Hàn Quốc quan tâm “đặc biệt” tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

BizLIVE - Đó là một trong những chia sẻ của ông Park Chang Eun, Phó giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) trong buổi Tọa đàm “Việt Nam và cuộc chơi lớn của các tập đoàn đa quốc gia”, do báo điện tử BizLIVE tổ chức hôm nay (5/3).

Ông Park Chang Eun tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, ông Park Chang Eun, Phó giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, hiện các Công ty Hàn Quốc dành sự quan tâm "đặc biệt" tới ngành công nghiệp hỗ trợ khi "đổ" vốn vào Việt Nam.

Theo ông Park Chang Eun, khi Samsung tiến hành đầu tư vào Việt Nam, kéo theo rất nhiều công ty “vệ tinh” sản xuất thiết bị linh kiện phụ trợ cũng đầu tư với Việt Nam.

Thực tế chứng minh, các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho địa bàn các tỉnh được đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp hỗ trợ năm 2013 ước đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 7,5% giá trị sản xuất của các khu công nghiệp, xuất khẩu chiếm 7,3%; nhập khẩu chiếm 9,8%; nộp ngân sách chiếm gần 39% trong các khu công nghiệp tập trung và giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động.

Trong đó phải kể đến một số nhà đầu tư có quy mô lớn như: Samsung SDI Việt Nam; Furning Precision component; Mitac Precision; Flexcom Việt Nam...

Tuy nhiên, trên thực thế, khi các tập đoàn lớn Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, thay vì đem theo công ty vệ tinh, thực chất họ rất muốn làm việc với các công ty phụ trợ ngay tại Việt Nam.

"Việc để các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở ngành công nghiệp hỗ trợ cũng có nhiều yếu tố tiêu cực nhưng tốt nhất thì Việt Nam nên tự xây dựng ngành này cho riêng mình", Phó giám đốc KOTRA tại Việt Nam nhấn mạnh.

Do đó, ông Park Chang Eun đã có kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần thêm nhiều chính sách để phát triển các công ty phụ trợ trong nước, hỗ trợ các tập đoàn của Hàn Quốc khi đầu tư. Các cơ quan bộ ngành liên quan nên tổng hợp, xem xét chính sách và tìm ra phương hướng thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Bên cạnh đó cũng nên có những chính sách nuôi dưỡng nhân lực bằng các trung tâm đào tạo từ bước đại học, để sau này phát triển thành các đội ngũ đầy đủ năng lực.

Một phương án khác là thúc đẩy việc mua bán sáp nhập các công ty nước ngoài vào Việt Nam để họ đào tạo nhanh hơn, ông Park tiếp tục cho ý kiến.

Việt Nam cũng nên lưu ý đến hoạt động mua bán sáp nhập các dự án về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việc chuyển giao công nghệ nhanh chóng và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài là tốt nhưng phải có chiến lược cụ thể và thận trọng.

Sau ngành công nghiệp phụ trợ, ngành dầu khí, hóa chất cũng đang thu hút lượng đầu tư lớn từ phía Hàn Quốc, theo như GS.TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã nói.

Theo Phó giám đốc KOTRA Park Chang Eun thì ngành công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đang triển rất mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Park, bên cạnh việc đầu tư vào phần cứng, các ngành khác như phần mềm, giải pháp phần cứng cũng đang được các doanh nghiệp nước ngoài và Hàn Quốc quan tâm.

Thông qua các trung tâm đào tạo, có thể chuyển giao công nghệ, kiến thức trong phân khúc này. Người Việt Nam thông minh, năng lực tốt, nên điều này là không hề khó khăn.

Ông Park nhận xét, "Người Việt Nam có khả năng thích ứng và học hỏi công nghệ mới nhanh. Các công ty phát triển phần mềm Hàn Quốc nói các công ty Việt Nam hiện đang sở hữu công nghệ khá cao cùng năng lực sáng tạo, nên nếu được đào tạo, họ hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm vươn tầm thế giới".

Do vậy, các chính sách đã áp dụng với Samsung cũng có thể được mở rộng ra để áp dụng với các tập đoàn xuyên quốc gia khác và cũng sẽ thành công như với trường hợp của Samsung, ông Park nhận định.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/han-quoc-quan-tam-dac-biet-toi-nganh-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-109262.html