Hàng nghìn tỷ “không đúng quy định” đã đi đâu?

BizLIVE - Chỉ riêng trong 2 năm 2013 và 2014, đã có hàng trăm dự án được bố trí vốn không đúng quy định với số vốn kế hoạch lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê trong tài liệu báo cáo Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng loạt con số đáng chú ý đã được nêu ra liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công.

La liệt dự án

Báo cáo cho thấy, chỉ riêng trong vòng 2 năm 2013 – 2014, đã có hàng trăm dự án được bố trí vốn không đúng quy định với số vốn kế hoạch lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2013, tổng vốn ngân sách trung ương được rà soát theo kế hoạch là 64.614,1 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số dự án bố trí đúng quy định là 5.832 dự án với số vốn kế hoạch năm 2013 là 62.435,6 tỷ đồng gồm 47.407,5 tỷ đồng vốn trong nước và vốn ngoài nước là 15.047,5 tỷ đồng.

Tổng số dự án bố trí không đúng quy định là 220 dự án với số vốn trong nước là 2.146,1 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng số vốn trong nước của ngân sách trung ương.

Trong đó, các bộ - ngành Trung ương đã bố trí vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2013 chưa đúng quy định là 1.620,6 tỷ đồng cho 61 dự án.

Các địa phương bố trí vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2013 chưa đúng quy định là 525,4 tỷ đồng cho 159 dự án.

Năm 2014, tổng vốn ngân sách trung ương rà soát là 62.431 tỷ đồng, gồm 47.579 tỷ đồng vốn trong nước và vốn ngoài nước là 14.852 tỷ đồng.

Các bộ, ngành và địa phương đã bố trí cho 5.657 dự án. Trong đó, có 5.615 dự án được bố trí đúng quy định với số vốn kế hoạch là 61.660,4 tỷ đồng (vốn trong nước là 46.808,4 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 14.852 tỷ đồng).

Vẫn tiếp tục có tới 42 dự án được bố trí vốn không đúng quy định, với tổng số vốn là 602,9 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng số vốn trong nước của ngân sách trung ương.

Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương có 19 dự án với số vốn là 331,6 tỷ đồng; các địa phương có 23 dự án với số vốn là 271,3 tỷ đồng.

Nặng hệ lụy

Vốn được kỳ vọng với vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế nên tái cơ cấu đầu tư công đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên nhiều diễn đàn kinh tế.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức mới đây, nhiều kiến nghị thẳng thắn đã được đưa ra xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, hiện hiệu quả đầu tư của nền kinh tế Việt Nam đang thấp do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Minh, đầu tư công vẫn thiếu quy hoạch, dàn trải và phân tán. Việc phân bổ vốn đầu tư công cho các địa phương được tiến hành dựa theo các tiêu chí về dân số, trình độ phát triển, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính.

"Những quy định này dẫn đến đầu tư công tại các địa phương có tính phong trào, phá vỡ các quy hoạch tổng thể", ông Minh nhấn mạnh.

Đồng thời, việc phân cấp quyết định đầu tư công chưa đi kèm với giám sát, kiểm soát chất lượng và hiệu quả đầu tư. Các quy định hiện nay cho phép các địa phương quyết định về việc xây dựng dự án nhưng nguồn vốn thì lại được bố trí từ Trung ương.

Một nguyên nhân khác dẫn đến những bất cập trong phân cấp đầu tư là hệ thống ngân sách lồng ghép của Việt Nam. Hiện tại, đa phần các nguồn thu từ địa phương đều được nộp lên Trung ương, rồi sau đó Trung ương lại phân bổ lại ngân sách cho địa phương.

Cũng theo nhìn nhận của ông Minh, đầu tư công chưa thể hiện vai trò là “bà đỡ” cho nền kinh tế. Trong những năm vừa qua, đầu tư nhà nước của Việt Nam chủ yếu hướng vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Khoảng 40 - 45% tổng số vốn đầu tư nhà nước trong giai đoạn 2005 - 2010 được dùng để phát triển kết cấu hạ tầng như điện, nước, vận tải và thông tin.

Trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực khoa học, giáo dục, và đào tạo cũng như lĩnh vực ý tế và trợ giúp xã hội giảm tương ứng từ 6,75% và 3,37% năm 2005 xuống còn 5,55% và 2,7% năm 2010.

Điều này cho thấy đầu tư nhà nước vẫn chưa thực sự chú trọng phát triển nguồn vốn nhân lực trong giai đoạn trước đây.

Một nguyên nhân khác khiến hiệu quả đầu tư thấp theo ông Minh chính là việc chưa huy động được nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

Trong những năm trước đây, Chính phủ đã khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo các hình thức BOT và BT.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án xây dựng theo hình thức này đều dựa trên nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh. Điều này khiến cho lượng vốn thu hút từ đầu tư tư nhân thực chất không nhiều.

“Ngoài ra, tư nhân có thể lạm dụng bảo lãnh của chính phủ để hưởng lợi, trong khi gánh nặng rủi ro lại đặt lên vai Nhà nước”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Mặt khác, việc thiếu ngành công nghiệp phụ trợ gắn với đầu tư nước ngoài để tăng độ lan tỏacũng khiến đầu tư chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Thực tế cho thấy, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, FDI vào Việt Nam nhiều đa phần là do các ưu đãi về thuế, đất đai, và chi phí năng lượng rẻ.

Việt Nam chưa hình thành được ngành công nghiệp phụ trợ để thu hút hoặc giữ chân được các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Điều này khiến cho độ lan tỏa của FDI đối với đầu tư trong nước thấp.

Ở một góc nhìn khác, theo TS.Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tái cơ cấu đầu tư công trong giai đoạn vừa qua thực chất chỉ mới là giải pháp tình thê.

Ông Kiêm phân tích, về đầu tư công, Chính phủ đã ra nhiều chính sách và biện pháp để chặn nợ công. Nhưng đến nay, việc chặn nợ công mới chỉ dừng lại ở việc chặn những yếu tố có thể phát sinh chứ việc tạo ra giải pháp lâu dài để giải quyết nợ công thì thực sự chưa rõ.

“Những chuyển biến, vận động vừa qua mới chỉ dừng lại ở việc giải pháp tình thế. Chất lượng hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp, đầu tư công… vẫn chưa tìm ra được giải pháp để giải quyết dứt điểm hoặc gần như dứt điểm thì mới hội nhập được”, ông Kiêm khẳng định.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/hang-nghin-ty-khong-dung-quy-dinh-da-di-dau-473790.html