Hàng trăm héc-ta cao su bị đốn hạ

Những vườn cao su từng giúp cho hàng trăm hộ dân di dời từ lòng hồ thủy điện trở nên khá giả ở vùng biên giới của H. Ia Grai (Gia Lai) đang bị đốn hạ từng ngày chỉ để bán... lấy gỗ. Hàng trăm héc-ta giờ chỉ còn lại vài chục héc-ta...

Một vườn cao su của người dân ở làng Mít Jép (xã Ia O) đang bị đốn hạ.

Chúng tôi có mặt tại làng Mít Jép ở xã Ia O (H. Ia Grai) chứng kiến gần cả trăm hộ dân ở khu vực này đang bán tống, bán tháo cả vườn cây cao su chỉ mới hơn chục năm tuổi. Thương lái vào tận nơi thu mua gỗ cao su với giá cao ngất ngưởng so với những năm trước. Thế nên, những vườn cao su quanh làng bị cưa hạ, đào xới cả gốc dù đây chính là những "cần câu cơm" gần 10 năm nay của họ. Cũng nhờ những vườn cây này mà những người dân làng Mít Jép xây được cả nhà to, mua được bò, có nhà còn sắm cả ô-tô. Thế nhưng, giờ đây họ bán cả những vườn cây đáng lẽ ra trong thời kỳ cho mủ sung mãn nhất... Đưa chúng tôi đi vào vườn cây cao su của người dân vừa mới bị chặt bỏ, anh Rơ Lan Beo, cán bộ địa chính xã Ia O ngậm ngùi. Những cánh vườn cao su bạt ngàn chỉ còn trơ những gốc, những cành cao su nằm vương vãi khắp nơi. Hầu hết, gỗ cao su sau khi người dân bán đã được thương lái vận chuyển gần hết. Bởi giá gỗ cao su đột ngột tăng cao, thế nên khi thương lái đặt vấn đề mua 500.000 đồng/ 1 cây, nhiều hộ dân đã không ngần ngại bán cả héc-ta để thu tiền. Họ tính đến cái lợi trước mắt mà quên đi hệ lụy về lâu dài, dù có lúc giá mủ cao su rơi xuống đáy. Cây cao su sau khi trồng phải từ 4-5 năm mới cho thu hoạch và trong suốt khoảng thời gian này, người dân sẽ không có công ăn, việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định.

Những vườn cao su này vốn là của Cty 715 và Cty 75 (thuộc Binh đoàn 15). Khi triển khai dự án thủy điện Sê San 4, 380 hộ dân người đồng bào DTTS ở các xã Ia Khai, Ia O (H. Ia Grai) có đất sản xuất trong vùng dự án bị ngập nên yêu cầu được đền bù bằng đất sản xuất nhằm có sinh kế lâu dài. Chính quyền địa phương H. Ia Grai và UBND tỉnh Gia Lai lúc đó đã nỗ lực trình Chính phủ để Binh đoàn 15 nhượng lại 397ha cao su đang vào thời kỳ khai thác cho người dân ở 2 xã trên để họ ổn định cuộc sống. Năm 2008, diện tích cao su được giao tận tay người dân. Cũng từ đó, đời sống của bà con đồng bào DTTS ở vùng biên này bắt đầu khởi sắc nhờ giá mủ cao su lên cao. Thế nhưng, giờ đây, vườn cao su chỉ còn lại đất trống, có những chỗ đã được thay thế bằng những cây điều mới trồng, có nơi vẫn ngổn ngang những gốc, cành cao su bị cắt bỏ.

Thiếu kỹ thuật và tâm lý ăn xổi khiến người dân khai thác kiểu triệt hạ những cây cao su.

Theo thống kê của UBND xã Ia O, trên địa bàn xã đã có hơn 215/237ha cao su đã bị người dân chặt bán và sự việc này đã bắt đầu xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dừng việc chặt bỏ vườn cao su để bán gỗ cho thương lái. Thậm chí, còn phải vận động cả thương lái không mua gỗ cao su từ vườn của người dân. Thế nhưng, trong vòng vài tháng qua, thương lái đặt vấn đề mua cào bằng 500.000 đồng/ 1 cây cao su nên nhiều người dân bất chấp. "Khi cán bộ xã vào tuyên truyền, giải thích, họ không những không hợp tác mà có hộ còn dọa đánh khi chúng tôi ngăn chặn việc mua, bán gỗ cao su", ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O cho hay. Trao đổi với P.V, ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND H. Ia Grai cho biết: "Từ ban đầu, chúng tôi xác định những vườn cao su trên chính là sinh kế lâu dài cho hàng trăm hộ dân ở vùng biên giới. Thế nên khi chuyển đổi mục đích đất, huyện cũng đã ghi luôn mặt sau giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho các hộ dân là không được sang nhượng, tránh tình trạng người dân bán đất sản xuất của mình. Nhưng cao su là tài sản của họ không thể cấm được. Chính quyền địa phương chỉ vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu rõ cái lợi về lâu dài mà cây cao su mang lại". Vì thế, việc ngăn chặn người dân chặt vườn cao su đang thời kỳ thu hoạch bán gỗ khó thực hiện. Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tổng diện tích cây cao su bị người dân chặt bán lấy gỗ đã lên đến 315ha (trong đó xã Ia Khai 100ha, xã Ia O 215ha), số diện tích còn lại là hơn 65ha trong tình trạng kiệt quệ vì khai thác quá mức.

Ông Rơ Châm Luen (xã Ia O, H. Ia Grai) phân trần: "Do các hộ xung quanh họ chặt bán nên mình cũng phải bán thôi! Còn mỗi vườn mình gió thổi gãy hết!". Ông Luen cũng thừa nhận do lâu nay, người dân ít chăm sóc nhưng lại khai thác mủ theo kiểu "triệt để" bằng thuốc kích thích nên cây cao su nhanh bị già cỗi và không thể tiếp tục cho mủ nữa. Điều đó thực sự đang diễn ra ở hầu hết các vườn cây của người dân đã chặt hạ. Bằng chứng là hàng loạt những cây cao su chưa kịp chặt chi chít những vết cạo từ gốc đến tận... giữa thân cây. Việc sử dụng thuốc kích thích để cây cho nhiều mủ khiến cây kiệt quệ nên người dân cạo bất cứ chỗ nào có thể cạo được để lấy mủ khiến vườn cây kiệt quệ, thậm chí không cho thu hoạch.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu UBND H. Ia Grai chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện và chính quyền 2 xã Ia O, Ia Khai tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì, bảo vệ diện tích cây cao su chưa bị chặt phá. Đồng thời, UBND H. Ia Grai tuyệt đối không được để các hộ dân sang nhượng diện tích trồng cao su đã được cấp cũng như tăng cường cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, khai thác cây cao su trên diện tích còn lại. Đối với phần diện tích đất đã chặt phá cây cao su, khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân trồng các loại cây phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống người dân.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_159094_ha-ng-tram-he-c-ta-cao-su-bi-do-n-ha-.aspx