Hàng chục ha lúa chìm trong biển nước vì... 1 trận mưa

Hàng chục hecta lúa chiêm xuân đang chuẩn bị cho thu hoạch bỗng chốc bị nhấn chìm trong biển nước, khiến thành quả lao động của những người nông dân ở thôn Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) gần như mất trắng.

Ông Đỗ Văn Thuận, người dân thôn Đông Cao vớt những cây lúa của gia đình mình ngập trong nước lên mà xót xa. Ảnh: Hồng Đức

Thấy lúa ngập mà không thể cứu

Trong những ngày qua, người dân ở thôn Đông Cao, xã Trung Chính, Nông Cống đang ra sức tìm cách cứu vớt hàng chục ha lúa chiêm xuân, nhưng mọi sự đều bất thành.

Nhìn cánh đồng trắng xóa nước, bà Đinh Thị Bé, nông dân làng Đông Cao, nghẹn ngào nói: “Gia đình tôi có 9 người, tất cả chỉ trông chờ vào cây lúa, giờ bị ngập hết thế này sắp tới không biết lấy gì để sống đây”.

Được biết, nhà bà Bé có tổng cộng 1,5ha lúa, trong đó có hơn 80% bị chìm sâu trong nước, không thể cứu vãn. “Nước ngập sâu quá, không thể lội xuống mà cứu được lúa, hơn nữa trời nắng nóng thế này, lúa chỉ bị ngập vài ngày thôi cũng sẽ nảy mầm hết” - bà Bé cho hay.

Cũng như gia đình bà Bé, nhà ông Đỗ Văn Thuận đã đầu tư thâm canh 2ha lúa lai chất lượng cao. Theo dự kiến, chỉ chục ngày nữa, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng chỉ sau 1 trận mưa, lúa của gia đình ông Thuận đã chìm trong biển nước.

“Mọi năm, với diện tích này, gia đình tôi thu về được chừng 15 tấn thóc. Đây là khu đồng chỉ cấy được một vụ thôi, vụ sau nước ngập, không cấy được. Lúa bị ngập như vầy, coi như hỏng hết cả rồi, chẳng còn trông mong gì nữa” - ông Thuận buồn rầu nói.

Chứng kiến hơn 2,5ha lúa của gia đình bị mọc mầm, thối dần trong nước, bà Đinh Thị Hợp chua xót nói: “Nếu không bị ngập úng, dự kiến vụ này nhà tôi thu được khoảng 20 tấn lúa. Hầu hết số diện tích đất này chúng tôi thuê lại của những hộ dân trong xã, với giá từ 300.000 – 500.000 đồng/sào/năm để làm lúa. Với tình hình này, không biết lấy gì để trả tiền thuê đất chứ đừng nói đến tiền nuôi con ăn học”- bà Hợp cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Phương – Bí thư Chi bộ thôn Đông Cao nói: “Cả thôn có 147 hộ với hơn 600 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,9%. Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Nhưng mấy ngày qua, nước mưa ở thượng nguồn đổ xuống ào ạt đã khiến 40ha lúa của bà con mất trắng. Cả năm, làng Đông Cao chỉ trông chờ một vụ lúa này thôi, còn vụ sau không cấy được. Tình hình này không biết đời sống của bà con sẽ ra sao nữa?”.

Cả cánh đồng lúa rộng mênh mông giờ ngập chìm trong biển nước. Ảnh: Hồng Đức

Bỗng dưng ngập lụt do đâu?

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, bà con thôn Đông Cao ghi rõ: “Nguyên nhân chính không phải do thiên tai mà là do đơn vị thi công trên sông Nhơm đã chặn dòng chảy. Đặc biệt là khi xây dựng cầu Quả Cảm (địa phận xã Tế Thắng, Nông Cống), đơn vị thi công đã làm đường tạm để phục vụ dân sinh, nhưng cầu đã xây xong hơn 1 tháng nay mà vẫn không được khơi thông dòng chảy, nên dẫn đến tình trạng bị ngập úng vừa qua”.

Còn ông Nguyễn Xuân Phương – Bí thư Chi bộ thôn Đông Cao, khẳng định: “Từ khi cây lúa bắt đầu được cấy xuống thì đây là lần thứ 3 thôn này phải chịu ngập úng với tổng thiệt hại cả 3 lần khoảng 60ha. Sau trận mưa lớn của ngày 24, xã đã thuê máy về nạo vét nhưng do dòng nước quá mạnh nên vẫn không cứu được lúa”.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt/NTNN, ông Lê Xuân Phùng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hơn 40ha lúa của bà con thôn Đông Cao bỗng nhiên bị ngập lụt, mất trắng là do nước sông Nhơm dâng cao. Mưa từ thượng nguồn ở phía huyện Triệu Sơn khá lớn, nên dồn nước về khu vực này. Trong khi đó, dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm đang còn dang dở và một phần do đơn vị xây dựng cầu Tế Thắng 2 (ở xã Tế Thắng, Nông Cống) chưa khai thông hết các ụ đất mà họ tạo nên khi thi công cầu, làm chặn mất lối thoát nước. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại trong đợt lũ này và cần sớm hoàn thiện dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng khiến cho hàng chục ha lúa lẫn hoa màu của hai xã Trung Chính và Trung Ý bị hư hại, là do lượng mưa khá lớn từ thượng nguồn sống Nhơm đổ về. Trong khi đó, vùng hạ du sông Nhơm, trong đó có các xã Trung Ý và Trung Chính là khu vực khó thoát lũ. Ngoài ra, dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm đang thi công thì phải đình lại vì thiếu vốn. Vì vậy, nước lũ sông Nhơm không thể thoát nhanh được.

Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, còn có một nguyên nhân nữa là nhà thầu xây dựng cầu Tế Thắng 2 (do Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư) đã không kịp thanh thải những ụ đất đắp ngang ở khu vực mố cầu để vận chuyển vật liệu thi công cầu. Đến khi mưa to, lũ dâng lên, thì những ụ đất này là tác nhân gây cản trở dòng cản.

“Ngay sau khi xảy ra ngập lụt ở Trung Chính, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo lực lượng cùng người dân khơi thông dòng chảy ở khu vực cầu Tế Thắng 2 để giải cứu lúa cho bà con, nhưng vẫn không xuể. UBND huyện cũng đã báo cáo về tỉnh để tìm hướng giải quyết”- ông Tuấn nói.

“Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống, không ở Đông Cao, xã Trung Chính bị thiệt hại lúa, mà còn có khu vực làng Hón, xã Trung Ý, nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng. Như vậy, tổng diện tích lúa, hoa màu của bị ảnh hưởng ở Nông Cống là 72,6 ha, tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng gần 4 tỷ đồng”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/hang-chuc-ha-lua-chim-trong-bien-nuoc-vi-1-tran-mua-774504.html