Hàn Quốc khảo sát tác động của THAAD đối với môi trường

Online - Chính phủ Hàn Quốc ngày 12-8 đã bắt đầu cuộc khảo sát chính thức về tác động của tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ với môi trường ở khu vực Seongju, cách thủ đô Seoul 300km về phía Nam.

Bộ Quốc phòng và Bộ Môi trường Hàn Quốc sẽ phối hợp điều tra bức xạ điện từ và tiếng ồn từ THAAD. Hiện đã có 2 bệ phóng tên lửa và ra-đa băng tần X-band đang hoạt động tại căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc. Kể từ tháng 12-2016, Hàn Quốc cũng tiến hành khảo sát tác động của THAAD đối với môi trường, nhưng ở "quy mô nhỏ".

Sáng 12-8, một nhóm gồm 30 quan chức của các bộ, các nhà nghiên cứu, quan chức địa phương và nhà báo đã đến khu vực triển khai THAAD bằng máy bay trực thăng. Sau khi xác minh các kết quả đánh giá, nhóm này sẽ chính thức công bố tác động của THAAD đối với môi trường trong thời gian sớm nhất.

Các thành phần của THAAD triển khai tại Hàn Quốc.

Trước đó 2 ngày, Hàn Quốc đã hoãn tiến hành khảo sát chính thức do thời tiết xấu và các nhà hoạt động và người dân địa phương biểu tình phản đối việc triển khai THAAD ở khu vực này. Người dân địa phương cho rằng việc triển khai THAAD sẽ biến Seongju thành mục tiêu tấn công của tên lửa Triều Tiên.

Sau nhiều tuần thảo luận, Hàn Quốc đã quyết định tiến hành thêm một cuộc khảo sát về tác động của THAAD với môi trường. Quá trình đánh giá này này sẽ mất vài tháng.

Không giống như một đánh giá môi trường quy mô nhỏ, được coi là chỉ mang tính hình thức, cuộc khảo sát lớn thường là cho các dự án xây dựng quy mô lớn như xây dựng các khu dân cư hoặc khu công nghiệp, đòi hỏi phải có phiên điều trần công khai. Chính vì thế nhiều người đã dự đoán rằng việc triển khai của THAAD tại Seongju sẽ không thể hoàn tất trong năm 2017.

Theo thỏa thuận, Hàn Quốc đồng ý cung cấp cho Mỹ 700.000 m2 ở sân golf của Lotte tại thị trấn Seongju để triển khai THAAD.

Được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung của đối phương ở tầng cao nhất và tầng trung của quỹ đạo bay, THAAD tiêu diệt mục tiêu bằng cách sử dụng đạn tên lửa tấn công theo phương thức kinetic (va chạm trực tiếp và tiêu diệt đầu đạn tên lửa của đối phương bằng va chạm động năng). Ngoài khả năng độc lập chiến đấu, tổ hợp THAAD cũng có thể trao đổi thông tin và hoạt động phối hợp với hệ thống đánh chặn tên lửa khác như: Aegis, Patriot PAC-2 và PAC-3.

THAAD gồm 6 bệ phóng tên lửa di động, 48 tên lửa đánh chặn, một trạm ra-đa và một trung tâm chỉ huy hợp nhất. Hai bệ phóng tên lửa đánh chặn và cụm radar của THAAD đã được triển khai tại Seongju. 4 bệ phóng còn lại đã được đưa tới một căn cứ quân sự của Mỹ gần thị trấn trên, nhưng chưa triển khai chính thức.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/han-quoc-khao-sat-tac-dong-cua-thaad-doi-voi-moi-truong-514866