Hai chàng trai Quảng Nam đưa bánh mì Việt đến đất Nhật: Khởi nghiệp sau một lần… đi chợ

Sau một lần đến chợ tình cờ nếm thử chiếc bánh Kebab nổi tiếng Thổ Nhỹ Kỳ, hai chàng trai Việt đã quyết tâm khởi nghiệp trên đất Nhật từ món bánh mì dân dã quê hương.

Cafe Sáng VTV3: Chuyện của hai chàng trai bán bánh mì Việt trên đất Nhật

Khởi nghiệp luôn là ước mơ của nhiều người trẻ, nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để theo đuổi đam mê nhiều thử thách này.

Với hai anh em người Quảng Nam là Bùi Thanh Duy (SN 1986) và Bùi Thanh Tâm (SN 1991), việc khởi nghiệp trên đất nước Nhật dù là điều không tưởng nhưng cũng đã diễn ra khá suôn sẻ nhờ sự máu lửa của tuổi trẻ. Câu chuyện khởi nghiệp của hai chàng trai này nhận được sự quan tâm của nhiều người.

'Tuổi trẻ tài cao' – Đó là câu khen ngợi nhà báo Lại Văn Sâm đã dành tặng cho hai chàng trai này trong cuộc gặp gỡ nơi đất khách. Những gì Duy và Tâm đã làm được trong 4 tháng qua xứng đáng trở thành nguồn khích lệ cho giới trẻ Việt quyết tâm khởi nghiệp và không ngần ngại theo đuổi đam mê.

Tiệm bánh mì của anh em Thanh Duy - Thanh Tâm ở Tokyo Nhật Bản

Mang hương vị Việt đến đất Nhật sau một lần…đi chợ

Hiện tại, hai anh em người Quảng Nam này đang sở hữu tiệm bánh mì 'Xin chào' nằm trên một con phố náo nhiệt Waseda Dori ở Tokyo (Nhật Bản).

Dù mới khởi nghiệp được 4 tháng nhưng kết quả thu lại của tiệm bánh rất khả quan, nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế.

Rất nhiều người Việt ghé quán đã không khỏi xúc động thốt lên: 'Bánh ngon, ăn ra vị Việt chứ nhiều chỗ nói quán Việt mà ăn ra cái gì đâu không (cười). Bánh nhân nhiều, có bán bánh chưng, chả bò chả lụa cũng ngon, và đặc biệt hai anh chủ quán nói chuyện dễ thương' hay 'bánh mì rất ngon, gần giống với hương vị quê nhà, tuy nhiên size hơi nhỏ tí so với bánh mì Sài Gòn'.

Không chỉ nhận được nhiều lời khen ngợi khi mang hương vị bánh mì Việt đến đất Nhật, câu chuyện khởi nghiệp của hai chàng trai này còn được Seibu's News, Chunichi - những tờ báo hàng đầu của Nhật dành hẳn 1 trang để giới thiệu về hành trình khởi nghiệp của những bạn trẻ Việt.

Hai anh em xuất hiện trên tờ báo uy tín của Nhật

'Bánh mì Xin chào' của Duy và Tâm ra đời tình cờ từ một lần Tâm... đi chợ. Khi anh ăn thử chiếc bánh mì Kebab Thổ Nhỹ Kỳ, Tâm cảm thấy bánh mì Việt – một trong hai loại thực phẩm được đưa vào từ điển Oxford cũng chẳng thua kém những chiếc bánh mì nổi tiếng này.

Thanh Tâm đã nảy lên ý tưởng mở một tiệm bánh mì truyền thống tại nước ngoài. Anh chàng sinh năm 1991 quan niệm: 'Với mỗi người dân ở đây, hễ thấy người Việt là câu cửa miệng của họ sẽ đều là 'Xin chào'. Và mình luôn suy nghĩ, với những người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt, họ sẽ học câu chào hỏi. Nếu tiệm của mình tên là Xin chào thì sẽ gây ấn tượng rất mạnh với khách hàng. Và ngay trong ngày hôm đó, mình đã gọi cho anh trai để bàn về việc này'.

Dù nguồn vốn hạn hẹp, mới cưới vợ 1 năm nhưng ngay sau khi thấu hiểu ý tưởng táo bạo nhưng khả quan của em trai, Thanh Duy đã dốc hết tiền mừng cưới để đầu tư một lần.

Hai anh em chụp hình cùng Nhà báo Lại Văn Sâm

Tự tạo công thức pha chế riêng và thành quả tiêu thụ hơn 200 ổ bánh mì/ngày

Sau một năm rưỡi lên ý tưởng và thực hiện, Bánh Mì Xin Chào đã được khai trương vào cuối tháng 10/2016. Những khó khăn ban đầu phải kể đến là việc huy động vốn, tìm mặt bằng, các thủ tục pháp lý, tìm xưởng gia công đúng kiểu bánh mỳ Việt.

May mắn cho hai anh em khi một vị giáo sư người Nhật – người thầy tại trường Đại học của cả hai đã giúp Duy và Tâm bảo lãnh để có thể thực hiện được ước mơ.

'Chúng mình đã mất 6 tháng để tìm mặt bằng, mất nhiều thời gian nhờ người Nhật bảo lãnh để thuê mặt bằng, rồi nhờ luật sư làm giấy tờ thành lập công ty, thậm chí anh Duy đã liên lạc đến hơn 50 xưởng bánh mì mới có chỗ cung cấp đúng kiểu bánh mỳ mà mình muốn'. – Thanh Tâm cho biết.

Quyết định làm bánh mì theo chuẩn hương vị Hội An, hai anh em đã điện thoại về Việt Nam rất nhiều lần để hỏi xin công thức chuẩn rồi tự chế tạo ra một 'bí quyết' mới của riêng mình.

Đồ uống ở đây cũng được làm bởi chính tay hai ông chủ trẻ tuổi.

Việc chọn vị Hội An cũng vì chủ yếu hai nguyên nhân: thứ nhất là ở đây có bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh nổi tiếng nhất nhì thế giới; lý do thứ hai là hai anh em là dân Quảng Nam.

Thanh Tâm hài hước chia sẻ: 'Trước khi sang Nhật, đến chiên cái trứng mình cũng không biết. Nhưng rồi đến khi mở tiệm, mình đã làm thử bánh mì rất nhiều lần và mang cho bạn bè, thầy cô nếm thử và nhận được phản hồi rất tốt'.

Hiện tại, doanh số của Bánh Mì Xin Chào là trên dưới 200 ổ/ ngày, với mức giá trung bình khoảng 500 yên/ chiếc (tương đương 100 nghìn đồng). Bánh mì của hai anh chàng người Quảng Nam này không chỉ có người Việt, người Nhật ủng hộ, mà còn được rất nhiều bạn bè quốc tế như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…ưa chuộng.

'Với mức chi phí đắt đỏ của Tokyo, chiếc bánh mỳ 100 nghìn/ ổ không phải là đắt so với một bữa cơm no bụng có giá khoảng 180-200 nghìn ở đây'. – Tâm nói.

Không chỉ vậy, hai anh em còn biết chú trọng đến hình ảnh thương hiệu, bao bì sản phẩm và có những chương trình ưu đãi khá mạnh tay để thu hút thực khách, như Ngày Cảm tạ, tổ chức vào ngày 20 hàng tháng.

Cận cảnh một suất bánh mì Xin Chào

Bánh mì Xin chào nhận được sự yêu mến của nhiều khách hàng

Có nhiều khách còn chờ từ sớm ở bên ngoài...

Với những bước đi đầu đầy tích cực ấy, Duy và Tâm hy vọng có thể phát triển thương hiệu, xây dựng chuỗi bánh mỳ Việt có sức cạnh tranh ngang tầm các đối thủ lớn trên thị trường đồ ăn nhanh như Mc Donald, Kebab, King Burger...

Theo Thùy Trang/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/hai-chang-trai-quang-nam-dua-banh-mi-viet-den-dat-nhat-khoi-nghiep-sau-mot-lan-di-cho.html