Hạn chế xe Uber, Grab để giảm ách tắc ?

Phản biện quan điểm cần khống chế số lượng xe hoạt động theo hợp đồng điện tử vì gây tắc đường, Uber và Grab Việt Nam nói loại hình vận tải này giúp giảm kẹt xe do hạn chế các phương tiện chạy rỗng

Trước sự bùng nổ của taxi Uber và Grab trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cùng một số địa phương vừa kiến nghị Bộ GTVT dừng cấp phép, mở rộng thí điểm loại hình này trong năm 2017 nhằm tránh gây ùn tắc, phá vỡ quy hoạch giao thông.

Vỡ quy hoạch

Theo Sở GTVT TP HCM, từ lúc bắt đầu thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (dùng điện thoại thông minh để đặt xe), số lượng ô tô đăng ký tại TP tăng nhanh chóng.

Dẫn chứng cụ thể, cuối năm 2015 TP chỉ có 200-300 xe chạy hợp đồng đường dài nhưng đến tháng 2-2016, khi bắt đầu cho thí điểm phần mềm GrabCar, số lượng xe tăng đột biến lên 2.437 chiếc. Con số này tiếp tục tăng lên khoảng 15.000 xe vào thời điểm tháng 6-2016 và đến đầu tháng 4-2017 đã lên tới hơn 22.000 xe. Mới đây, Bộ GTVT cho biết về cơ bản đã đồng thuận đề án thí điểm của Uber Việt Nam - việc này đồng nghĩa với nguy cơ xe chạy hợp đồng điện tử sẽ tiếp tục gia tăng.

Mật độ taxi lưu thông dày đặc xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: Gia Minh.

Theo một số doanh nghiệp (DN) vận tải tại TP HCM, Grab và Uber Việt Nam đăng ký tham gia thí điểm với hình thức là những công ty ứng dụng công nghệ nhưng bản chất là loại hình vận tải taxi. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tại TP HCM đến năm 2020, số lượng taxi không vượt quá 12.700 xe. Như vậy, nếu cộng con số thống kê nói trên với khoảng 11.200 xe taxi truyền thống hiện đang hoạt động, số lượng taxi trên địa bàn TP đã vượt gấp đôi quy hoạch, chưa kể lượng taxi được các DN đưa từ địa phương khác tới TP HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP HCM, thừa nhận số lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký hoạt động theo hợp đồng điện tử tại TP đang rất lớn. Tuy nhiên, loại hình này hiện vẫn khó quản lý và chưa có quy hoạch cụ thể. Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT dừng cấp phép xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng và quy hoạch, quản lý loại hình xe này.

Khó tìm tiếng nói chung

Phản biện các ý kiến trên, đại diện Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam cho rằng xe chạy theo hợp đồng điện tử không những không gây ùn tắc giao thông mà ngược lại còn giúp kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, xe chạy rỗng, dừng - đậu trên đường đón khách do việc đặt xe được thông qua phần mềm.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam, công ty này là đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách thông qua ứng dụng công nghệ đã được Bộ GTVT cấp phép hoạt động thí điểm, bảo đảm hồ sơ pháp lý. Dù vậy, trước những

ý kiến nêu trên, công ty cũng đang thực hiện một số biện pháp nhằm tiếp tục hạn chế lượng xe cá nhân cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe của những đối tác thuộc Grab.

Trong khi đó, phía Công ty Uber Việt Nam cũng cho biết đang liên hệ Sở GTVT TP HCM và Hà Nội nhằm tìm tiếng nói chung sau các kiến nghị của 2 TP này với Bộ GTVT. Đại diện Công ty Uber Việt Nam cho rằng từ lúc có mặt tại Việt Nam vào năm 2014, ngoài việc tạo ra nhiều cơ hội gia tăng thu nhập cho tài xế là đối tác, họ còn giúp giảm ùn tắc giao thông bởi các tài xế không tập trung tại một số điểm để đón khách hay chạy lòng vòng trên đường mà chỉ nhận khách khi có người đặt chỗ qua phần mềm.

Trong khi đó, theo một số DN vận tải hành khách, dù Grab và Uber Việt Nam đã được chấp nhận cho hoạt động thí điểm, trong khi có chung bản chất là hoạt động vận tải taxi nhưng cơ chế quản lý lại không tương xứng. Các hãng taxi truyền thống muốn hoạt động phải chịu nhiều điều khoản, bị giới hạn số lượng xe đăng ký... còn Uber, Grab lại không.

Muốn cạnh tranh công bằng

Ông Nguyễn Tuấn Sinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, cho biết công ty đã làm đơn kiến nghị nhiều lần về việc cần xem xét lại các hoạt động của Uber và Grab Việt Nam để có môi trường kinh doanh bình đẳng. Nội dung kiến nghị đề cập đến việc loại hình trên có thể làm phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách công cộng, gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, taxi Uber và Grab dù ứng dụng qua phần mềm nhưng thực chất là chở khách nên các hoạt động này cũng phải chấp hành theo đúng quy định về kinh doanh vận tải hành khách. Theo ông Sinh, những kiến nghị này hiện vẫn đang được các cơ quan quản lý xem xét, chưa có phản hồi cụ thể.

Theo GIA MINH - LÊ PHONG/NLĐ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/han-che-xe-uber-grab-de-giam-ach-tac--159521/