.info