Hai vụ phóng tên lửa Triều Tiên dội nước lạnh lên Mỹ và Hàn Quốc

Ngày 21/5, Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo tên gọi Hwasong-12.

Tên lửa đạt độ cao khoảng 560 km và được cho là bay 500 km về phía Biển Nhật Bản.

Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa này dường như giống với loại được phóng vào ngày 12/2. Loại tên lửa này phát triển công nghệ được áp dụng trong các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Đồng thời, ngày 22/5, Triều Tiên đã công bố 58 bức ảnh màu về Trái đất chụp từ vũ trụ bằng máy ảnh lắp trên tên lửa đạn đạo phóng ngày 21/5. Động thái này là để chứng minh rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu công nghệ đưa tên lửa quay trở lại tầng khí quyển.

Cùng thời gian này, theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), ông Kim Jong-un đã ký lệnh đưa hệ thống vũ khí vừa được thử nghiệm thành công vào hoạt động.KCNAnói rằng vụ phóng đã xác nhận độ tin cậy và chính xác trong hoạt động của động cơ nhiên liệu rắn, khả năng tách tầng tên lửa và khả năng dẫn đường giai đoạn cuối của đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên đã gắn một thiết bị trên đầu đạn để ghi lại hoạt động.

Kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn chưa có tên lửa đạn đạo liên lục địa nào có thể bắn tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, chương trình tên lửa Triều Tiên đang có tốc độ phát triển nhanh, được minh chứng bằng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 14/5/2017.

Kim Jong-un bên thành quả chiến lược đầy kiêu hãnh

Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất từ tầm trung đến tầm xa, có khả năng mang đầu đạt hạt nhân cỡ lớn. Tên lửa này đã rơi xuống Biển Nhật Bản, gần Viễn Đông Nga. Theo các quan chức Mỹ, tên lửa hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và không bị bốc cháy, cho thấy tiến bộ trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Hai vụ thử thành công này diễn ra sau ba vụ thử thất bại trong tháng 4/2017.

Vụ phóng tên lửa ngày 14/5, nếu đi theo quỹ đạo tiêu chuẩn sẽ đạt tầm bắn 4.023 km, đủ khả năng tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam nhưng chưa đủ để tấn công nước Mỹ (hơn 8.800km).

Việc sử dụng nhiên liệu rắn cho thấy lợi thế lớn của các vũ khí, bởi nhiên liệu này mang tính ổn định hơn và có thể được vận chuyển dễ dàng trong các bình chứa của tên lửa, cho phép tiến hành vụ phóng được báo trước trong thời gian ngắn.

Hãng KCNA cho biết tên lửa phóng lần này sử dụng hệ thống “phóng lạnh”. Công nghệ này sử dụng khí nén để đẩy tên lửa lên cao trước khi động cơ của chúng được đốt cháy trên không trung. Công nghệ này được coi là an toàn hơn và dễ dàng hơn để che giấu vị trí phóng tên lửa.

David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu tại Liên hiệp các nhà khoa học tại Mỹ, viết trên trang blog cá nhân: “Nếu xét về mục tiêu quân sự, các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có lợi thế rằng chúng có sẵn nhiên liệu bên trong và có thể được phóng ra nhanh chóng sau khi được chuyển tới bệ phóng. Việc xây dựng các tên lửa nhiên liệu rắn lớn là rất khó khăn, bởi các nước lớn như Pháp và Trung Quốc phải mất nhiều thập kỷ để phát triển từ tên lửa tầm trung sang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Bởi vậy, đây không phải là điều sẽ sớm xảy ra, nhưng cùng với thời gian, Triều Tiên có thể làm được điều đó”.

Các vụ phóng tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng, cùng lời đe dọa về thử hạt nhân lần thứ 6, đã kích động căng thẳng với chính quyền Mỹ của Donald Trump, khi chính quyền này tuyên bố tiếp tục gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng. Trong mấy tháng qua, Mỹ đã tập trung binh lực hùng hậu tại các vùng biển Đông Bắc Á và tuyên bố để ngỏ khả năng đánh đòn phủ đầu.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In trước đó đã thể hiện quan điểm hòa giải với Bình Nhưỡng hơn so với những người tiền nhiệm theo quan điểm cứng rắn. Nhưng hai vụ thử liên tiếp của Bình Nhưỡng từ khi ông Moon lên cầm quyền dường như đã dội nước lạnh lên nhiệt tình của nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc, buộc ông này phải phản ứng mạnh mẽ.

Các đại diện Mỹ và Triều Tiên đã tiếp xúc ở Na Uy. Các đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiếp xúc ở Bắc Kinh.

Thực tế cho thấy mọi ý tưởng dùng hòa giải và lợi ích kinh tế để “phi hạt nhân hóa” Triều Tiên chỉ là ảo tưởng. Triều Tiên không bao giờ từ bỏ vũ khí chiến lược mà họ có. Họ đang nỗ lực hoàn thiện vũ khí trước khi đi vào thương lượng ngoại giao thực chất.

Dựa vào Trung Quốc ép Triều Tiên cũng là ảo tưởng. Theo một nguồn tin, trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng dầu mà Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên tăng 6 lần so với trước đó.

Các bên liên quan chỉ có thể giải quyết vấn đề vũ khí chiến lược của Triều Tiên trên cơ sở tôn trọng thực tế, chứ không phải để tuyên truyền ầm ĩ. Thỏa thuận hạt nhân Iran là một ví dụ tốt để tham khảo./.

Người bình luận

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/hai-vu-phong-ten-lua-trieu-tien-doi-nuoc-lanh-len-my-va-han-quoc-239544.html