Hàng năm có khoảng 2 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu người chết trẻ do ô nhiễm không khí, chủ yếu là người dân của các nước đang phát triển.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh ĐH.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng, Tổ chức Điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nghiễm Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Sáng tạo Xanh tổ chức Hội thảo về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng.

Tại Hội thảo, TS Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ Sức khỏe Môi trường, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Theo báo cáo tổ chức Y tế thế giới năm 2016, có tới 3 triệu người chết trong năm 2012 do ô nhiễm không khí. Hàng năm, có khoảng 2 triệu người chết trẻ trên toàn cần do ô nhiễm không khí, chủ yếu là người dân của các nước đang phát triển.

Ông Nghĩa nhận định: Ô nhiễm không khí xếp thứ 10 các yếu tố nguy cơ tử vong, do gây ra các bệnh nghẽn phổi mãn tính và ung thư. Ô nhiễm không khí cũng là yếu tố nguy cơ thứ 7 dẫn đến tới tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do bệnh lây truyền qua đường hô hấp như viêm phổi. Đồng thời, là yếu tố chính gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh hô hấp mãn tính và ung thư phổi và làm tăng nguy cơ truyền nhiễm hô hấp cấp tính và mức độ trầm trọng của bệnh hẽn suyễn.

Ông Tuấn cũng cho biết: Các ngành công nghiệp đốt than, nhà máy nhiệt điện và đốt than sưởi trong nhà chiếm 40% tỉ lệ phơi nhiễm hạt rắn lơ lửng PM 2.5 (hạt bụi có trong không khí) và ước tính gây ra 3666.000 ca tử vong trong năm 2013. Trong năm 2015, phơi nhiễm dài hạn đối hạt rắn lơ lửng PM 2.5 góp phần gây ra 4,2 triệu ca tử vong trên thế giới. Hai nước là Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 52% tổng số ca tử vong toàn cầu do hạt rắn PM 2.5 gây ra.

Theo ông Nghĩa, có hai nguồn gây ô nhiễm chính là ô nhiễm không khí xung quanh và ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, ô nhiễm không khí xung quanh chủ yếu do đô thị hóa, công nghiệp hóa và các hoạt động giao thông gây ra. Ô nhiễm không khí trong nhà do đun nấu bằng nhiên liệu rắn, bao gồm: Than củi, than đá, phân khô và các phế thải nông nghiệp… đã ảnh hưởng đến tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở người.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, các chất gây ô nhiễm không khí gồm: Các hạt rắn lơ lửng (PM 10, PM 2.5), SO2, Nox, CO, CO2, Ôzôn.

Tại hội thảo, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong thời gian qua chủ yếu từ nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, đặc biệt, nguồn ô nhiễm không khí từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Theo ông Nghĩa, để giảm tác động ô nhiễm không khí, cần thiết phải xử lý các nguồn gây ô nhiễm bao gồm: Hiệu suất đốt cháy nhiên liệu hóa thạch thấp của các phương tiện giao thông, nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong xây dựng và sản xuất, giảm số lượng xe cơ giới, ô tô cá nhân, tăng cường xe công, đi bộ hoặc đi xe đạp, giảm phát thải bụi từ các hoạt động xây dựng và vận chuyển vật liệu xây dựng.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-nam-co-khoang-2-trieu-nguoi-tu-vong-do-o-nhiem-khong-khi.aspx