Hai giang hồ bị hạ bằng 1 viên đạn xuyên thấu

Hai tên cướp là nỗi sợ của hành khách đã bị công an khống chế bằng một viên đạn.

LTS: Sau đổi mới, tình hình an ninh trật tự Hải Phòng diễn biến rất phức tạp. Nạn dùng vũ khí cướp giật xảy ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt trên những tuyến xe khách chạy qua địa bàn thành phố.

Trước tình trạng nhiễu nhương đó, Bí thư thành ủy Lê Thanh Xương đã tiệu tập một cuộc họp khẩn với lãnh đạo Công an thành phố và trong cuộc họp đó, đội cảnh sát đặc biệt mang bí số H.88, tiền thân là Đội săn bắt lưu manh đã ra đời.

Với những thành viên ưu tú của CSHS Hải Phòng, H.88 tác chiến nhanh và luôn xuất hiện kịp thời ở những điểm nóng, hiểm nguy nhất để trấn áp những tên tội phạm cộm cán. Và, chiến công đầu tiên của H.88 đã làm giới tội phạm run tay, khiếp sợ.

Một viên đạn xuyên táo đã kết liễu cuộc đời của hai tên cướp sừng xỏ trên một chuyến xe khách đông người.

Cung đường cướp giật

Những năm trước đó, nạn "nhiễu nhương" trên các tuyến xe khách qua địa bàn thành phố cũng đã lác đác xảy ra nhưng chủ yếu vẫn là móc túi, lừa đảo hành khách lao vào những cuộc cờ bạc bịp.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm 1988, thì trên khắp các tuyến đường, tội phạm đã ngang nhiên dùng vũ khí hành hung và trắng trợn lột tiền hành khách.

Đường 10, nhóm “hung thần xa lộ” chạy xe máy đuổi theo xe tải rồi đu người lên thùng xe cắt hàng. Đường 5, nhóm “răng cá mập” rải chông làm xịt lốp xe rồi dùng súng xông ra cướp.

Nhưng kinh hoàng và trắng trợn nhất vẫn là băng cướp hoạt động trên đoạn đường dài 20 cây số đi Quảng Ninh, từ bến Bính đến bến Đụn, do hai tên Cao Văn Minh và Đỗ Văn Sinh cầm đầu. Nhóm giang hồ đất Cảng này đã khiến nhiều người phải khiếp sợ.

Cao Văn Minh và Đỗ Văn Sinh đều ở Thủy Nguyên. Hải Phòng có bốn “lò bát quái” luôn “đẻ” ra những anh chị giang hồ sừng sỏ. Chợ Sắt, bến Bính, vườn hoa trung tâm (nội thành) và huyện Thủy Nguyên. Thời thế thịnh suy ở mỗi lúc mỗi khác nhưng rất ít khi “dân phố huyện” chịu thua thiệt về mặt “đóng góp nhân tài” cho thế giới ngầm đất Cảng.

Nối tiếp “truyền thống” đó, Minh (xã Hòa Bình) và Sinh (xã Thiên Hương) đã không làm “hổ danh” những “tiền nhân” đi trước. Quậy phá tưng bừng ngay mặt còn búng ra sữa, lớn lên chúng nhanh chóng trở thành những "Chí Phèo" làm kinh hãi xóm làng. Cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, gây gổ đánh lộn… chẳng thiếu việc gì mà chúng chưa nhúng tay vào.

Chính từ những thành tích bất hảo ấy mà Minh và Sinh đã tìm đến với nhau để hợp sức gieo rắc những tội lỗi chất chồng.

Các trinh sát đang lên kế hoạch tóm gọn những tên giang hồ đất Cảng

Dân buôn Hải Phòng ra Móng Cái (Quảng Ninh) “ăn” hàng, thường chạy tắt qua Thủy Nguyên bằng đường 18A. Sớm nhận ra đây là “con đường vương giả” bởi thời ấy, đã đi buôn đường dài phải là những người lắm tiền nhiều của. Thế nên, không như những “đồng đội” khác là dạt thành phố “tìm đất làm ăn” Minh, Sinh cứ “cố thủ” tại quê nhà tìm cách chôm chỉa tiền, của trên những chuyến xe "nhung lụa" ấy.

Ban đầu là rạch túi móc tiền nhưng được vài vụ thấy “làm ăn” kiểu đó không “hiệu quả”, chúng chuyển ngay sang cướp cạn.

Cả hai đều côn đồ, hung hãn như nhau nên khi chuyển sang phương thức làm ăn mới, chúng chẳng gặp chút trở ngại nào. Ai chống cự là chiếc lê trên tay chúng sẵn sàng hành xử, không một chút đắn đo.

Một lần, anh thương binh bị cụt mất một cánh tay đã dũng cảm đá văng chiếc lê trên tay chúng, nhưng rồi một thân một mình, anh không những phải chịu chung số phận như những hành khách khác, bị lột sạch tiền bạc, tư trang mà còn bị chúng đánh đến thừa sống thiếu chết.

Sợ hãi trước sự côn đồ đó nên nhiều dân buôn đã không dám tố cáo tội ác của chúng với cơ quan pháp luật mà đành lặng lẽ bỏ nghề để hai tên cướp này ngày một ngang nhiên, táo tợn hơn.

Thấy xe đã vào “lãnh địa” của mình, chúng chặn lại, nhảy lên, chẳng nói chẳng rằng cầm lê đâm thẳng lên nóc xe, thế là mọi người hiểu và cứ ngồi im để chúng lột tiền.

Vào hang bắt cọp

Xóa sổ những toán cướp trắng trợn trên tuyến xe khách Hải Phòng - Quảng Ninh là nhiệm vụ đầu tiên của H.88 phải thi hành khẩn cấp. Và, nhiệm vụ đó đã thành công vượt ngoài mong đợi.

Hôm đó, ngày4/7/1988, như thường lệ, chiếc xe khách mang biển số 15A-0107 lại bắt đầu lộ trình quen thuộc của mình. Đến bến Bính, xe đón thêm 3 người khách lạ, tay túi tay bị như những người làm ăn xa lếch thếch về quê. Lên cùng lúc nhưng dường như ba hành khách này không quen biết gì nhau, bởi một người tìm cho mình chiếc ghế ở đầu, người thứ hai ngồi giữa, người thứ ba thì lục đục đi về mãi cuối.

Hai tên cướp táo tợn Minh- Sinh đã đền tội ác bằng phát đạn thần sầu

Vừa nổ máy chạy được một đoạn thì chiếc xe lại phải dừng lại để đón thêm mấy chục khách nữa từ chiếc xe chạy cùng tuyến bị hỏng dọc đường. Khách đông nhồi nhét như nêm, người nọ đạp lên người kia, chen vai bá cổ. Đếm thoáng cũng được ngót nghét trăm người.

Đến đầu xã Thiên Hương, bác tài vừa lái vừa quay lại nhắc hành khách một câu “quen thuộc”: “Bà con chú ý, cẩn thận bảo quản hành lý của mình! Đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra cướp giật!”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/ky-an/hai-giang-ho-bi-ha-bang-1-vien-dan-xuyen-thau-3336177/