Hạn mức chi trả thấp, hạn chế vai trò của DIV

Theo ý kiến các chuyên gia và người dân, việc tăng hạn mức chi trả BHTG có ý nghĩa rất lớn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và giúp khuyến khích, tăng các nguồn tiền nhàn rỗi của người dân vào hệ thống ngân hàng, qua đó tăng thêm nguồn tín dụng ra cho nền kinh tế

Ảnh minh họa

Khi Nghị định 68/2013/NĐ - CP hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có hiệu lực vào 19/8 tới đây. Hạn mức chi trả BHTG vẫn ở mức 50 triệu đồng – mức được duy trì trong suốt 8 năm qua (từ năm 2005). Chính vì vậy một trong những điểm người dân mong chờ nhất là con số này sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

Theo ý kiến các chuyên gia và người dân, việc tăng hạn mức chi trả BHTG có ý nghĩa rất lớn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và giúp khuyến khích, tăng các nguồn tiền nhàn rỗi của người dân vào hệ thống ngân hàng, qua đó tăng thêm nguồn tín dụng ra cho nền kinh tế. Trên thế giới, BHTG là yếu tố tác động lớn tới tâm lý của người gửi tiền. Do đó, BHTG được áp dụng rất phổ biến và cũng là một tiêu chí để khách hàng lựa chọn khi gửi tiền.

“Với tốc độ lạm phát và quy mô phát triển của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta ngày càng tăng lên, hạn mức trả BHTG 50 triệu đồng theo quy định hiện hành trở nên quá nhỏ bé trong điều kiện hiện nay. Chắc chắn, với hạn mức trả tiền bảo hiểm thấp như vậy không tạo được động lực thu hút tiền gửi vào các TCTD” - ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định. Do đó theo ông Dũng, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần sớm được điều chỉnh.

Cùng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng: “Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cơ chế bao cấp đã dần được xóa bỏ nên nguy cơ xảy ra các vụ phá sản ngân hàng là hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của BHTG, trong đó có việc nâng hạn mức BHTG để củng cố, nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng”.

Trong những năm qua, yếu tố thu hút người dân gửi tiền vì có hệ thống BHTG tốt dường như chưa được phát huy, một phần có lẽ bởi mức BHTG quá thấp. Quan trọng hơn, nhu cầu tín dụng luôn ở mức cao trong những năm trước đây khiến lãi suất cho vay cao và lãi suất huy động cũng cao theo. Yếu tố lãi suất vì vậy mới là một trong những động lực chính thu hút người gửi tiền.

Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, khi tín dụng giảm mạnh, lãi suất đầu vào – đầu ra cũng giảm mạnh theo thì dù huy động vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng rõ ràng không còn được như trước đây. Sức hút từ yếu tố “lãi suất cao” cũng không còn quá lớn đối với người gửi tiền, nhất là trong bối cảnh trên thị trường tài chính, vấn đề chất lượng, sức khỏe của TCTD ngày càng được người dân quan tâm hơn khi gửi tiền.

Đây cũng chính là cơ hội để BHTG phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc bảo vệ người gửi tiền, tăng niềm tin và khuyến khích người dân gửi tiền vào hệ thống; đồng thời góp phần vào quá trình lành mạnh hóa các TCTD và ổn định của hệ thống ngân hàng.

Về mức chi trả BHTG, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần nâng lên mức cao đáng kể so với hiện tại, thậm chí có những nghiên cứu và kiến nghị con số này phải ở mức từ 200 đến 300 triệu đồng – gấp ít nhất 4 lần so với hiện nay.

Như thống kê tại Vietcombank, để bảo vệ khoảng 80% số người gửi tiền, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải nâng lên 270 triệu đồng. Còn để bảo vệ được 90% khách hàng cá nhân thì hạn mức trả tiền bảo hiểm phải lên tới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nâng lên bao nhiêu và vào thời điểm nào thì chúng ta sẽ phải tính toán rất kỹ, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, điều hành CSTT của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, có thể quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo từng thời kỳ: Hạn mức cao đối với thời kỳ khủng hoảng và hạn mức thấp hơn với thời kỳ hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định. “Tất nhiên khi quy định hạn mức cụ thể cần tính toán kỹ sự thay đổi của các yếu tố tác động, tạo cơ chế thuận lợi để thay đổi hạn mức trong trường hợp cần thiết và tránh rủi ro đạo đức” – TS. Lịch nói.

Được biết, hiện Cơ quan BHTG Việt Nam (DIV) đang tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách BHTG phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG như, chính sách về hạn mức chi trả và phí BHTG. Tuy nhiên, việc nâng hạn mức chi trả BHTG có lẽ chưa thể thực hiện được sớm vì Nghị định 68 mới chỉ là văn bản pháp lý đầu tiên để hướng dẫn thi hành Luật BHTG.

Trong thời gian tới, một số văn bản khác như quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ; các thông tư hướng dẫn của NHNN và Bộ Tài chính; quyết định về hạn mức chi trả và tỷ lệ phí… sẽ được ban hành. Nhờ đó, khi khung pháp lý về chính sách BHTG đồng bộ hơn thì việc xem xét điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG mới có cơ sở để tiến hành.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s26/-/journal_content/han-muc-chi-tra-thap-han-che-vai-tro-cua-div