Hải Phòng: Có hay không chuyện thất thoát, lãng phí tại công trình trang trí đèn nghệ thuật?

Tự nhận danh xưng là đơn vị tổ chức sự kiện hàng đầu của Việt Nam, thế nhưng, những 'lùm xùm' xung quanh hai dự án nhạc nước hồ Tam Bạc và công trình trang trí đèn nghệ thuật trên một số tuyến phố tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng đã khiến dư luận hoài nghi đặt câu hỏi, vậy Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm là ai mà được 'ưu ái' để có thể trở thành nhà thầu thực hiện các dự án này?

Văn phòng làm việc của Ban Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm tại tòa nhà Charmvit ở 117 Trần Duy Hưng Hà Nội.

Hệ thống đèn chiếu sáng với các thiết kế nghệ thuật sử dụng để trang trí trên các tuyến đường chính được thành phố Hải Phòng gấp rút cho lắp đặt từ đầu năm 2015, phục vụ cho dịp Tết nguyên đán 2015 và dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Hải Phòng. Đây là công trình được giao nhà thầu là Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm có trụ sở tại Hà Nội thiết kế, thi công, lắp đặt và mua sắm thiết bị. Nguồn vốn thực hiện dự án bằng kinh phí sự nghiệp bổ sung năm 2014.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhân dân thành phố cho rằng, kể từ sau Tết nguyên đán 2015, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hệ thống đèn trang trí nghệ thuật có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng, hoạt động thiếu ổn định, nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, quá nửa số đèn nháy đã bị đứt, rơi rụng tơi tả, như một mớ bòng bong, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi đường. Bên cạnh đó, bằng đánh giá cảm quan ban đầu, hệ thống giàn đèn thiết kế rất thiếu thẩm mỹ, đơn điệu, lãng phí chưa xứng tầm đầu tư, thậm chí tạo nên hình ảnh nhếch nhác, phản cảm, gây mất mỹ quan đô thị. Và mới đây, Hải Phòng đã cho tháo bỏ toàn bộ hệ thống đèn led nghệ thuật trang trí trên đường Lê Hồng Phong để chuẩn bị cho việc triển khai dự án trang trí mới phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2017.

Dư luận đặt câu hỏi, không biết Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm - doanh nghiệp thi công dự án nhạc nước hồ Tam Bạc và công trình trang trí đèn nghệ thuật trên một số tuyến phố tại Hải Phòng có mối quan hệ như thế nào mà có thể thâu tóm các công trình trị giá hàng trăm tỷ trên đất Hải Phòng dễ dàng đến như vậy?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm hoạt động từ khá lâu, giấy phép kinh doanh được cấp từ những năm 2000, trụ sở chính tại số 31 - 33 Ngô Quyền (phường Hàng Bài, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thanh Tâm làm Giám đốc, là loại hình doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Tính tới ngày 3/11/2016, công ty này đã thay đổi đăng ký tới 13 lần với số điều lệ là 100 tỷ đồng. Ngành, nghề kinh doanh của công ty khá đa dạng lên tới 50 ngành, nghề được cấp phép, từ tổ chức tua du lịch, sự kiện; dịch vụ tắm hơi, mát xa; tư vấn, môi giới bất động sản cho đến xây dựng công trình các loại… Tuy nhiên, nơi làm việc của Ban Giám đốc và Văn phòng giao dịch công ty lại ở tòa nhà Charmvit ở 117 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Hà Nội).

Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của nhà thầu liên quan tới những “lùm xùm” xung quanh hai dự án mà Công ty TNHH Sơn Lâm đã triển khai tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Thanh Hải – Phó giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm luôn trả lời khá chung chung, lảng tránh vấn đề với thái độ khá dè dặt và thận trọng.

Về công trình lắp đặt hệ thống đèn nghệ thuật trên một số tuyến phố, vị này cho rằng, “Đây là các công trình chỉ mang tính chất thời vụ và nó được tháo dỡ khi đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình. Cũng cần phải nói thêm, đối với các công trình kiểu dạng như thế không có một tên gọi cụ thể nào như thuê mướn, cũng không phải trang trí theo thời vụ nên buộc phải xếp chúng vào công trình xây dựng thì mới có thể quyết toán được. Từ đó dẫn đến việc công trình do chúng tôi thi công sẽ bị nhiều hệ thống văn bản quy phạm như luật, nghị định, thông tư điều chỉnh. Nhưng tôi khẳng định, chúng tôi luôn tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và càng không có chuyện gây thất thoát, hay lãng phí gì ở đây”.

Nói về dự án nhạc nước trên hồ Tam Bạc, vị đại diện này cho biết, trước đây xuất hiện thông tin là vật liệu có xuất xứ từ Trung Quốc khiến chúng tôi hết sức bức xúc bởi 100% thiết bị do công ty nhập khẩu từ Mỹ về. Công trình được đặt ngầm hết tất cả, có một thông tin nêu ra chưa thật sự khách quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã rõ ràng rồi, Công ty Sơn Lâm không phải là đối tượng của việc kiểm tra đó.

Trước đó, Báo Xây dựng đã có bài viết “Nghiệm thu hệ thống đèn led hàng chục tỷ đồng: Hải Phòng “bỏ qua” Nghị định của Chính phủ” nêu lên tình trạng công trình đèn led ở TP Hải Phòng khó có thể được nghiệm thu nếu chiếu theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về “Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng” của Chính phủ. Thế nhưng, trên thực tế, công trình được thi công khi chưa được duyệt hồ sơ thiết kế và các cơ quan chức năng đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao rất nhanh chóng. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, công trình đang được dỡ bỏ để chuẩn bị lắp hệ thống trang trí mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 18/11/2014, UBND TP Hải Phòng phát đi công văn hỏa tốc thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lúc đó là ông Dương Anh Điền về việc lắp đặt điện chiếu sáng nghệ thuật Nhà hát lớn, đèn trang trí nghệ thuật một số tuyến đường chính của Hải Phòng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Dương Anh Điền, hệ thống đèn nghệ thuật với các thiết kế nghệ thuật về hoa phượng đỏ, chim hải âu và sóng nước... sẽ được sử dụng để trang trí trên các tuyến đường của Hải Phòng. UBND TP Hải Phòng giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Nhà thầu được chỉ định là Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm.

Từ công văn hỏa tốc của ông Dương Anh Điền, ngày 14/01/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng có tờ trình gửi UBND TP Hải Phòng do ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở ký về việc xin phê duyệt chi tiết chủ trương đầu tư các dự án lắp đặt đèn trang trí chiếu sáng nghệ thuật một số tuyến đường chính trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo công văn này, tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đèn trang trí nghệ thuật là gần 29,68 tỷ đồng. Trong đó, dự án lắp đặt đèn trang trí nghệ thuật một số tuyến đường chính (xung quanh khu vực Nhà hát lớn TP Hải Phòng) là 14,88 tỷ đồng và dự án đầu tư lắp đặt đèn trang trí chiếu sáng nghệ thuật tuyến đường Lê Hồng Phong là 14,8 tỷ đồng. Tất cả số tiền thực hiện dự án đều là tiền từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2015.

Quy mô của dự án đèn trang trí chiếu sáng nghệ thuật tuyến đường Lê Hồng Phong được thực hiện trang trí có chiều dài khoảng 2,4km, phân bổ mô hình trên cả 2 làn đường với tổng số 60 cặp mô hình đôi, tương ứng với 120 mô hình đơn với khoảng cách là 80m/mô hình đèn và có 2 cổng chào trên 2 đầu đường, chia làm 4 đoạn trang trí theo 4 chủ đề.

Phúc Khang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/hai-phong-co-hay-khong-chuyen-that-thoat-lang-phi-tai-cong-trinh-trang-tri-den-nghe-thuat.html