Hai kịch bản Triều Tiên đáp trả tập trận Mỹ - Hàn

Cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên chưa lắng xuống.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Washington và Seoul đã bắt đầu cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) thường niên hôm 21/8 trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa vừa qua vẫn chưa hạ nhiệt. Báo cáo Kyodo News dẫn nguồn cho thấy, bất chấp lệnh trừng phạt từ Liên Hợp quốc, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên từ tháng 2 tới nay ước đạt 270 triệu USD thông qua “các con đường gián tiếp”. Việc “thi hành lỏng lẻo” các lệnh trừng phạt và “kỹ thuật lách luật” của Bình Nhưỡng đang phá hoại các mục tiêu của Liên Hợp quốc, theo Kyodo. Trong khi đó, lệnh trừng phạt đưa ra từ hôm 5/8 dự kiến sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD/năm của Triều Tiên thiệt hại hơn 30%.

Một số đồng minh Hàn Quốc cũng tham gia sự kiện năm nay bao gồm Australia, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, cuộc tập trận trên chỉ mang tính phòng vệ, không nhằm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc sẽ là "đổ thêm dầu vào lửa". Trong suốt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn năm ngoái, Triều Tiên đã đáp trả bằng việc phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nước này còn khiến tình hình căng thẳng hơn khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9/2016. Đối với cuộc tập trận Mỹ - Hàn hồi tháng 3 năm nay, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo Scud để đáp trả. Theo Navy Times, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục phản ứng trước tập trận chung Mỹ - Hàn năm nay theo 2 kịch bản.

Thứ nhất, Triều Tiên có khả năng sẽ tập trung vào mục tiêu lớn hơn. Đó là xem cuộc tập trận như một cái cớ để thử nghiệm năng lực đối phó Mỹ thông qua việc phóng các tên lửa tầm xa mới và không mong muốn đẩy tình hình lên mức quá căng thẳng. Nếu đúng như vậy, Triều Tiên có thể chỉ đưa ra các tuyên bố chỉ trích hoặc các động thái ít khiêu khích như tập trận pháo binh và tên lửa tầm ngắn. Kịch bản thứ hai, Triều Tiên có thể dùng cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn như một cái cớ để tiến hành một vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) khác hoặc thậm chí phóng tên lửa xuống vùng biển gần đảo Guam. Dù có ở kịch bản nào, cuộc tập trận cũng sẽ khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thêm lý do để diễn biến phức tạp.

Tú Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hai-kich-ban-trieu-tien-dap-tra-tap-tran-my-han-296109.html