Hàng hóa ứ đọng tại nhiều cảng ở TP Hồ Chí Minh

Hàng hóa ứ đọng tại cảng Tân Thuận 2. ( Ảnh: Captured by Lucas )

Hàng hóa tại nhiều cảng bị ùn ứ

Theo Quyết định 66 của UBND thành phố, kể từ 6 giờ đến 24 giờ trong ngày, cấm tất cả các loại xe tải có trọng tải hơn 2,5 tấn hoặc tổng tải trọng trên năm tấn lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố theo hướng cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành và ngược lại, để vào ra cảng Sài Gòn và một số cảng thuộc quận 4 và quận 7. Đối với các xe tải dưới 2,5 tấn chỉ được lưu thông từ 8 giờ đến 16 giờ trong ngày và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Quyết định cũng quy định việc hạn chế lưu thông đối với các phương tiện vận tải ở các tuyến đường vành đai như: Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Hà Nội, Liên tỉnh lộ 25B, quốc lộ 1A... Tất cả các phương tiện theo quy định muốn vào cảng phải đi qua cầu Phú Mỹ (quận 7). Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải và một số cảng, từ khi triển khai quyết định này, hoạt động của nhiều đơn vị vận tải bị xáo trộn, hàng hóa bắt đầu bị ứ đọng với số lượng lớn tại nhiều cảng.

Qua ghi nhận thực tế, hàng hóa đang ùn ứ tại một số cảng như: Tân Thuận 2, Biển Đông, Lotus, Rau Quả... nhưng các cảng vẫn chưa có phương án để giải quyết do "vướng" bởi lệnh cấm. Những ngày qua, không khí làm việc vốn nhộn nhịp tại khu vực bốc xếp tại các bến bốc dỡ hàng hóa đã không còn. Do không có xe vào lấy hàng nên nhiều công nhân rơi vào cảnh "ngồi chơi xơi nước". Tính đến ngày 25-11, cảng Tân Thuận 2 vẫn còn hàng vạn tấn hàng chưa vận chuyển xong. Do diện tích kho bãi không chứa hết lượng hàng cập bến, từng lô thép cuộn vẫn đang nằm phơi nắng từ nhiều ngày nay. Trước tình trạng hàng lưu thông chậm, nhiều tàu đã từ chối cập cảng vì không muốn hàng hóa bị ứ đọng, gây thiệt hại. Tại cảng Lotus, hàng chục nghìn tấn hàng vẫn chưa được vận chuyển đi. Đại diện Cảng Lotus cho biết, do xe chỉ được hoạt động từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, cho nên trong một ngày lượng hàng chở khỏi cảng không đáng kể, trong khi lượng hàng tiếp nhận vẫn rất lớn nên cảng đang tính tới phương án ngừng tiếp nhận tàu nhập hàng tại cảng. Trước thực trạng này, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đều có văn bản kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh giờ hoạt động của các phương tiện vận tải để giải phóng lượng hàng còn ùn ứ tại cảng.

Cần sự hợp tác vì lợi ích chung

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn Hoàng Văn Nhượng cho rằng: Tình trạng ùn ứ hàng hóa nếu không sớm được giải quyết sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các cảng cũng như phía đối tác. Điển hình như cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (trực thuộc cảng Sài Gòn), hiện do đường Nguyễn Tất Thành bị cấm hai chiều nên toàn bộ xe tải đều phải vào cảng bằng cổng số 13. Trong thời gian cao điểm có thể gây kẹt xe nghiêm trọng. Cảng kiến nghị, nên cho phép xe được vào lấy hàng từ cổng số 5 (cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) nhằm giảm áp lực cho cổng số 13. Đối với đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Thị Thập nên để xe tải hơn năm tấn lưu thông hai chiều nhằm tăng năng lực ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa. Ngoài ra, để phương tiện ra vào cảng Tân Thuận 2 thuận tiện hơn, UBND và Sở GTVT thành phố cần cho phép mở cổng kết nối giữa cảng và Khu chế xuất Tân Thuận để xe ra vào. Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thành phố nên điều chỉnh cho phép phương tiện được lưu thông từ 22 giờ, thay vì 24 giờ như hiện nay. Theo Hiệp hội, do các kho hàng đều nằm ở ngoại thành, trong khi khoảng cách giữa cảng và kho hàng khá xa nên nếu số giờ xe được lưu thông quá ít thì hàng hóa sẽ tiếp tục ứ đọng, làm ảnh hưởng đến nhiều đơn vị.

Trước tình trạng trên, Sở GTVT thành phố và các cảng, doanh nghiệp vận tải cũng đã tổ chức cuộc họp để nghe đề xuất của các đơn vị. Sở GTVT cho biết, sau khi khảo sát tại một số tuyến đường và hệ thống cảng, sẽ tiến hành một số thay đổi quy định ở các tuyến đường hành lang để tháo gỡ cho các đơn vị gặp khó khăn trong thời gian qua. Trước mắt, để giải quyết những khó khăn, các cảng cần chủ động bố trí nhân lực để giải quyết lượng hàng còn tồn đọng tại cảng. Ngày 25-11, tại cuộc họp giao ban về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố sẽ tiến hành đánh giá và có thể xem xét giải quyết cho một số phương tiện vận tải được phép lưu thông vào cảng để giải tỏa hàng hóa.

Theo báo cáo nhanh của Sở GTVT, sau gần một tháng triển khai Quyết định 66, số vụ tai nạn giảm được 20% so với tháng trước; tình hình ùn tắc kéo dài tại các tuyến đường như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tất Thành, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ... cũng giảm đáng kể. Việc triển khai quyết định 66/2011/QĐ-UBND cũng góp phần hạn chế tốc độ xuống cấp của các tuyến đường, nhất là các tuyến nội đô do bị "cày xới" liên tục bởi các xe quá tải như thời gian qua. Điều này phù hợp với mục tiêu giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mà thành phố đang triển khai quyết liệt. Vì lợi ích chung của thành phố, của cộng đồng, các đơn vị vận tải, cảng biển cần có sự hợp tác, điều chỉnh thời gian bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa hợp lý, khoa học, góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện các chương trình đột phá về giao thông đã đề ra.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/hang-hoa-ng-t-i-nhi-u-c-ng-tp-h-chi-minh-1.322977