Hai nước NATO cam kết cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine

Hà Lan và Đan Mạch tuyên bố sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sau khi các điều kiện chuyển giao được đáp ứng. Quyết định trên được Thủ tướng của hai nước NATO công bố nhân chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đi bên cạnh một chiếc máy bay chiến đấu F-16, căn cứ Eindhoven, Hà Lan. Ảnh: Reuters

"Hôm nay, chúng tôi có thể thông báo rằng Hà Lan và Đan Mạch cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine và lực lượng Không quân Ukraine, bao gồm sự hợp tác của Mỹ và các đối tác khác sau khi các điều kiện chuyển giao được đáp ứng", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một căn cứ không quân ở Eindhoven, theo Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham dự một cuộc họp báo ở Eindhoven, ngày 20/8. Ảnh: Reuters

Ông Rutte cho biết Hà Lan đang có 42 chiếc máy bay chiến đấu F-16, nhưng chưa tiết lộ nước này sẽ chuyển giao cho Kiev bao nhiêu chiếc.

Tổng thống Ukraine Zelensky ca ngợi quyết định này của Amsterdam là một bước đột phá "lịch sử". "Thủ tướng Mark Rutte và tôi đã nhất trí về số lượng F-16 sẽ được cung cấp cho Ukraine – sau khi đào tạo phi công và kỹ sư của chúng tôi", ông viết trên Telegram.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với ông Zelensky ở căn cứ không quân Skrydstrup, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ giao tổng cộng 19 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, trong đó 6 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển đến Kiev vào dịp đầu năm mới sắp tới, tiếp theo là 8 chiếc trong năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025.

"Chúng tôi biết rằng tự do của các bạn là tự do của chúng tôi. Chúng tôi cũng biết rằng các bạn cần nhiều vũ khí hơn", bà Frederiksen nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trong chiếc F-16 tại nhà chứa máy bay của căn cứ Skrydstrup ở Vojens, ngày 20/8. Ảnh: AFP

Bộ Quốc phòng Đan Mạch cũng ra thông cáo xác nhận nước này sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev. Bộ này cho biết máy bay sẽ được cung cấp khi đạt được các điều kiện, bao gồm "các phi công F-16 của Ukraine đã được lựa chọn, thử nghiệm và huấn luyện thành công, có các giấy phép cần thiết, đáp ứng về cơ sở hạ tầng và hậu cần".

"Sự hỗ trợ của Đan Mạch dành cho Ukraine là không thể lay chuyển và Đan Mạch đang dẫn đầu trong việc chuyển giao máy bay F-16", Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen tuyên bố.

Các cam kết trên được Đan Mạch và Hà Lan đưa ra vài ngày sau khi Mỹ "bật đèn xanh" để hai nước này gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington ủng hộ các chương trình phối hợp nhằm đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16.

Trong đó, Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu liên minh huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, dự kiến bắt đầu từ tháng 8. Liên minh này cũng bao gồm Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 19/8 cho biết việc đào tạo phi công Ukraine đã bắt đầu, nhưng sẽ mất ít nhất 6 tháng hoặc có thể lâu hơn để đào tạo cả kỹ sư và thợ máy.

Giới chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp các máy bay chiến đấu, lập luận rằng khí tài này có tác động lớn đối với cuộc xung đột. Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat tuyên bố “sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến” nếu Kiev được bổ sung những chiếc F-16.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nhận định rằng dòng máy bay chiến đấu F-16 sẽ có tác động đáng kể đối với sức mạnh không quân Ukraine, nhưng sẽ không đóng vai trò quyết định trong việc "thay đổi cuộc chơi một cách kịch tính".

Giới chức Nga chưa đưa ra bình luận về động thái này.

Moscow đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine vì điều này không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc xung đột mà chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Lenta vào tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow coi kịch bản Mỹ có kế hoạch giao máy bay F-16 cho Ukraine là "bước ngoặt cực kỳ nguy hiểm" và không loại trừ khả năng những máy bay này có thể mang vũ khí hạt nhân. Quan chức này cũng cảnh báo việc phương Tây gửi F-16 cho Ukraine sẽ là động thái "leo thang không thể chấp nhận được" và cảnh báo các nước này không nên "đùa với lửa".

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự báo rằng những chiếc F-16 sẽ "cháy rụi" giống như xe tăng phương Tây cung cấp cho Kiev. Ông đồng thời tuyên bố rằng Moscow sẽ tìm mọi cách tấn công các địa điểm bên ngoài Ukraine nếu những chiếc máy bay này đóng quân ở đó.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/hai-nuoc-nato-cam-ket-cung-cap-may-bay-f-16-cho-ukraine-post25884.html