Hải quân Mỹ lo sợ 'sát thủ diệt hạm' Kh-31 Nga ở Baltic

Hải quân Nga sẽ bổ sung các chiến đấu cơ Su-30SM Flanker-H, trang bị “sát thủ diệt hạm” Kh-31 cho Hạm đội Baltic vào năm 2017.

Chiến đấu cơ Su-30MK Nga trang bị tên lửa chống hạm Kh-31.

Theo National Interest, chiến đấu cơ đa năng mạnh mẽ, trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Kh-31, sẽ tăng cường đáng kể năng lực chống xâm nhập/chống tiệm cận của hải quân Nga trong khu vực.

Bên cạnh việc bổ sung sức mạnh cho Hạm đội Baltic, Moscow cũng điều thêm các chiến đấu cơ đến sân bay Severomorsk-3 ở thị trấn Severomorsk, vùng Murmansk, gần Bắc Cực. Các chiến đấu cơ đa năng Su-30SM giúp tăng cường khả năng phòng vệ cho các hoạt động của hải quân Nga trên biển Barent.

“Các chiến đấu cơ Su-30SM sẽ được bổ sung cho Hạm đội Baltic theo hợp đồng quốc phòng chính phủ trong năm 2017”, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trên TASS. Những chiếc Su-30SM sẽ có mặt tại Chernyakhovsk, thuộc vùng Kaliningrad Oblast ngay trong ngày hôm nay (8.12).

Mỗi quả tên lửa chống hạm siêu thanh Kh-31 có giá tới 550.000 USD.

Tên lửa Kh-31 được đánh giá là “sát thủ diệt hạm” mạnh mẽ, đạt tốc độ tối đa 4321 km/giờ, tầm bắn 193 km. Báo Nga Izvestia thuộc Điện Kremlin nhận định, chỉ cần một quả tên lửa như vậy là đủ để phá hủy tàu chiến Mỹ. “Một quả tên lửa là đủ để khiến tàu tuần dương lớp Ticonderoga, thuộc biên chế hải quân Mỹ, vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển”.

Chuyên gia Dave Majumbar nhận định trên National Interest, các tên lửa siêu thanh Kh-31 là vũ khí chống hạm đáng gờm. Các tàu tuần dương, khu trục Mỹ được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis để bảo vệ chính bản thân và tàu được hộ thống. Hiện không rõ radar SPY-1 và Aegis, kết hợp với tên lửa đánh chặn Raytheon Standard SM-2, SM-6 sẽ đối phó ra sao với các tên lửa Kh-31, trong trường hợp Su-30SM tiếp cận đủ gần để khai hỏa.

Với tốc độ siêu thanh, Kh-31 chỉ cần chưa đến 10 phút để lao thẳng vào mục tiêu. Nếu như đánh chặn thất bại, hệ thống Aegis có thể sẽ không kịp đưa ra các phương án phòng thủ khả dĩ hơn. Aegis vẫn còn tên lửa Raytheon RIM-162 Evolved SeaSparrow, RIM-116 Rolling Airframe hay pháo phòng thủ Phalanx nhưng tất cả chỉ có thể khai hỏa ở khoảng cách 50 km trở xuống.

Su-30 Nga phóng tên lửa Kh-31.

Kh-31 chỉ là một trong số các tên lửa diệt hạm siêu thanh của Nga, Trung Quốc mà hải quân Mỹ hết sức lo ngại. Đáng chú ý nhất trong danh sách này còn có tên lửa P-800 Onik. Phiên bản sử dụng nội địa của Nga có tầm bắn lên tới 600 km và rất khó để có thể đánh chặn.

Vì nhiều lý do, hải quân Mỹ không tiết lộ chi tiết mối đe dọa của các tên lửa siêu thanh này đối với tàu chiến, tác giả Dave Majumbar cho biết.

Nhưng dù sao, sự xuất hiện của các máy bay Su-30SM, trang bị tên lửa Kh-31 ở vùng Baltic sẽ tạo ra thách thức không nhỏ đối với Mỹ. Khu vực này gần đây là tâm điểm căng thẳng giữa NATO và Nga.

Chuyên gia Majumbar hy vọng, thế giới sẽ không phải tận mắt chứng kiến những loại vũ khí này hiệu quả hay kém hiệu quả đến đâu.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/hai-quan-my-lo-so-sat-thu-diet-ham-kh-31-nga-o-baltic-729013.html