Hai vợ chồng Anh hùng xứ Dừa trong ký ức của những người con

Ba má Thượng tá Đoàn Nghĩa– Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bến Tre đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng dịp cả nước kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Chiến đấu cùng chiến tuyến, sau ngày giải phóng, dù nghèo… rớt mồng tơi nhưng ba má tôi vẫn vẹn chữ thủy chung, tâm đầu ý hợp, tần tảo nuôi con cái ăn học để tiếp nối truyền thống của mình”, đó là tâm sự đầy tự hào về cha mẹ mình, Thượng tá Đoàn Nghĩa – Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bến Tre. Được biết, ba má Thượng tá Đoàn Nghĩa đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng dịp cả nước kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Ba tôi là dân Mỏ Cày, còn má tôi là dân Thạnh Phú, hai huyện nằm chung cù lao Minh – một trong ba cù lao lớn tạo thành xứ dừa Bến Tre, là nơi hứng chịu nhiều mất mát hy sinh sau cuộc chiến tranh tàn khốc”, anh Nghĩa mở đầu câu chuyện với tôi như thế rồi cho tôi xem hồi ký do ba anh – Anh hùng LLVTND Đoàn Văn Thời, viết tay khi ông còn sống.

Những trang viết kể lại rất chi tiết về quá trình tham gia cách mạng của chính người viết, từ những ngày đầu mới thoát ly gia đình (gần cuối 1947), đến việc tham gia phong trào “ôm hè, bắt hè”, làm nên cuộc đồng loạt nổi dậy (sau này gọi là Đồng Khởi) cho đến những năm tháng ác liệt nhất trước ngày đất nước sạch bóng quân thù.

“Việc gì có lợi cho cách mạng là tôi làm. Lần tôi leo lên dỡ lấy cây xiêng nhà để làm chiếc nạn thun bắn lựu đạn vô đồn địch thì tôi bị té chết giấc, suýt mất mạng vì xương sườn bị gãy, động tới tim. Nằm một chỗ 3 tháng mà trông mau mạnh trở lại để cùng anh em cứu thương binh, cứu dân mình”, đọc một đoạn trong trang hồi ký được viết bằng chính ngôn phong mộc mạc, chân chất của một nông dân xứ Dừa mà tôi thấy cảm phục và thương ông vô cùng. “Đồng chí, đồng đội hy sinh, nhất là cán bộ đặc công, ba tôi thường cởi áo của mình mặc cho trước khi đưa đi chôn cất. Sau đó nhắn nhờ bà nội tôi tìm cách may, gởi áo vào.…”, giọng anh Nghĩa bùi ngùi.

Những năm đầu sau Đồng Khởi, ông Thời được phân công về Mỏ Cày làm Trưởng ban Quân y huyện. “Ba tôi từng kể về những ngày ông cùng đồng đội vừa chiến đấu quyết liệt với tử thần để giành lại sự sống cho bộ đội, du kích và người dân địa phương, vừa phải đào hầm, làm công sự để bệnh nhân ẩn nấp, quyết không để ai lại bị thương lần nữa.

Ba kể nhiều lần, máy bay địch rà xuống sát đọt dừa phát loa, đích danh gọi tên ông nói một mình ông không thể cứu sống được hết thương binh. Rồi địch gọi ông ra đầu hàng mà không hề nghĩ với một người mà cả cha, mẹ, anh và em ruột đều bị địch bắn chết như ông, đâu dễ nguôi ngoai lòng căm thù. Ba kể, lúc đó mà không vì đồng chí, đồng đội đang nằm chữa trị vết thương gần đó, ông đã rời khỏi hầm bí mật quyết chiến một mất một còn với chúng”.

Nhân duyên kỳ lạ từ bức ảnh tìm thấy trong mộ liệt sỹ

Nhân duyên kỳ lạ từ bức ảnh tìm thấy trong mộ liệt sỹ

Theo lời kể, trong suốt hoàn cảnh khốc liệt nhất là những năm cao điểm của chiến tranh tại xứ Dừa, ông cùng đồng đội luôn phải giải phẫu, điều trị thương binh dao động từ 80 đến 120 người.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị ông tiếp nhận cùng lúc 6 cán bộ bị thương ở bụng, thủng ruột. Và ông đã trực tiếp ra tay phẫu thuật từ 17h đến 5h sáng ngày hôm sau, cứu sống được tất cả. Hàng trăm lần ông nhờ người dân tìm cách mua thuốc kháng sinh, thuốc tân dược khác, kim tiêm, bông băng; tranh thủ sự hỗ trợ tài chính từ người dân, trong đó có cả thân nhân mình. Những lúc khu vực quân y lặng tiếng súng, chẳng kể đêm hôm lạnh lẽo, ông trầm mình xuống kênh rạch, mương vườn dừa mò cua, bắt cá, đem về nấu cháo bồi dưỡng cho thương binh.

Không cam lòng khi nhìn thấy đồng đội, đồng bào đau đớn rồi hy sinh, dù chuyên môn chỉ đạt mức “chích thuốc theo toa”, lại không phải là dược sĩ nhưng ông đã nghiên cứu bào chế ra thuốc an thần, thuốc bổ, thuốc trị bệnh đường ruột,… từ cây thuốc nam, thay thế 1/3 thuốc tân dược.

Anh Nghĩa tự hào: “Năm 1965, nghe máy bay địch bị bộ đội bắn rơi, ba tôi tìm đến mò lấy những mãnh inox đem về chế thành những y cụ phục vụ cho giải phẫu. Ba tôi còn mày mò chế được dao có 8 lưỡi phục vụ rất hiệu quả cho việc chuyên môn, nhất là những ca phải mổ gấp, hoặc phải cắt bỏ một phần trên cơ thể. Ông còn từng dùng cả nước dừa tươi để truyền dịch thay thế nước biển”.

Và sự miệt mài, sáng tạo xuất phát từ đức tính thương yêu đồng chí, đồng đội, nhân dân của ông Thời đã góp phần chữa khỏi bệnh, cứu sống hơn 2.500 bộ đội, du kích và người dân địa phương.

Tiếp xúc với những người con của hai vợ chồng anh hùng, tôi thật sự ấn tượng và xốn xang khi nghe câu chuyện đẹp về tình yêu thời chiến của những người cộng sản. Đại tá Đoàn Thị Bé Nhân – Trưởng Công an TP Bến Tre, con gái lớn của hai ông bà, bồi hồi: “Ba tôi kể, những năm ác liệt đó, má tôi được cơ sở của ta lấy ra từ trong nhà xác của Trại giam Ty Cảnh sát ngụy do chúng nghĩ rằng má tôi đã chết”.

Trước đó, nữ cán bộ Út Hạnh (tức Anh hùng LLVTND Trần Thị Tiết) bị giam ở Thạnh Phú, bị tra tấn cực kỳ dã man nhưng bà vẫn kiên trung, không hé răng dù chỉ một lời. Không còn cách nào khác, địch giải bà về Ty Cảnh sát Bến Tre. Thân hình như trái chuối chín rục, mềm nhũng, không thể đứng được, về tỉnh, bà tiếp tục gánh chịu những trận đòn tra tấn ác hiểm hơn.

“Độc ác nhất là chúng dùng kìm, kẹp rứt từng miếng thịt trên người má tôi, dùng điện châm vào thân hình. Đồng đội của má tôi kể không thể nhớ đã bao nhiêu lần bà chết đi sống lại, nhưng có một lần, má dùng máu để viết thư nhắn nhủ Tỉnh ủy và cô Ba (tức nữ tướng Nguyễn Thị Định) hãy yên tâm, có chết bà vẫn giữ khí tiết, không hề lay chuyển”, chị Nhân kể.

Khi trở về với tay đồng đội, cũng không ai nghĩ rằng nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy còn sống; thân hình của bà chỉ còn 19kg, đầu không còn sợi tóc, nằm liệt. “Thế nhưng dường như duyên phận. Má tôi đã gặp y tá Văn Anh, tức ba tôi”, chị Nhân kể thêm, trước khi yêu nhau, ba của chị chưa biết nữ cán bộ Út Hạnh là ai.Cũng như bao trường hợp khác, ông đã dồn hết tâm huyết, thực hiện thiên chức cứu người của một thầy thuốc.

“Và điều tưởng rằng không thể đã trở thành có thể - tim của má tôi đập trở lại, hơi thở mạnh dần dù vẫn hay mê man ngủ cả tuần. Trong suốt 5 năm trời nằm tại quân y, ba rất nhiều lần tiếp máu để cứu sống má. Sự chu đáo của ba đã giúp má bình phục dần. Để tiện việc di tản gấp vào hầm bí mật mỗi khi hay tin địch sắp đi càn qua, ba tôi nhờ một người cháu gái vào giúp”, chị Nhân cho biết.

“Đặt tên cho các con của mình lần lượt là Nhân, Nghĩa, Hiếu, má kể hồi bà mang đứa con thứ tư, hai ông bà đã đặt trước tên Trung nhưng chẳng may má tôi bị sảy thai. Cho tới trước ngày ông nhắm mắt, ba má tôi vẫn nhắc nhở chúng tôi phải sống sao cho đúng với tên mình. Ba dặn phải giữ truyền thống, theo Cách mạng; không được làm điều gì gây ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình, đặc biệt là uy tín của Đảng, của lực lượng Công an”, chị Nhân nhớ lại một cách đầy tự hào.

Sau khi được kết nạp Đảng vào năm 17 tuổi, Út Hạnh được giao củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Chuẩn bị cho Đồng Khởi đợt 2, giữa năm 1960, nữ cán bộ này tổ chức mítting biểu dương lực lượng, thu hút hàng ngàn người với khí thế cách mạng sôi sục; địch điên cuồng tổ chức nhiều đợt càn quét để dập tắt phong trào. Không kịp rút vào căn cứ nên bà bị bắt. Trước khi nghỉ hưu, bà là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 2 nhiệm kỳ; còn ông Thời là Trưởng phòng Y tế huyện Mỏ Cày. Mười năm sau ngày vợ qua đời, năm 2005, ông cũng thanh thản ra đi… Hai ông bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND nhân kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Thái Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/t40_hai-vo-chong-anh-hung-xu-dua-trong-ky-uc-cua-nhung-nguoi-con_cand30-4-438467/