Hải quan bắt giữ 670 vụ buôn lậu

Tính từ giữa tháng 1 đến ngày 15.2.2010, ngành Hải quan đã phát hiện và giữ 670 vụ buôn lậu, có trị giá vi phạm ước tính 22,4 tỷ đồng.

Những vụ việc điển hình như: bắt giữ 400 kg san hô đen trị giá khoảng 50 triệu đồng tại Ka Long, Móng Cái; bắt giữ 2 xe ô tô tải vận chuyển trái phép 6 tấn gà; bắt giữ 10,53 g heroin tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An… Trong tháng 2, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng gia tăng so với tháng trước. Các đối tượng buôn lậu hoạt động với thủ tục ngày càng tinh vi. Nguyên nhân chủ yếu do vào thời điểm cận tết nên nhu cầu mua sắm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao. Bên cạnh đó, các chủ hàng nước ngoài đều muốn giải phóng hàng nhanh nên đã bán rẻ, đẩy hàng ế thừa sang Việt Nam khiến tình hình buôn lậu ngày càng phức tạp. Trên tuyến đường biển, hiện tượng xuất lậu khoáng sản như than, quặng các loại sang Trung Quốc vẫn còn xảy ra. Tuyến đường bộ, một số mặt hàng xuất nhập lậu trọng điểm có chiều hướng gia tăng, gồm: đường cát Thái Lan, thuốc lá các loại, rượu, bia, đèn trời, pháo, đồ điện tử… Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng nông sản qua biên giới vẫn còn tiếp diễn. Đối với tuyến hàng không, hiện tượng vi phạm xảy ra chủ yếu vẫn là nhập lậu, xuất lậu ngoại tệ, vàng và kim loại quý. Những điểm nóng về buôn lậu có thể kể đến như Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng)…. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành Hải quan cũng sẽ phải tăng cường quản lý hoạt động tại các khu kinh tế thương mại cửa khẩu, trong đó có khu kinh tế Lao Bảo (Quảng Trị), để chống tình trạng xuất ngược hàng hóa vào trong nội địa từ khu kinh tế thương mại. Các đường dây buôn lậu thường sử dụng đối tượng vận chuyển là người địa phương tại biên giới, thạo ngôn ngữ, có quan hệ với nước ngoài đứng ra móc nối, vận chuyển hàng lậu. Do đó, việc đối phó với những đối tượng này rất khó khăn vì chúng thường nắm chắc giờ giấc sinh hoạt của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để tránh sự kiểm tra, kiểm soát khi vận chuyển hàng lậu. Tổng cục Hải quan đã lập dữ liệu chung về các hoạt động, đường dây buôn lậu trên toàn quốc để nâng cao khả năng đối phó với hoạt động này, nhất là nêu rõ những thủ đoạn, phương thức sử dụng, đối tượng liên quan… Một mảng khác cũng thường bị lợi dụng để buôn lậu là lĩnh vực gia công, đầu tư. Thủ đoạn lợi dụng chính là khai báo thực tế không đúng, không xuất trả sản phẩm, tập kết hàng cận giờ tàu khởi hành để tạo áp lực đối với cơ quan Hải quan.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/hai-quan-bat-giu-670-vu-buon-lau/20103/175722.laodong