Hàng hóa ngừng tăng giá sau Tết

Không như một số năm trước đây, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2017 nói chung không bị biến động nhiều về giá. Tuy nhiên, trong những ngày cận và sau Tết, dù sức mua tăng không mạnh, nhưng giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn bị "thổi" lên mức khá cao so với ngày thường. Điều đó cho thấy, còn không ít bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá cả và người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt.

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Khảo sát tại chợ Cống Vị (quận Ba Đình), chợ Bưởi (quận Tây Hồ) cũng như một số chợ dân sinh ở khu vực các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên của Hà Nội cho thấy, tình hình giá cả hàng hóa tương đối ổn định. Thịt bò hiện có mức giá khoảng 270 nghìn đồng/kg (giảm 10 đến 20 nghìn đồng/kg); thịt lợn từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg, tùy từng loại (giảm khoảng 10 đến 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm sát Tết),... Tương tự, giá các loại rau cũng giảm tương đối mạnh so với ngày 28, 29 Tết như rau cải mèo từ 11 nghìn đồng, giảm còn sáu nghìn đồng/kg; rau muống từ 8 nghìn đồng xuống còn 5 nghìn đồng/mớ,…

Chị Hoa, bán rau tại chợ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) cho biết: Do trời nồm, rau mọc nhiều, nếu không bán nhanh chỉ một hai ngày là héo hết cho nên giá xuống là tất yếu. Nhiều loại rau như su hào, súp lơ giá còn rẻ hơn trong Tết. Riêng các loại hoa giá vẫn giữ ở mức cao như hoa cúc vàng giá năm đến sáu nghìn đồng/bông; hoa hồng năm nghìn đồng/bông, hoa ly từ 30 đến 50 nghìn đồng/cành,...

Đề cập tới sự biến động của giá cả hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán, TS Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định: Năm nay, mức giá hàng hóa ít biến động bởi nhu cầu sau Tết không lớn, nguồn cung nhiều cho nên giá bán không tăng mạnh như mọi năm. Xuất phát từ thực tế thu nhập của người dân đang ngày càng bị thu hẹp cùng với lượng người thất nghiệp nhiều, dẫn đến sức mua giảm.

Điều này thể hiện ngay ở thời điểm trước Tết khi các mặt hàng truyền thống như đào, quất vốn được đa số người dân quan tâm mua sắm để chào đón năm mới, nhưng không ít người dân đã hạn chế sức mua so với trước đây. Chính vì vậy, các mặt hàng muốn tăng giá bán cũng không được, ngoại trừ số ít mặt hàng ăn uống trực tiếp được báo chí phản ánh có tăng nhưng không nhiều và không có sự tăng giá đồng loạt về các loại hàng hóa.

Một loại hình dịch vụ khác mà người dân thường lo lắng là giá cước vận tải sẽ được điều chỉnh tăng và duy trì ở mức cao trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Thế nhưng trong năm nay, ngoài một số doanh nghiệp phục vụ vận chuyển hành khách đường dài với áp lực chi phí một chiều cao cho nên bắt buộc phải điều chỉnh giá cước thì đa số doanh nghiệp, hãng vận tải đều hạn chế tăng giá để thu hút khách hàng. Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: Do năm nay vắng khách cùng với quãng đường vận chuyển ngắn nên từ trước Tết tới nay, bến xe không nhận được bất kỳ phương án đề xuất tăng giá vé nào từ các nhà xe, hãng vận tải. Bên cạnh đó, qua ba lần điều chỉnh liên tiếp gần đây nhất, giá bán lẻ các loại xăng vẫn được giữ nguyên, giá dầu đi-ê-den chỉ tăng gần 600 đồng/lít khiến cho áp lực tăng giá cước vận tải không nhiều.

Tổ chức thị trường

Có thể thấy, thị trường trong dịp Tết vừa qua nhìn chung không có nhiều biến động lớn. Nhưng thực tế là trong ít ngày sát Tết, giá một số mặt hàng như gà ta, giò chả, hải sản cao cấp (tôm, cua…) vẫn tăng cao. Đặc biệt, vào mồng hai và mồng ba Tết, khi không nhiều các siêu thị mở cửa hoặc chưa kịp nhập hàng, giá thịt tươi sống tại các chợ dân sinh đều bị tăng lên cao hơn nhiều so với bình thường, thí dụ thịt lợn thăn giá 150 nghìn đồng/kg, bò từ 300 đến 320 nghìn đồng/kg, đều tăng khoảng 50 nghìn đồng/kg so hiện nay.

Chị Lê Thu Hương (trú tại Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Theo thông lệ, cứ vào mỗi dịp sát Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá cả thực phẩm, hoa củ quả đều có sự tăng mạnh về giá. Điều đó cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá cả. Bởi cũng vẫn những tiểu thương, người kinh doanh đó cùng nhu cầu hàng tiêu dùng vẫn vậy nhưng họ lại vin vào ngày Tết để "đẩy giá" lên cao nhằm bắt ép khách hàng. Sau Tết, tùy thuộc vào nguồn cung dự trữ thừa thiếu ra sao để nhà sản xuất, kinh doanh điều chỉnh lại giá mặt hàng, đồng thời kích cầu tiêu dùng trong thời điểm mới. Do vậy, rất mong các cơ quan chức năng cần thể hiện vai trò của mình trong việc quản lý, điều hành giá cả phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Cũng theo chị Hương, trong những trường hợp đặc biệt như bị ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt khiến nguồn hàng cung ứng bị hạn chế thì việc giá tăng cũng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, có những mặt hàng không hề bị ảnh hưởng nhưng lại tăng giá một cách vô tội vạ, rất cần cơ quan chức năng thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết và tẩy chay đối với những nhà sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà bỏ rơi quyền lợi khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Giá cả hàng hóa thực tế được quyết định bởi vấn đề cung-cầu, tổ chức thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Như hiện nay, tuy giá thịt lợn hơi đã giảm khoảng 40%, xuống chỉ còn khoảng 35 nghìn đồng/kg, nhưng giá ở chợ vẫn ở mức từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Một thí dụ khác là giá rau bắp cải tại Phúc Thọ (Hà Nội) giá chỉ ba nghìn đồng/chiếc, về đến nội thành đã lên giá 10 nghìn đồng. Nhà nước phải điều hành giá bằng cách không ngăn sông cấm chợ, không độc quyền; mở rộng liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa người mua và người bán; bảo đảm chất lượng hàng hóa;… còn giá cả lúc đó sẽ thuận theo quy luật của thị trường.

Thị trường không cho tăng thì chả hàng hóa nào tăng được, vấn đề là quản lý, tổ chức thị trường có lành mạnh hay không. Bên cạnh đó, công tác điều phối cũng không nên chỉ tập trung trong Tết mà phải tiến hành liên tục cả trong năm để giá cả luôn ổn định.

Đại diện của Sở Công thương Hà Nội cho biết, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu, nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, thành phố đã cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện Sở Công thương cũng đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10 đến 15% so với năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Nhiều siêu thị đã mở cửa bán hàng ngay từ mồng 3 Tết, cung ứng thịt tươi, rau xanh với số lượng dồi dào mà giá lại ổn định. Nếu các tiểu thương nhỏ lẻ vẫn có thói quen "thổi giá" trong dịp Tết, chắc chắn sẽ mất dần hình ảnh trong lòng người tiêu dùng. Tương lai, người dân sẽ chỉ mua hàng trong siêu thị, nơi giá cả luôn bình ổn. Vì vậy, các tiểu thương nên từ bỏ thói quen tăng giá trong dịp Tết, để tạo ra một thị trường ổn định, có lợi cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng. (Trần Nguyễn Quỳnh Anh,người tiêu dùng tại quận Ba Đình, Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/32026602-hang-hoa-ngung-tang-gia-sau-tet.html