Hải quan chịu thua

Đây là cuộc " bại trận” hiếm có của ngành hải quan. Sau gần 4 năm, với cả "rừng ý kiến” phản biện từ nhiều phía, ngành hải quan mới chịu thua trước việc làm sai trái do họ gây ra. Nạn nhân của vụ việc này là doanh nghiệp – một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Quay lại vụ việc này để thấy rõ vì sao ngành hải quan chịu thua, và thiệt hại nghiêm trọng của doanh nghiệp trước quyết định sai trái của Tổng cục Hải quan. Tháng 9-2009, một số doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu đã thực hiện nhập khẩu hơn 720 chiếc xe tải van Kia Morning và Daewood Matiz có 2 chỗ ngồi. Theo quy định hiện hành cũng như xác nhận của phía xuất khẩu hàng hóa, 2 loại xe nói trên hoàn toàn nằm trong danh mục xe tải van. Trong giấy khai báo hàng hóa nhập khẩu gửi cho ngành hải quan, các doanh nghiệp nhập khẩu đều ghi rõ đó là xe tải van đúng như tên gọi chính hãng của nó. Vậy nhưng, thật là kì lạ, ngành hải quan lại tự ý đưa ra quy định coi đó là xe chở người. Một loại xe có 2 tên gọi khác nhau, đi liền với 2 mức thu thuế khác nhau, thế là xảy ra " cuộc chiến” làm rõ sự thật kéo dài gần 4 năm.

Không chỉ các doanh nghiệp, mà kể cả ngành chuyên trách đều khẳng định đó là xe tải van. Bộ Khoa học và công nghệ, Cục Đăng kiểm đã có văn bản khẳng định số xe nhập khẩu nói trên là xe tải van. Về mặt pháp lí, xác định loại xe thuộc về chức năng của Bộ Khoa học và công nghệ cũng như của Cục Đăng kiểm. Ngành hải quan chỉ làm nhiệm vụ thu thuế, hải quan không được "lấn sân” làm thay chức năng của ngành khác. Trong trường hợp này, mặc dù Bộ Khoa học và công nghệ cũng như Cục Đăng kiểm khẳng định là xe tải van nhưng ngành hải quan vẫn cứ bất chấp tự coi đó là xe chở người. Vấn đề không đơn thuần là tên gọi loại xe mà từ đó dẫn đến 2 mức thu thuế rất khác biệt. Xe tải van phải nộp 80% thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 0%. Trong khi đó cùng loại xe nói trên nhưng áp vào xe chở người (theo quy định đơn phương và vô lối của ngành hải quan) mức thu thuế nhập khẩu lên đến 83% và thuế tiêu thụ đặc biệt là 45%.

Trước việc làm tùy tiện của ngành hải quan, các doanh nghiệp đã "trường kì” đấu tranh kéo dài năm này qua năm khác. Ngoài việc khẳng định có tính chất pháp lí của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như của Cục Đăng kiểm, một số ngành liên quan đã lên tiếng ủng hộ các doanh nghiệp. Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu nêu kiến nghị phải sớm giải quyết " điểm nóng” này. Trước sức ép từ nhiều phía cũng như với chứng lí không thể chối cãi, đầu tháng 7 vừa qua, ngành hải quan buộc phải chấp nhận sự thật. Thế là, sau gần 4 năm, ngành hải quan mới chịu thua trước việc làm sai trái do họ tự gây ra.

Hơn 720 chiếc xe tải van nhập khẩu từ quý 3/2009, đến nay mới được thông quan tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn. Phí lưu kho trong 4 năm đổ lên đầu doanh nghiệp, với số tiền không hề nhỏ. Thậm chí, sau 4 năm không được bảo quản, nhiều xe đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật nhưng trở thành nạn nhân. Trong khi đó mặc dù là thủ phạm gây ra vụ việc sai trái này, ngành hải quan lại phủi tay, chối bỏ trách nhiệm. Theo quy định của pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp, ngoài việc lên tiếng xin lỗi, ngành hải quan còn phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bá Tân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67736&menu=1372&style=1