Hàng loạt vụ học sinh ngộ độc thực phẩm: Cần xử lý nghiêm hàng quán bủa vây trường học

Ngày 3/5, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết từ lúc 9h sáng ngày 2/5, BV đã tiếp nhận 15 trường hợp đến cấp cứu tại BV với các triệu chứng, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, trong đó tất cả đều là học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức.

Cụ thể, các học sinh thuộc nhiều trường tiểu học khác nhau cùng ngụ tại địa bàn TP Thủ Đức gồm: Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (9 học sinh), Trường tiểu học Bình Trưng Đông (4 học sinh), Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 học sinh), Trường tiểu học Lương Thế Vinh (1 học sinh).

Trong số các bệnh nhân này, Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi có nhiều học sinh nghi bị ngộ độc nhất và các em này có biểu hiện ngộ độc đau bụng, nôn ói chủ yếu do trước đó đã ăn sushi, bún bò, cơm tấm... tại các hàng quán bán trước cổng trường.

Một bệnh nhi đang điều trị tại BV Nhi Đồng Nai.

Các em được chẩn đoán lúc vào viện là nhiễm trùng tiêu hóa. BV đã xử lý truyền dịch, kháng sinh và tình trạng hiện tại các em đều có sinh hiệu ổn, giảm ói…

Cũng trong sáng 3/5, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cũng có báo cáo về một trường hợp nghi ngờ ngộ độc thức ăn đang điều trị tại đây. Theo đó, vào lúc 3h45 ngày 2/5, BV tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân N.H.T.A (SN 2011, quê Long Khánh, Đồng Nai). Bệnh nhân này sau khi ăn bánh mì (có liên quan vụ ngộ độc thức ăn tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã bị đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, sau đó đau quặn từng cơn, buồn nôn, sốt cao kèm tiêu lỏng trên 10 lần, nhiều nước. Lúc đầu, bệnh nhân nhập viện BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và sau đó được chuyển đến BV Nhi đồng 1 tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân N.H.T.A đang điều trị tại BV Nhi đồng 1.

Tại BV Nhi đồng 1, bệnh nhân tỉnh, môi hồng, chi ấm, mạch rõ, có dấu hiệu mất nước, sốt cao 40oC. Chẩn đoán hiện tại là viêm ruột - tiêu chảy cấp có mất nước nghi do vi trùng - nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Bệnh nhân đã được xử trí bù dịch tích cực, kháng sinh và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục điều trị. Tình trạng bệnh nhân hiện tại sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt.

BV Nhi đồng 1 cho biết đang cùng với BV Nhi đồng 2 trao đổi, hỗ trợ chuyên môn BV Nhi đồng Đồng Nai và sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nặng chuyển viện.

Bệnh nhi kể trên liên quan đến chuỗi hàng loạt bệnh nhi cũng có triệu chứng đau bụng, nôn ói sau khi ăn bánh mì thịt ở TP Long Khánh, Đồng Nai. Tính đến 15h chiều 2/5 đã có tổng cộng 328 người vào BV đa khoa khu vực Long Khánh và BV đa khoa Cao su Đồng Nai điều trị. Trong đó, 220 ca điều trị tại BV đa khoa khu vực Long Khánh; có 9 ca chuyển viện lên tuyến trên, 11 ca xuất viện, 88 ca cấp toa về nhà điều trị.

Một số điểm bán hàng rong ngay cổng một trường THPT tại địa bàn quận 8.

BV Nhi đồng Đồng Nai cũng đang tích cực điều trị cho 6 bệnh nhi. Theo đó, các bệnh nhi này được chuyển từ BV đa khoa khu vực Long Khánh lên với triệu chứng nhiễm trùng đường ruột. Trong đó, 2 bệnh nhi trong tình trạng nặng, 4 bệnh nhi còn lại không nặng lắm…

Qua điều tra, tất cả các bệnh nhân đều có ăn bánh mì thịt của tiệm bánh mì Băng trên đường Trần Quang Diệu (phường Xuân Bình, TP Long Khánh, Đồng Nai) trong khoảng thời gian từ 15h-19h ngày 30/4. Sau đó khoảng 4-8h các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi cầu phân lỏng, sốt…

Theo chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân nhập viện theo dõi sức khỏe bị nhiễm trùng đường ruột và được xử lý kịp thời. Sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có diễn tiến nặng thêm nhưng vẫn đang theo dõi thêm.

Theo Trung tâm Y tế TP Long Khánh, kết quả kiểm tra ban đầu tiệm bán bánh mì trên, cho thấy cơ sở có chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, khu vực sơ chế biến thực phẩm không gần nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên, do tiệm bánh mì trên là diện bán hàng nhỏ lẻ, nên không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến… Cơ sở này đã bị cơ quan chức năng buộc ngưng hoạt động từ 11h ngày 1/5.

Một điểm bán hàng rong trước một Trường THCS ở quận Bình Tân.

Thời gian qua, nhất là vào thời điểm thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, trên nhiều địa phương đã xảy ra nhiều vụ việc học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm ở các hàng quán trước cổng trường.

Mặc dù chính các trường cũng như cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã gửi thông báo đề nghị phụ huynh cho con em mình ăn sáng chế biến tại nhà trước khi cho các em đến trường, không mua các thức ăn không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán trước cổng trường cho học sinh ăn, nhưng thực tế vì nhiều lý do việc xử lý vẫn không hiệu quả và vấn đề hàng quán bủa vây trường học vẫn diễn ra khắp nơi.

Và vụ việc xảy ra ở Đồng Nai với tiệm bánh mì Băng cho thấy bất cập trong quy định về cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có thể thấy những người bán hàng rong không phải đăng ký kinh doanh cũng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Chính điều này có thể gây ra một số hệ lụy như gây cản trở giao thông, mất trật tự công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trái phép.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có những quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng có thể thực hiện các hoạt động quản lý và cũng nhằm tăng cường nhận thức của những người bán hàng rong để họ có thể vừa kinh doanh nhưng cũng có trách nhiệm với xã hội.

Các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, nhất là tiến tới xóa bỏ hẳn tình trạng hàng rong bát nháo trước cổng trường như hiện nay vì sức khỏe, sự an toàn của hàng triệu học sinh.

Phú Lữ - Vinh Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/hang-loat-vu-hoc-sinh-ngo-doc-thuc-pham-can-xu-ly-nghiem-hang-quan-bua-vay-truong-hoc--i730063/