Ham muốn của con người tồn tại như thế nào?

Con người không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn, chỉ tương đối hoặc theo kiểu hết cái này đến cái khác, và chúng tự sắp xếp thứ bậc về mức độ mạnh mẽ.

Những trạng thái thúc đẩy

Theo một nghĩa nào đó, hầu như bất kỳ trạng thái nào của cơ thể bản thân nó cũng là một trạng thái thúc đẩy. Nếu chúng ta nói rằng một người cảm thấy bị từ chối thì chúng ta có ý gì? Tâm lý học tĩnh sẽ hài lòng khi đặt dấu chấm cho tuyên bố này.

Nhưng tâm lý học động sẽ bao hàm rất nhiều điều nữa tạo ra bởi tuyên bố này cùng với đầy đủ bằng chứng thực nghiệm. Một cảm giác như vậy có hậu quả ngoài ý muốn đến tổng thể cơ thể ở cả khía cạnh thân thể lẫn tâm trí. Chẳng hạn, nó cũng nghĩa là lo sợ, căng thẳng và bất hạnh.

Hơn nữa, bên cạnh các mối quan hệ đang xảy ra với phần còn lại của cơ thể, một tình trạng như vậy sẽ tự động và tất yếu dẫn đến nhiều diễn biến khác, ví dụ, ham muốn cưỡng chế để giành lại tình cảm, những nỗ lực phòng vệ khác nhau, tích lũy sự thù địch, v.v...

Ảnh minh họa. Nguồn: Ernest Ghazaryan/Pexels.

Như vậy, rõ ràng là chúng ta chỉ có thể giải thích được trạng thái hàm ý trong câu “Người này cảm thấy bị từ chối” khi chúng ta thêm vào thật nhiều các phát biểu về những gì xảy ra với anh ta khi anh ta cảm thấy bị từ chối.

Nói cách khác, cái cảm giác bị từ chối bản thân nó là một trạng thái thúc đẩy. Các quan niệm hiện tại về động lực được xây dựng một cách tầm thường trên giả định rằng trạng thái động lực là một trạng thái đặc biệt, riêng lẻ, được tách biệt hoàn toàn với những thứ khác đang xảy ra bên trong cơ thể.

Ngược lại, một lý thuyết động lực đúng đắn cần giả định rằng động lực là bất biến, không bao giờ kết thúc, dao động và phức tạp. Và đó là một đặc điểm gần như phổ quát đối với hầu hết mọi trạng thái hoạt động của cơ thể.

Quan hệ giữa các động lực

Con người là một loài động vật có ham muốn và hiếm khi đạt đến trạng thái thỏa mãn hoàn toàn, nếu có thì cũng chỉ trong chốc lát mà thôi. Khi một ham muốn được thỏa mãn thì một cái khác sẽ xuất hiện để thay thế nó. Rồi khi cái này được thỏa mãn, thì cái khác lại xuất hiện, v.v...

Một đặc điểm của con người trong suốt cuộc đời là họ luôn ham muốn gì đó. Vì thế, chúng ta đối mặt với sự cần thiết phải nghiên cứu các mối quan hệ giữa tất cả các động lực với nhau, và đồng thời đối mặt với sự cần thiết phải từ bỏ các đơn vị động lực biệt lập, nếu muốn đạt đến sự hiểu biết bao trùm mà ta đang tìm kiếm.

Vẻ bề ngoài của nhu cầu hay ham muốn, những hành động mà nó khơi dậy và sự thỏa mãn đến từ việc đạt được đối tượng mục tiêu, tất cả gộp lại cũng chỉ mang lại cho chúng ta một trường hợp đơn lẻ, nhân tạo, tách biệt, được nhấc ra khỏi cái phức hợp tổng thể của đơn vị động lực.

Vẻ ngoài kể trên nói chung luôn phụ thuộc vào trạng thái thỏa mãn hay không thỏa mãn của tất cả các động lực khác mà toàn bộ cơ thể có thể có, tức là phụ thuộc vào thực tế rằng những ham muốn mạnh mẽ hơn này khác đã đạt được trạng thái thỏa mãn tương đối.

Mong muốn một thứ có nghĩa là các mong muốn khác đã được thỏa mãn. Chúng ta sẽ không bao giờ có ham muốn soạn nhạc hay làm toán, trang hoàng nhà cửa hay ăn mặc đẹp nếu bụng lúc nào cũng trống rỗng, hoặc nếu chúng ta liên tục chết khát, hay liên tục bị đe dọa bởi một thảm họa luôn rình rập, hoặc nếu tất cả mọi người ghét chúng ta.

Những người xây dựng lý thuyết động lực chưa bao giờ đánh giá đúng mức hai thực tế sau: Thứ nhất, con người không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn, mà chỉ tương đối hoặc theo kiểu hết cái này đến cái khác, và thứ hai, những ham muốn dường như tự sắp xếp theo thứ bậc về mức độ mạnh mẽ.

Abraham H. Maslow/Bách Việt - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ham-muon-cua-con-nguoi-ton-tai-nhu-the-nao-post1474410.html