Hạn chế thiệt hại do tai nạn cháy, nổ

Mấy ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra những vụ cháy lớn, khiến nhiều người dân hết sức lo lắng và bất an. Vụ cháy lớn xảy ra vào tối 6-12, thiêu rụi sáu nhà xưởng rộng hơn 1.000 m2 tại khu Công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức). Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy phải mất ba giờ rưỡi mới khống chế được ngọn lửa. Sáng 3 -12, một siêu thị cạnh chợ Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) bốc cháy, thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, tài sản của tòa nhà. Rất may, mới đầu giờ sáng, chưa có khách hàng cho nên không xảy ra thiệt hại về người. Trong ngày 2- 12, xảy ra hai vụ cháy lớn, thiêu cháy 800 m2 nhà kho, xưởng sản xuất của Công ty cơ khí Đồng Tháp, khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và hàng trăm m2 diện tích xưởng sản xuất chế tạo các sản phẩm nhựa ở ngõ 80 phố Đại Linh, cạnh chợ Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)… Trong tháng 11 vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 65 vụ cháy, trong đó có vụ cháy Trường mầm non tại tòa nhà VIMECO vào chiều tối 28-11, rất may, lúc này các cháu đã được phụ huynh đón ra khỏi trường.

Hiện, Hà Nội đang trong mùa hanh khô, nguy cơ cháy, nổ tiếp tục gia tăng. Tình hình này đòi hỏi chính quyền các cấp, ngành chức năng, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị, người dân, cần quan tâm chỉ đạo, rà soát, kiểm tra công tác, phương án phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn, tập trung khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt nơi tập trung đông người, có nguồn, nơi dễ phát sinh cháy, nổ lớn. Để chủ động hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, thiệt hại trong mùa hanh khô này, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội yêu cầu các đơn vị, tổ chức và người dân thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện; rà soát các thiết bị bảo vệ. Khi phát hiện dấu hiệu hư hỏng phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; không tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm dễ gây cháy nổ như xăng dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống cháy, nổ; thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm nhà kho, xưởng, cơ sở kinh doanh, siêu thị cần phân định rõ trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy giữa bên cho thuê và bên thuê, để làm tốt trách nhiệm trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy thường xuyên và định kỳ, chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ…

Các tổ chức, đơn vị, cá nhân tăng cường tập trung kiểm tra, xử lý các vị trí dễ gây cháy, nổ; các tình trạng làm mất an toàn, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy. Công tác chỉ đạo, phân công cụ thể, có báo cáo hằng ngày về việc kiểm tra, tình trạng kỹ thuật những vị trí trọng yếu, khả năng xảy ra sự cố, các phương án, biện pháp, thời gian xử lý để ngăn chặn, khắc phục không để tồn tại nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Thực tế cho thấy, những vụ cháy, nổ xảy ra, phần lớn đều do sự bất cẩn, chủ quan của con người. Khắc phục những lỗi này, cần duy trì nghiêm kỷ luật về phòng cháy, chữa cháy, thực hiện các quy định, quy trình, quy phạm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra bất cứ một sơ suất, thiếu trách nhiệm nào đối với vị trí, nguồn có thể dễ gây ra cháy nổ cao.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31496802-han-che-thiet-hai-do-tai-nan-chay-no.html