Hàng trăm tỉ đồng đang 'kẹt' giữa ngân hàng và con nợ trây ỳ

Tại hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSĐB) của tổ chức tín dụng (TCTD)” diễn ra sáng 6.12, đại diện các ngân hàng thương mại đều “kêu” vì quy trình xử lý tài sản đảm bảo hiện nay gặp quá nhiều vướng mắc.

TS Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm bất động trong các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay trong và ngoài các vụ kiện tụng phức tạp kéo dài. Giải quyết nợ xấu giúp khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng, tăng thêm nguồn cung cho thị trường BĐS, mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế.

“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”

Đó là câu nói quen thuộc trong giới tài chính ngân hàng. Chờ đợi mòn mỏi là tình cảnh của nhiều ngân hàng khi khởi kiện con nợ. Muốn cưỡng chế tài sản phải có bản án. Các TCTD muốn tiến hành xiết nợ, phát mại tài sản phải khởi kiện khách hàng ra tòa kinh tế, tòa dân sự. PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay 90% khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, biện pháp xử lý TSBĐ (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13,91 nghìn tỉ đồng. Số liệu này cho thấy việc xử lý TSBĐ thu hồi nợ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. “Các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan”, Phó Thống đốc NHNN nói.

Đại diện một số ngân hàng cho biết vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài, gây khó khăn, thiệt hại cho ngân hàng. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian thi hành án không chỉ tốn kém chi phí mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Đình Ánh, việc các ngân hàng xử lý thành công tài sản bảo đảm để giải quyết nợ xấu không chỉ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng, mà còn giải phóng được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỉ đồng đang nằm bất động trong các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay trong và ngoài các vụ kiện tụng phức tạp kéo dài, tăng thêm nguồn cung cho thị trường BĐS, thị trường tài chính và cả thị trường hàng hóa từ việc xử lý tài sản bảo đảm, qua đó mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu được xử lý thông qua xử lý tài sản bảo đảm càng cao thì càng giảm nhu cầu đối với các nguồn lực tài chính khác dành để xử lý nợ xấu, kể cả nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Con nợ chây ỳ quay lại vu khống ngân hàng

Luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng nêu lên nhiều các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSĐB của tổ chức như quy trình tố tụng kéo dài, Tòa án từ chối thụ lý vụ án do bên bảo đảm vắng mặt khỏi nơi cư trú, cố tình bỏ trốn, cố tính giấu địa chỉ …

Ông Nguyễn Thành Long, Phó TGĐ VBPank cho biết: “Quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi, đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ”.

Một trong những ví dụ điển hình về việc con nợ cố tình chây ỳ và chủ nợ mòn mỏi đòi nợ là vụ việc xảy ra giữa Công ty CP Đầu tư ATS và VPBank với TSĐB là tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. Theo ông Nguyễn Thành Long, Công ty CP Đầu tư ATS đã vay của VPBank số tiền lớn, sau đó chây ỳ không trả nợ, lình xình từ năm 2011 đến nay. VPBank đã phải miễn giảm toàn bộ tiền lãi và hỗ trợ bằng nhiều phương thức khác nhau để các doanh nghiệp được vay vốn, phục hồi sản xuất - kinh doanh.

“Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp như Công ty ATS lại đang lợi dụng chính sách của Nhà nước và các TCTD để trục lợi, cố tình dây dưa, kéo dài việc xử lý nợ xấu, thậm chí còn tự biến mình như thể nạn nhân trước dư luận và các Cơ quan Nhà nước, truyền thông, báo chí, trong khi thực tế họ đã chiếm dụng nguồn vốn lớn của ngân hàng. Nhiều năm, VPBank không thu được 1 đồng nợ lãi và nợ gốc nào, ngay cả khi phải đưa ra tòa, có bản án của tòa, có biên bản bàn giao thì Công ty ATS vẫn vi phạm thỏa thuận, đi ngược phán quyết của tòa”.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, trong 4 năm qua, tính đến thời điểm 31.12.2015, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%. Với quy định xử lý tài sản đảm bảo như hiện nay, chẳng biết bao giờ ngân hàng mới thoát được cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” và cục máu đông nợ xấu mới đẩy đi được!

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/hang-tram-ti-dong-dang-ket-giua-ngan-hang-va-con-no-tray-y-618361.bld