Hai người đàn bà

KTĐT - Nhà này rất lạ. Mấy bữa nay có kiểu anh chồng đi làm về đứng lặng ngoài hiên ngóng vào, chị vợ ngồi trong nhà đắm đuối ngắm con.

Thế nên Vi ngồi nhìn cái cảnh tượng đó cũng thấy bùi ngùi lắm. Chị Miên mới được làm mẹ, mà lần đầu làm mẹ ở cái tuổi ngoài ba mươi đủ biết hạnh phúc cỡ nào. Vi ngồi ủi đống đồ, nghe loáng thoáng anh chồng dỗi vợ "từ ngày có con hình như em quên mất mình còn có một ông chồng thì phải". Bạn bè đến chơi trách chị dạo nay gọi hoài sao không bắt máy? Thiên hạ bảo gái một con trông mòn con mắt, ờ thì thiên hạ ngắm biết vậy chứ có con rồi hàng ngày chị còn chả buồn màng đến soi gương. Vi cứ tự hỏi đàn bà có con hạnh phúc đến thế sao? Vậy mà nhiều lần Vi sinh con rồi cho đi, đâu có thấy bịn rịn gì. Ờ mà có bao giờ Vi dành thời gian ngồi ngắm con như chị, đẻ chưa được bao lâu đã nhắn người đến đón. Đối với Vi sau mỗi lần sinh con chỉ là cảm giác sữa về căng tức bầu vú mà không có lấy một cái miệng chúm chím nào ngậm lấy. Thế mà chị ngày nào cũng đau đớn khổ sở vì không đủ sữa cho con. Nhiều bữa ngồi ăn cơm thấy chị lặng thinh, Vi hỏi sao mà chị chủ không thấy nói gì thì chị bảo im lặng để nghe sữa đang về…

Vi lúc nào cũng càm ràm một câu cũ rích:

- Đàn bà ba mươi rồi mà sao cái gì cũng vụng.

Ấy là khi thấy chị lóng ngóng từ việc cho con bú, tắm cho con đến ngay cả việc nằm bên con cũng vụng. Vi thì tính tưng tửng chả có ý tứ gì nên cứ thấy gì không vướng tai gai mắt là bỗ bã liền chẳng nể thân sơ, chủ tớ. Chị thì từ ngày có con thành ra hiền hẳn, Vi nói gì cũng chỉ biết cười. May được cái anh chồng chăm vợ con thì khéo không ai bằng. Chăm từ nồi nước tắm cho con đến nồi nước bồ kết gội đầu cho vợ. Mà cái nhà chị này cũng lạ, lúc còn son thì điệu đà váy áo phấn son suốt ngày, ấy vậy mà mới có một mống con đã luộm thuộm như một bà buôn. Chị nghe Vi càm ràm thì bảo:

-Thì cô cứ sinh con đi rồi biết. Lúc ấy chả thiết tha gì cho bản thân đâu chỉ cần con khỏe con ngoan con đẹp là mãn nguyện rồi.

Vi nguýt dài:

- Làm như mỗi chị mới biết sinh con và làm mẹ không bằng. Em đây cũng từng mấy lần…

Cái từ "mấy lần" không dưng mắc nghẹn cổ họng Vi như là nghẹn rau đắng hay nghẹn cục cơm khô mà nuốt mãi không trôi được. Chị ngẩng lên như dò hỏi, Vi vờ tưng tửng quay đi buông lại mấy lời chỉ vừa đủ để thấy cồn cộn ruột gan:

- Ờ thì mấy lần đây cũng định làm mẹ. Nhưng thôi…

Chị cười nghĩ Vi mà làm mẹ chắc là dữ lắm, đàn bà gì mà như hổ. Vi dọn nhà thấy toàn vải vụn, chỉ màu vương vãi trong phòng chị. Vi hỏi mấy thứ quái quỷ này ở đâu ra mà bề bộn? Chị cười bảo đang tập may váy cho con. Nửa đêm Vi tỉnh giấc dậy, thấy cửa phòng chị khép hờ, đèn vẫn sáng. Vi ngó vào chạm đúng cái dáng chị đang cặm cụi hí hoáy viết gì đó trong cuốn sổ màu xanh, cái cuốn sổ mà mấy lần Vi dọn dẹp chị đều không cho động tới. Có hỏi thì chị bảo đang ghi nhật kí cho con. Vẽ chuyện, Vi nhún vai chẳng thèm bận tâm, cái trò viết nhật kí rất nực cười và phù phiếm. Sáng nào Vi cũng phải đi chợ sớm về nấu ăn sáng cho cả nhà. Anh chồng thì bảo phải tích cực đổi bữa theo sở thích của vợ, ấy vậy nên sáng nào Vi cũng chực chờ để hỏi xem chị thích ăn gì. Chị thì mải chăm con đến mụ mị người, nhiều khi Vi hỏi đến câu thứ ba mà vẫn thấy chị nựng con. Bực quá Vi quát ầm nhà. Anh chồng chuẩn bị đi làm thấy vậy ngó vào bảo:

-Vi mà cứ thế thì ở giá đến già, phụ nữ gì mà chả có tí tí dịu dàng nào, đàn ông lấy vợ về làm cái lạt mềm chứ đâu phải lấy hổ về giữ vía.

Vi ức lắm, săm săm đến trước mặt anh, đặt phịch cái làn xuống đất, xồn xồn bảo:

- Anh tính xem, phụ nữ sau khi sinh phải kiêng khem nhiều thứ để tránh mất sữa hoặc gây dị ứng cho bé. Ấy vậy mà chị nhà suốt ngày đòi ăn chả lá lốt, thích đồ cay nóng bảo sao chả mất sữa. Đấy là chưa kể lúc nào cũng kè kè bát nước chấm tỏi, mùi tỏi xâm nhập vào sữa mẹ phải vài giờ sau mới hết nên con bé con nó không chịu bú sữa là phải. Chị vội ngước lên, giọng đầy vẻ lo lắng:

- Em biết vậy sao không nói sớm?

- Thì anh chả bảo chị thích ăn gì cứ nấu cho chị ăn đấy thôi.

Anh chồng chỉnh lại cà vạt, cúi xuống hôn con rồi như đọc được những suy nghĩ của vợ, anh cười bảo:

- Không sao đâu em. Cô Vi chưa lấy chồng mà xem ra nhiều kinh nghiệm. Vậy em cứ chịu khó ăn theo thực đơn của Vi chắc chỉ mấy hôm là sữa lại về đầy ấy mà. Đúng không Vi?

Vi nhìn cái vẻ buồn rầu, ăn năn của chị cũng thấy mủi lòng, cô xách làn quay đi bảo:

- Để hôm nay tôi đi chợ nấu canh rau ngót thịt băm, rồi làm một nồi cháo vừng đen. Mà chị nhớ cho con bú nhiều lần trong ngày, có vậy thì sữa nó mới mau về. Người đâu mà…

Minh họa: HOÀI VĂN

Vi bỏ lửng câu nói tất tưởi đội cái nón ra đứng chờ đường vắng rồi đi tắt sang chợ trung tâm. Vi về làm cho anh chị chủ nhà dễ chừng cũng đã được ba năm. Từ hồi chị chủ còn mải chạy đôn chạy đáo tứ phương để cắt thuốc chạy chữa bệnh vô sinh. Trông người chị cứ rạc đi, tâm tính bất thường, lúc cáu gắt lúc ngồi buồn ủ rũ chả thiết tha ăn uống gì. Anh chồng xót vợ lắm bảo thôi thì xin lấy một đứa con nuôi, mình thương nó như con thì nó cũng hết lòng. Nhưng chị thì vẫn thiết tha sinh một đứa con. Công việc kinh doanh bận rộn khiến anh không có nhiều thời gian chăm sóc cho chị nên gọi điện về quê tìm một người giúp việc.

Vi hồi đấy cũng mới sinh con xong, con thì cho người ta bế đi rồi chỉ còn lại cái cơ thể ngày càng sồ sề, da bụng rạn, người ì ạch đến tự mình còn phát ngán huống hồ là đàn ông. Mà Vi thì sống nhờ vào đàn ông từ năm mười tám tuổi, bám lấy họ mà sống. Vài năm cái bụng lại chình ình ra một lần, ờ thì biết làm sao, nghề gì mà chả có rủi ro. Riêng nghề làm gái điếm ngoài bị khinh miệt, thỉnh thoảng bị mấy bà vợ của khách đánh ghen thì việc lỡ mang thai cũng là một tai nạn nghề nghiệp. Vi ghét mấy đứa trẻ lỡ gieo vào cuộc đời cô lắm đơn giản bởi Vi lo cho thân mình còn không xong thì làm sao nuôi chúng nổi. Ngày xưa mẹ sinh Vi xong cũng vung quăng bỏ quật cuộc đời cô từ nhỏ nên đối với Vi mà nói chẳng có bất cứ khái niệm nào về tình mẫu tử. Mẹ đi bước nữa, Vi ở với ngoại đến khi đứng chưa cao bằng cái cây chanh ngoài sân thì ngoại mất. Vi không được học hành nên chẳng biết nói lời hay, đi làm thuê từ làng này sang làng khác rồi thì cứ thế cục mịch mà lớn lên. Trời cho Vi hương sắc, đàn ông ngắm Vi như ngắm một bông hoa hoang dại đầy ma lực. Rồi đời xô đẩy vài lần thì Vi trượt chân vào ụ điếm, quanh năm chỉ biết mua vui cho đàn ông. Nói thì phải tội chứ mấy đứa con Vi chẳng màng chứ đàn ông với mớ tiền thì Vi ham lắm. Có con thì có gì vui? Chỉ thấy nhan sắc tuổi thanh xuân của Vi cũng tàn tạ theo từng đứa con được ra đời. Nhan sắc hết rồi, đàn ông không cần tới Vi nữa. Lao động tay chân nặng nhọc không quen, Vi nhờ bạn tìm mối xuống thành phố làm người giúp việc. Hôm dẫn Vi đến đây, bạn dí trán cô bảo:

- Lo mà làm ăn tử tế. Đừng có mèo mả gà đồng với chồng người ta mà có ngày chết mất xác. Gái thành phố mà ghen là hất axit vào mặt chứ không phải sốc váy chửi đổng như mấy bà nhà quê đâu.

Vi cười:

- Giả dụ mà lừa được cũng lừa sợ gì. Mỗi tội xấu quá ai nó thèm nữa mà lo.

Ngay từ khi bước chân vào căn nhà này Vi đã thấy thân thuộc như ở nhà mình. Họ sống với nhau ấm áp quá dẫu cho hạnh phúc chưa hẳn đã vẹn toàn. Họ quý Vi như em gái, thế mới có chuyện cả ngày chị chủ cứ đợi Vi ngơi tay ngơi chân là níu lại chuyện trò. Vi nghe chị than chuyện ao ước có một đứa con cô đã nghĩ giá mà đẻ được thay chị Vi cũng hy sinh nốt chút nhan sắc tàn lụi cuối cùng mà giúp. Nỗi đau của chị đến người tưng tửng như Vi cũng phải ý nhị không chạm vào. Chị bảo:

- Đời kể cũng hay. Chị đọc trên mạng thấy người ta đẻ con rồi đang tâm đến vứt con trong bệnh viện hay trước cổng chùa chiền. Trong khi chị thì mong mỏi những đứa con từ khi còn rất trẻ. Chị chưa bao giờ dám sống buông tuồng, ngay cả trong tình yêu cũng giữ gìn hết mức để sau này không có gì phải hối tiếc. Chị từng mất nhiều công sức mường tượng ra những đứa con. Đã vẽ sẵn cho chúng một hình hài, đặt cho chúng một cái tên, vẽ màu mắt và nụ cười cho chúng. Chị cũng đã đặt lên môi má chúng cả ngàn cái thơm để dành, vỗ về chúng qua nhiều đêm tối. Chị đã nghĩ vì tất cả những yêu thương đó mà nhất định bà mụ sẽ nặn những đứa trẻ ấy trong cuộc đời của chị. Vậy mà… Vi thấy có buồn không?

Vi thở dài bảo ờ buồn, buồn thật rồi thấy nhoi nhói đâu đó nơi ngực trái. Cái vế đầu mà chị nói như thể muốn trách cứ Vi, vậy mà sao mấy lần cho người ta con Vi chả có cảm giác tội lỗi gì? Đã có lúc Vi ước giá như ngày xưa mẹ đừng vứt bỏ Vi, mẹ yêu thương Vi như cách chị đã yêu thương những đứa con trong mường tượng của mình thì chắc Vi sẽ biết cách sống tử tế hơn. Mà sự đời sao cứ thích tréo ngoe, sao những đứa con khốn khổ của Vi không sinh ra trong cuộc đời của chị? Mà có lẽ việc Vi trao con mình cho những người đàn bà khác cũng là một điều tốt, bởi vì chắc người mẹ nào cũng sẽ tốt hơn Vi.

Cũng may là sau đó nhờ gặp thầy gặp thuốc mà chữa khỏi bệnh, chị cuối cùng cũng đã có được cái niềm vui làm mẹ. Vi nghĩ thế là nhẹ nhõm cho chị mà cũng nhẹ nhõm cho Vi. Ai dè hàng ngày nhìn chị chăm con Vi cũng thấy buồn, thấy chút ghen tị kiểu đàn bà nhen nhóm trong lòng. Ơ hay! Hóa ra tâm tính con người ta thay đổi theo thời gian nhiều đến thế, chắc là do sắp ngấp nghé tuổi ba mươi nên Vi cũng thèm có một gia đình. Thứ mà trước kia đối với Vi nó vô cùng phù phiếm, hão huyền. Giờ sao nghe tiếng trẻ con khóc mà Vi cũng thấy nhớ con. Chị cái gì cũng vụng nhưng hát ru thì khéo lắm, khéo như ngày xưa ngoại ru Vi vậy. Nên có hôm Vi đang lúi húi rán nem trong bếp mà bỗng đâu chị cất tiếng hát ru, Vi cứ đứng lặng người mà nghe lòng như xát muối, mãi cho đến khi giật mình bừng tỉnh thì chảo nem đã cháy xém rồi. Bữa ấy anh chủ trêu có phải dạo này Vi đang yêu đang nhớ ai không mà tâm hồn như treo ngược cành cây? Vi chỉ biết cười, chả nhẽ lại bảo với anh ừ thì Vi đang nhớ nhung đây, nhớ nhung thứ hạnh phúc mà tự tay Vi từng nhiều lần tước bỏ.

* * *

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến đứa nhỏ ốm, sốt cao cả đêm không làm cách nào dịu bớt. Anh chị cuống cuồng đưa con vào bệnh viện, Vi cũng lẽo đẽo đi theo. Cô y tá trực ca đang cơn ngái ngủ càu nhàu, hạch sách chị đủ loại thủ tục. Vi thấy máu chảy rần rật lên não, phải chi gặp con nhỏ ngoài chợ Vi đã cho nó biết tay rồi nhưng chị bảo Vi thôi nhịn đi, cốt sao cho con mau khỏi. Vi nghĩ chị sao mà hiền thế, cái gì cũng nhún nhường. Đứa nhỏ thỉnh thoảng lại khóc, y tá càu nhàu cắm mạnh mũi tiêm. Chị nhìn con khóc lặng người mà sôi máu quát ầm ầm, đấy là lần đầu tiên Vi nhìn thấy chị giận dữ đúng kiểu sư tử mẹ bảo vệ con. Y tá sợ tái mặt không dám cãi một câu, chị ôm con vào lòng vỗ về nhè nhẹ. Vi đứng đó mà ước giá như mình cũng có con để lỡ ai đó làm con đau Vi cũng có cái quyền được bảo vệ và giận dữ…

Vi đợi đứa nhỏ khỏe rồi xin nghỉ về quê một thời gian. Anh chị gặng hỏi Vi cũng chỉ cười bảo nhớ quê thì về, kì thực là ở đây Vi buồn lắm. Ngày nào cũng nghe thấy có cái gì đó rơi rụng đâu đó trong tim mỗi khi thấy chị nựng nịu, vỗ về, hôn hít con. Vi thấy nhớ những đứa con Vi từng mang nặng đẻ đau, ba đứa cả thảy, đứa lớn nhất cũng phải bảy tám tuổi rồi. Vi nghĩ giờ có muốn Vi cũng không ôm chúng vào lòng mình được nữa, chúng đã thành con người ta. Nhưng Vi vẫn muốn ít nhất được một lần trông thấy chúng, muốn dúi vào tay cha mẹ nuôi chúng cái áo hay gói kẹo. Muốn nghe thấy những âm thanh rộn rã trong lòng dù chỉ là chốc lát. Chuyến xe khách về đến gần làng thì trời tối, hoàng hôn kéo lê thê trên những cánh đồng. Vi tựa đầu vào cửa xe, nhắm chặt mắt khi thấy có một mặt trời vừa rụng xuống, tiếng rơi thảng thốt cõi lòng…

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/van-hoa/van-nghe/2013/10/810209c7/hai-nguoi-dan-ba/