Habeco: 'Gái ế' hay hoa hậu?

Mới đây, ông Tayfun Uner, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam cho biết Carlsberg sẽ đưa ra mức giá mua cổ phần của Habeco trong vài tháng tới. Trước đó, vào cuối năm 2016 ông định giá cổ phần của Habeco chỉ là 48.000 đồng/cổ phiếu.

Tính đến phiên giao dịch ngày 12/02/2017 cổ phiếu BHN của Habeco được giao dịch ở mức giá bình quân 116.800 đồng/cổ phiếu. Hiện Carlsberg nắm khoảng 17,34% Habeco và có quyền mua ưu tiên khi nhà nước muốn bán cổ phần.

Ngay cả thời điểm ông Tayfun Uner định giá BHN với mức giá 48.000 đồng, cổ phiếu này khi đó cũng giao dịch ở khoảng 110.000 đồng/cổ phiếu. Dư luận đánh giá có thể đó chỉ là “chiêu” của Carlsberg để dìm giá Habeco. Tuy nhiên, có thể Carlsberg sẽ phải trả mức giá cao hơn 48.000 đồng nếu muốn tăng tỷ lệ sở hữu.

Trường hợp của GIC đối với Vietcombank cũng sẽ là bài học cho các tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. Tháng 8/2016, quỹ đầu tư GIC của Singapore đã ngỏ ý mua lại 305,8 triệu cổ phần của Vietcombank với mức giá 29.130 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 400 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ đến nay vẫn rơi vào bế tắc bởi hai bên đều không thống nhất được mức giá, cho dù cả hai bên đều hứng thú với thương vụ này.

Dù đưa ra mức giá nào với Habeco, nhưng khó có việc Carlsberg mua cổ phần với giá bằng thị giá, tương đương P/E 34,2 lần. Mặc dù thị trường bia Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng, nhưng Habeco đã và đang mất thị phần trong những năm gần đây về tay các thương hiệu nước ngoài. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường, thị phần của Habeco ở miền Bắc giảm từ mức 55% trong năm 2014, còn khoảng 50% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Gần đây Habeco công bố doanh thu năm 2016 đạt 10.302 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 725 tỷ đồng, giảm 16,6%. Ước tính sản lượng tiêu thụ năm 2016 của Habeco đạt 717 triệu lít, tăng 2%. Với Sản lượng tiêu thụ toàn ngành là 3.787 triệu lít, tăng 9,3% so với năm 2015, điều này cho thấy thị phần của Habeco lại tiếp tục sụt giảm. Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ của Habeco tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 2,4% trong 3 năm qua, trong khi trung bình ngành là 9,3%.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), mức giá hợp lý của Habeco là 71.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng là 20,8 lần, sát với P/E bình quân doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và trong nước (là 21,5 lần).

“Chúng tôi cho rằng định giá của Habeco không xứng đáng cao hơn bình quân khu vực vì công ty chỉ đứng thứ 3 tại thị trường Việt Nam và đang mất dần thị phần. Trong khi thương hiệu của Habeco được biết đến nhiều ở miền Bắc thì sản phẩm của công ty lại không đa dạng", HSC bình luận.

Năm 1994 Carlsberg liên doanh với chính quyền thành phố Huế tại Hue Brewery theo tỷ lệ góp vốn là 50-50. Năm 2011, Carlsberg đã chi 1.880 tỷ đồng để mua lại 50% cổ phần còn lại và sở hữu hoàn toàn nhà máy bia này.

Cũng với phương thức như trên, Carlsberg đã dần sở hữu 100% cổ phần tại Nhà máy bia Đông Nam Á. Nhà máy bia Đông Nam Á cũng được hình thành từ năm 1994 là kết quả của liên doanh giữa Carlsberg và Công ty Bia Việt Hà. Năm 2014, Carlsberg hoàn tất quá trình thâu tóm bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của Việt Hà. Thương hiệu chính của Nhà máy bia Đông Nam Á là Halida, một thương hiệu trung cấp ở miền Bắc và có doanh thu không đáng kể.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/habeco-gai-e-hay-hoa-hau-post220872.info