Hàng Tết nhích giá

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng giá bán các sản phẩm phục vụ Tết từ thịt gà, thịt lợn, thịt bò đến hàng khô đã bắt đầu rục rịch tăng giá nhẹ.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ trong nội thành Hà Nội, giá cả các mặt hàng có tăng, tập trung vào ngành hàng thịt và một số hàng khô.

Tăng nhẹ tại khâu lấy buôn

Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9, tháng 10 giá các mặt hàng thực phẩm thịt giảm mạnh, người chăn nuôi kêu lỗ. Nhưng tại các chợ bán lẻ, giá giảm không đáng kể so với mức giảm chung tại các trang trại. Người tiêu dùng vẫn phải mua với mức giá cao hơn khá nhiều trong thời gian đó. Có thời điểm giá gà công nghiệp tại trại chăn nuôi chỉ 24.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên đến 35.000 đồng/kg. Tương tự, giá bán gà tam hoàng chỉ 31.000 – 32.000 đồng/kg, giá thành 40.000 đồng/kg.

Sự vào cuộc kịp thời của Cục chăn nuôi, bình ổn tâm lý chủ trang trại nên lượng vật nuôi không biến đổi lớn thêm vào đó là nguồn thực phẩm từ các địa phương lân cận Hà Nội, từ phía Nam chuyển ra đủ cung cấp cho Tết Nguyên Đán sắp tới. Vì vậy giá thành hiện nay tăng nhưng mức tăng nhẹ nên vẫn chưa tác động lớn đến người tiêu dùng.

Cô Bích người bán thịt lợn tại chợ Láng Hạ cho hay: Gần đây giá thịt lợn hơi đã bắt đầu tăng, tuy nhiên giá vẫn mềm, vì tăng nhẹ nên tôi chưa nâng giá bán với khách, nâng lên mọi người sẽ kêu ngay. Có ai muốn khách của mình than thở, thắc mắc đâu nhưng nếu đầu vào tăng cao tôi vẫn phải nâng giá.

Giá thực phẩm tươi như thịt lợn, thịt bò đã rục rịch tăng nhẹ ở khâu lấy buôn, chưa tác động đến sinh hoạt của người dân. Ảnh:PT

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại Hà Nội hiện nay dao động từ 55.000 đồng/kg – 57.000 đồng/kg, nhích 1000-1500 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 8, cuối tháng 9, tuy nhiên giá thịt hơi như vậy được nhận định chưa ở mức cao, vì vậy người bán vẫn giữ nguyên giá bán lẻ cho người tiêu dùng, từ 95.000 đồng/ kg – 120.000 đồng/kg tùy từng loại thịt. Thịt bò giá bán lẻ dao động từ 160.000 đồng/kg – 250.000 đồng/kg/từng loại.

Nhìn chung giá cả mặt hàng thực phẩm ngành thịt đang tăng, nhưng mức tăng vừa phải nên người tiêu dùng chưa chịu ảnh hưởng của lần tăng giá này. “Giá tăng là theo sự biến động của thị trường lúc lên lúc xuống, chứ không thiếu nguồn cung tại thực phẩm các nơi vẫn đổ về. Vì có sự bình ổn hết rồi từ hồi đầu tháng 9, tháng 10 cơ”. Chị Hậu người bán hàng tại chợ Dịch Vọng Hậu cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhận định: Giá hàng Tết chắc chắn tăng vì nhu cầu tiêu dùng của người dân lớn, tâm lý người bán hàng muốn nâng lên kiếm thêm thu nhập trong dịp lễ lớn nhất năm. Năm nay Tết lại đến sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng nên Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng dịp Tết cho người dân.

Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ đặt hàng, mặt bằng giá có chút biến động, nhưng chưa mạnh. Nguồn cung thịt lợn của Hà Nội không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải có sự liên kết với các tỉnh phía Nam đảm bảo đủ lượng thịt cho người dân, giá thịt lợn tính đến thời điểm này đang có xu hướng tăng. Tại miền Bắc, giá giao động từ 55.000 - 57.000 đồng/kg, giá thịt tại miền Nam chỉ từ 52.000 - 53.000 đồng/kg, tuy nhiên chi phí vận chuyển hàng ra Hà Nội đã đẩy giá thịt cao bằng giá lợn hơi ngoài Bắc.

Ông cũng chỉ ra thêm, việc tăng giá trong dịp Tết là điều khó tránh khỏi nhưng Sở sẽ có nhiều phương án để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp nhất, người dân đón Tết phấn khởi hơn

Ngoài các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà có xu hương tăng giá nhẹ trong khâu đầu vào, mặt hàng khô cũng bắt đầu tăng với một vài sản phẩm như măng khô, miến … Các sản phẩm này được sử sụng nhiều và chủ yếu trong dịp Tết nên việc tăng giá chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, theo lời của tiểu thương, thời điểm này giá vẫn chưa tác động mạnh đến người tiêu dùng.

Tiểu thương Phí Lan bán đồ khô tại chợ Thành Công nói: Hàng khô đợt này tăng chưa mạnh, chỉ một vài mặt hàng có chút biến động nhỏ như măng, miến nhưng tăng giá nhập vào, người bán chịu tác động chính chứ người tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng. Giá măng khô tăng 2000 đồng/kg, miến thấp hơn chỉ 1000 đồng/kg.

Nỗi lo người tiêu dùng

Thực phẩm Tết rục rịch tăng giá, nhưng ở khâu lấy buôn, giá bán lẻ trên thị trường vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, đây không phải lý do để người tiêu dùng bớt lo lắng vì một đợt tăng giá sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Tuy chưa tác động đến sinh hoạt, nhưng giá thực phẩm tươi như thịt, rau, củ quả và hàng khô luôn là nỗi lo với người tiêu dùng Ảnh: PT

Cô Nghiêm người mua hàng tại chợ Thành Công bày tỏ: Chưa thấy có dấu hiệu tăng giá nhưng một vài tháng nữa giá sẽ bị đẩy lên vì nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết tăng mạnh, giá cao đồng lương hưu ít ỏi xoay qua xoay lại không biết nên chọn gì cho phù hợp. Hồi tháng 7, giá tăng cao quá mọi chi phí sinh hoạt đều phải tính toán chi li, cuộc sống bây giờ khó khăn thật.

Có người tiêu dùng để chống chọi với bão giá đã tiến hành đặt hàng Tết từ bây giờ. Chị Thủy ở Dịch Vọng Hậu chia sẻ: Hai vợ chồng thu nhập hàng tháng lương công chức nhà nước, nuôi con nhỏ nên cũng rất khó khăn, để tránh mua hàng Tết giá cao do nhu cầu mua sắm tăng, mình đã đặt hàng của người quen, gửi trước 50% tiền. Giảm được phần nào hay phần đấy. Nhưng đây là phương án chỉ áp dụng được với hàng khô thôi chứ thực phẩm tươi sống có tăng giá cũng đành chấp nhận, biết làm sao.

Phạm Thơm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=2793