Hai mặt của vàng với nền kinh tế

Thị trường vàng 'nhảy múa khiến cơ quan quản lý phải có những biện pháp can thiệp. Đây cũng là thời điểm nhiều chuyên gia đặt lại vấn đề về tính liên quan của kim loại này tới nền kinh tế.

Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ. Đồng thời sử dụng một số công cụ như thuế, lãi suất để hài hòa cung – cầu vàng trong nước và hạn chế tác động tiêu cực tới tỷ giá và ngoại hối.

Tâm lý đám đông và rủi ro với nền kinh tế

Giá vàng liên tục lập đỉnh mới từ cuối năm 2023 tới nay. Cụ thể, vàng miếng SJC giao dịch ở mức 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4-2024, rồi vượt mức 92 triệu đồng một lượng vào tháng 5, qua đó ghi nhận mức giá giao dịch cao nhất lịch sử. Bình quân bốn tháng đầu năm, giá trị giao dịch của vàng tăng 20,75%.

Giá vàng sáng liên tục lập đỉnh từ đầu năm tới nay. Ảnh: Lê Vũ

Giá vàng sáng liên tục lập đỉnh từ đầu năm tới nay. Ảnh: Lê Vũ

Giá vàng liên tục lập đỉnh, chênh lệch giữa giá vàng tại thị trường Việt Nam và giá thế giới cũng có xu hướng gia tăng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng chênh lệch giá này “không hoàn toàn phản ánh cân đối cung – cầu”, mà tới từ ba yếu tố là: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Yếu tố thiên thời và địa lợi, theo ông Việt, là mặt bằng lãi suất thấp trong giai đoạn năm 2021 – đầu 2022 và cuối năm 2023 – nay đã hình thành môi trường lý tưởng, đủ sức tạo “sóng” với bất kỳ loại tài sản nào.

Với riêng sản phẩm vàng, quyết định giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25%-5,5% của Fed ngày 20-3-2024 được xem là yếu tố tác động kép, thúc đẩy giá vàng tăng cao. Bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng cũng góp phần củng cố vị thế “vùng trú ẩn an toàn” của vàng, khiến nhà đầu tư tìm kiếm nơi cất giữ tài sản an toàn và sinh lời.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng vàng tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ đang dần hồi phục, đóng góp đáng kể vào đà tăng của giá vàng.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mới tại hai quốc gia này cũng là động lực thúc đẩy cầu mạnh mẽ và đẩy giá vàng thế giới tăng lên.

Với riêng Trung Quốc, yếu tố căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến quốc gia này duy trì chính sách trích trữ vàng và đứng đầu thế giới về lượng mua vàng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Còn với Việt Nam, việc giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không đủ “nóng” để hút tiền như năm 2021-2022 là hai yếu tố thuận lợi giúp sản phẩm này tạo “sóng” tại thị trường Việt Nam những tháng đầu năm 2024.

“Có thể nói rằng, có cả yếu tố thiên thời và địa lợi cho việc tạo sóng vàng”, ông Việt nói tại một tọa đàm về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 17-5.

Với yếu tố nhân hòa, vị này cho biết đó là tâm lý đám đông, vốn rất dễ bị thu hút bởi “sóng” tài sản.

“Sóng càng cao càng dễ hút tiền. Bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý ‘bầy đàn’ như vậy”, ông Việt nói.

Khách hàng xếp hàng để mua vàng tại trụ sở của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Khách hàng xếp hàng để mua vàng tại trụ sở của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập Think Future Consultancy, cũng đánh giá giá vàng miếng SJC tăng “phi mã” bởi tâm lý đầu cơ của người dân.

Vị này cũng thừa nhận bản thân khó có thể dự báo chính xác xu hướng và mức độ lên – xuống của giá vàng, dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính. Do đó, yếu tố đáng ngại là mọi người ồ ạt xếp hàng mua vàng, dù không có kinh nghiệm phân tích giá vàng.

“Sóng vàng không chỉ mang lại lợi nhuận từ mua thấp bán cao mà còn mang lại lợi nhuận nhờ chênh lệch mua vào – bán ra. Khi biến động giá mạnh, chênh lệch mua vào – bán ra càng lớn, càng tạo nhiều lợi nhuận cho các nhà cái”, ông Linh phân tích.

Cũng theo vị này, vàng vừa là một dạng tiền tệ, vừa là một dạng hàng hóa. Sản phẩm này vừa có chức năng tích trữ, vừa để “trading”. Nhưng khác với ba kênh đầu tư gồm chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, thì vàng không có vai trò huy động vốn như chứng khoán, không phải một nhu cầu thiết yếu “an cư lạc nghiệp” như bất động sản và cũng không có chức năng thanh toán quốc tế như ngoại tệ.

Do đó, vàng thuần túy là một loại tài sản tích trữ và gần như không mang lại lợi ích nào cho phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban tài chính – ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc người dân sở hữu vàng để tích trữ như một loại tài sản phòng thân là chính đáng. Điều này cũng cho thấy tâm lý “phòng thủ” là phổ biến.

Tuy nhiên, khi tâm lý “phòng thủ” xuất hiện thì kênh đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế – xã hội sẽ bị hạn chế bởi dòng vốn đầu tư bị hút ra khỏi thị trường và nằm dưới hình thức vàng tích trữ.

“Điều này mới đáng lo, bởi thực tế hiện nay cho thấy, đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế của chúng ta đang rất yếu, trong khi các kênh khác như tín dụng, trái phiếu thì không thể đủ sức ‘gánh’ toàn bộ về nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội”, ông Cường phân tích.

Ngoài ra, bối cảnh giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn cũng tạo rủi ro lậu vàng vì mức lợi nhuận quá cao.

“Đã buôn lậu thì sẽ vẫn có tình trạng thất thoát về ngoại tệ. Chúng ta không quản lý được ngoại tệ cũng có thể dẫn đến chuyện quản lý tỉ giá”, ông Cường lo ngại.

Bình ổn giá vàng để ổn định vĩ mô

Nhận định việc xử lý chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá, các công cụ tiền tệ như lãi suất sẽ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Theo đó, việc cân nhắc tăng lãi suất ở mức độ hợp lý có thể sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ giúp kiểm soát bong bóng tài sản mà còn hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế.

“Ổn định cũng là một phần không thể thiếu của tăng trưởng. Chỉ khi có sự ổn định, tăng trưởng mới thực sự bền vững”, ông Linh nói.

Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp hành chính trở để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Chẳng hạn, việc thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng… sẽ không tốn dự trữ ngoại hối (sử dụng để nhập khẩu vàng – PV) mà có thể mang tới hiệu quả cao tức thì.

Về trung – dài hạn, ông Hoàng Văn Cường khuyến nghị đã đến lúc phải xây dựng thị trường vàng với đa dạng loại hình sản phẩm, phương thức giao dịch và coi vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng. Hướng thay đổi là huyển thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Cũng theo ông Cường, xu thế giao dịch của thế giới hiện là phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh, thông qua hợp đồng kinh doanh và tín chỉ về vàng. Cụ thể, việc mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản sẽ giúp tránh lệ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều hay ít vàng. Nhà điều hành cũng có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh để kịp thời cân đối cung cầu.

Như vậy, việc điều hành rất linh hoạt và không còn tình trạng người dân mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm “chết” một khối lượng tiền ở đấy.

“Khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người dân không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ. Số vàng đó được lưu thông ở trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân”, ông Cường phân tích.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TPBank, cho rằng bất cứ người kinh doanh, nhà đầu tư hay người dân nào đều có một trong hai nhu cầu, gồm: mua – bán kiếm lời hoặc tích trữ.

Với đối tượng muốn mua vàng về giữ, thừa kế, cho tặng, làm trang sức, dự phòng an toàn… sẽ phân loại vào thị trường vàng vật chất. Với đối tượng có nhu cầu về đầu tư, nên trả về thị trường tài chính.

Hiện tại, tất cả cầu đó dồn hết về thị trường vàng vật chất, sẽ làm tăng lên nguồn cầu trong lúc thị trường biến động.

“Nếu chúng ta khơi thông được công cụ tài chính cho những người muốn mua bán để cân bằng về giá thì chúng ta giải tỏa được rất nhiều nhu cầu về vàng vật chất. Cũng không cần nhiều ngoại tệ để nhập nhiều vàng về dập ra vàng miếng phân tán ra cho người dân nữa. Những người mua bán về giá thì chỉ ra vào thị trường tài chính, có thể là qua một trung tâm tài chính hoặc một sàn là một giải pháp chúng ta thực thi trên đó”, ông Việt Anh nói tại một tọa đàm về phát triển thị trường vàng.

Theo vị này, việc phân tách hai thị trường vàng sẽ làm giảm nhu cầu về vàng vật chất, cơ quan điều hành sẽ không phải cân đối ngoại tệ xuất nhập quá nhiều khi người nhân có nhu cầu…

Bên cạnh các giải pháp trên, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam có thể quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế, tương tự nhiều quốc gia khác. Hai sắc thuế được sử dụng là thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, không nên áp dụng mức thuế quá cao, nhắm tránh tạo ra chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần bảo đảm việc áp dụng công cụ thuế một cách linh hoạt theo từng giai đoạn.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hai-mat-cua-vang-voi-nen-kinh-te/