Hai hố sâu xuất hiện dưới lòng sông Đà ở khu vực hàng chục nhà dân nứt toác

Liên quan đến việc hút cát làm sạt lở bờ kè tại xã Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội), theo các số liệu đo đạc, hiện tại, lòng sông Đà tại khu vực có 19 ngôi nhà nứt toác đang xuất hiện 2 hố xói đáy sông tại khu vực giảm từ 3 - 5 m so với số liệu năm trước.

Chia sẻ với báo chí về thực trạng liên quan đến 19 ngôi nhà nứt toác ở thôn Vân Hội (xã Phong Vân, huyện Ba Vì), ông Nguyễn Duy Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành liên quan tới vụ việc.

Nhiều biển cảnh báo sạt lở tại khu vực tàu thuyền neo đậu trên sông Đà, đoạn giáp ranh giữa huyện Ba Vì và tỉnh Phú Thọ.

Nhiều biển cảnh báo sạt lở tại khu vực tàu thuyền neo đậu trên sông Đà, đoạn giáp ranh giữa huyện Ba Vì và tỉnh Phú Thọ.

Theo ông Du, qua công tác đánh giá, đoàn kiểm tra thấy có sự bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực.

Sau quá trình kiểm tra và có báo cáo sơ bộ của chuyên gia, các chuyên gia xác định nguyên nhân khách quan xảy ra việc nứt kè đê là do nền địa chất khu vực yếu, bên cạnh đó là việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Đặc biệt, hiện tại dòng chủ lưu chảy có xu hướng dịch chuyển về phía kè Phong Vân và đã tạo ra 2 hố xói rất lớn trực tiếp gây sạt lở bờ kè.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, qua việc tổng hợp số liệu, sử dụng bản đồ chập, kết quả cho thấy đáy sông Đà ở khu vực 2 hố xói giảm từ 3 - 5 m so với những năm 2023. Hố xói sâu hình thành dẫn đến các công trình kè, bờ sông Đà dần mất chân, tạo thành vách đứng và tăng nguy cơ sạt lở lên cao.

Từ những kết luận đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị huyện Ba Vì chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Phong Vân phối hợp với Hạt Quản lý đê số 1 tổ chức cắm biển cảnh báo, rào chắn khu vực sạt lở, không cho người dân qua lại. Cùng với đó, chính quyền địa phương chủ động di dời người và tài sản ra khỏi khu vực đang sạt lở cũng như kịp thời ngăn chặn khai thác cát trái phép để ổn định lòng dẫn sông Đà.

2 hố xói xuất hiện ở đáy sông tại khu vực giảm từ 3 - 5 m so với số liệu năm 2023.

2 hố xói xuất hiện ở đáy sông tại khu vực giảm từ 3 - 5 m so với số liệu năm 2023.

Ông Du nhấn mạnh, huyện Ba Vì cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn phải chủ động xử lý theo phương châm "4 tại chỗ". Rà soát, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai và triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Liên quan đến vụ việc, chiều 20/5, UBND TP Hà Nội cũng vừa ra văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải và Công an TP Hà Nội kiểm tra, rà soát thực trạng, thống nhất phương án xử lý dứt điểm đối với các vi phạm tại địa phương.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản gửi tỉnh Phú Thọ nêu rõ thực trạng, tồn tại và các vi phạm từ hoạt động khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, đồng thời đề nghị tỉnh Phú Thọ có biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động khai thác cát để phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm trong khu vực.

Trước đó, tại thôn Vân Hội (xã Phong Vân, huyện Ba Vì), tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai và thường xuyên. Việc hút cát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng sông. Theo thống kê của UBND xã Phong Vân, việc biến đổi dòng chảy gây nứt kè, tường của 42 nhà dân với khoảng 900m bờ kè sông Đà đã bị tụt chân.

Phùng Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hai-ho-sau-xuat-hien-duoi-long-song-da-o-khu-vuc-hang-chuc-nha-dan-nut-toac-post1639021.tpo