Hai phụ nữ bán tăm bị đánh đập mong được xin lỗi, minh oan

Sau hai ngày bị người dân đánh hội đồng, hai người phụ nữ bán tăm vì nghi bắt cóc trẻ em vẫn chưa hết bàng hoàng. Mong muốn lớn nhất của hai người phụ nữ này được cơ quan chức năng làm sáng tỏ giúp bà minh oan, lấy lại danh dự vì bị đổ oan những tiếng ác. Gia đình của họ cũng muốn công an vào cuộc để sáng tỏ sự việc.

Hai người phụ nữ bị đánh oan: Ảnh: Cắt từ clip

"Tôi muốn lấy lại danh dự vì những tiếng ác lan truyền trên mạng xã hội"

Liên quan đến vụ hai phụ nữ bị đánh thừa sống thiếu chết vì nghi bắt cóc trẻ em, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Mai Đình khẳng định, họ không phải là người có hành vi vi phạm pháp luật như người dân nghi ngờ.

Theo đó, danh tính hai người được xác định là L.T.B (40 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) và N.T.P (52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội). Cả hai đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm.

Theo ông Thắng, sự việc này khá phức tạp bởi lực lượng chức năng xác hai người không phải đối tượng bắt cóc trẻ em. Khi đó, cơ quan chức năng có thể quay lại xử lý trách nhiệm đối với những người đã đánh đập họ.

Lực lượng chức năng khẳng định, hai người phụ nữ bán tăm không có hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: Cắt từ clip

Chiều, 23.7, trao đổi với chúng tôi, bà N.T.P bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng giúp bà minh oan, lấy lại danh dự vì những tiếng ác do một số người đăng tải lên mạng xã hội.

“Tôi mong muốn cơ quan chức năng xác định những người đã có hành vi đánh đập phải công khai xin lỗi tôi. Vì việc trên đã ảnh hưởng đến tinh thần, giá trị của tôi”, bà P cho hay.

Anh Nguyễn Văn H (30 tuổi, con trai bà P) cho biết, ngày mai (24/7), anh sẽ đưa mẹ đi chụp chiếu xác định thương tật. Từ đó, gia đình sẽ có đơn kiến nghị gửi cơ quan Công an huyện Sóc Sơn điều tra làm rõ những người đã có hành vi đánh đập mẹ anh.

“Những người đánh đập đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mẹ tôi và cô L.T.B đi cùng nên gia đình mong cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm sáng tỏ sự việc, lấy lại danh dự cho mẹ tôi”, anh H. nói.

Nếu người bị hại có đơn sẽ khởi tố hình sự

Liên quan đến sự việc này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng đoàn Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội).

Dưới góc độ pháp lý, ông Thơm khẳng định: Không ai có quyền xâm phạm, cướp đoạt tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, kể cả họ có vi phạm pháp luật hay không vi phạm, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng.

Trong trường hợp này, do thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết nên người dân đã đánh hội đồng hai người phụ nữ bán tăm, hành động đó đã gây tổn hại sức khỏe cho người khác, có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tíchđược quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999.

Theo đó, đối tượng gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; nếu tỷ lệ thương tật cao hơn sẽ có những khung hình phạt nặng hơn.

“Trong trường hợp này, nếu bị hại có đơn yêu cầu xử lý những người tham gia hành hung thì sẽ được cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ điều tra hành vi của từng cá nhân để khởi tố hình sự".

Hai người phụ nữ bán tăm được đưa đến bệnh viện để thăm khám, họ không dám nhớ lại giây phút kinh hoàng khi bị đánh oan. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, luật sư Thơm cho hay, hành vi của người dân xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, hành xử theo cảm xúc, không phải do mâu thuẫn, thù hằn, cho nên, khi xác định được các đối tượng hành hung hai người phụ nữ bán tăm, nếu họ có thái độ ăn năn, hối lỗi, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân thì đó là cơ sở để người bị hại không làm đơn xử lý theo quy định của pháp luật.

“Theo tôi, sự việc này hòa giải là tốt nhất, khi đó cơ quan điều tra sẽ không có căn cứ để xử lý hình sự. Suy cho cùng, sự việc do hiểu lầm, không phải mâu thuẫn cá nhân”, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh khẳng định.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng nói thêm: “Đây là bài học cảnh báo người dân trong việc ứng xử, truy bắt tội phạm. Công dân có quyền tham gia phòng chống tội phạm, có quyền bắt giữ nếu đối tượng phạm tội quả tang nhưng pháp luật không cho phép họ có quyền được hành hung người khác. Ngay cả cơ quan chức năng cũng không có quyền đó, trừ phi đối tượng hành hung có hành động bạo lực hoặc trong trường hợp cấp thiết”.

Việc đánh oan người khác không phải hi hữu khi thời gian gần đây sự việc này xảy ra khá nhiều trên cả nước. Ảnh: CTV

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Hiện nay, hiện tượng tâm lý đám đông, đánh hội đồng xảy ra rất nhiều ở các vùng nông thôn do người dân thiếu hiểu biết nên đã cố tình thực hiện hành vi sai phạm.

“Nhiều người nghĩ rằng khi đánh hội đồng, cơ quan chức năng sẽ khó xác định hành vi của từng cá nhân, chính vì vậy đã bất chấp thực hiện những việc làm vi phạm pháp luật. Với những vụ việc này, khi người bị hại có đơn yêu cầu xử lý người tham gia hành hung thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để thực hiện các hoạt động điều tra và cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến sự việc”, ông Lực bày tỏ.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/hai-phu-nu-ban-tam-bi-danh-dap-mong-duoc-xin-loi-minh-oan-685986.bld