Hàng trăm triệu lao động ở Đông Nam Á có nguy cơ mất việc

Khoảng 137 triệu người lao động, chiếm 56% lực lượng lao động hưởng lương từ Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ mất việc vào tay robot trong hai thập kỷ tới.

Thông tin trên Trí thức trẻ, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Lao động quốc tế ILO, khoảng hơn một nửa số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vào tay robot trong hai thập kỷ tới, đặc biệt là những người làm trong ngành công nghiệp may mặc.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khoảng 137 triệu người lao động, chiếm 56% lực lượng lao động hưởng lương từ Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, thuộc loại có nguy cơ cao.

"Các quốc gia có thế mạnh cạnh tranh về giá nhân công rẻ cần phải tái định vị lại vị thế của mình. Cạnh tranh về giá nhân công thôi là chưa đủ ", Deborah France-Massin, giám đốc văn phòng của ILO chuyên nghiên cứu các hoạt động sử dụng lao động phát biểu. Báo cáo của tổ chức này cũng chỉ ra rằng công nhân cần phải được đào tạo để làm việc hiệu quả cùng với máy móc, tự động hóa.

Đông Nam Á là khu vực có dân số khoảng 630 triệu người và là trung tâm sản xuất của một số ngành như dệt may, xe và ổ cứng.

Khoảng hơn một nửa số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vào tay robot trong hai thập kỷ tới. (Ảnh minh họa).

Khoảng hơn một nửa số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vào tay robot trong hai thập kỷ tới. (Ảnh minh họa).

Trong số 9 triệu lao động làm việc trong ngành công nghiệp dệt may, da giầy của khu vực, 64% công nhân Indonesia có nguy cơ cao về mất việc làm vì tự động hóa sản xuất trong khi đó tại Việt Nam là 96% và Campuchia là 88%.

Các nhà sản xuất hàng may mặc ở Campuchia, chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ như Adidas, Marks và Spencer và Wal-Mart Stores Inc, sử dụng khoảng 600.000 lao động

Thông tin trên Tri thức Trực tuyến, Việt Nam ghi nhận mức đầu tư kỷ lục trong lĩnh vực giầy dép và dệt may nhờ các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn, bao gồm Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là nhà cung cấp may mặc cho Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết các loại công nghệ như máy in 3D, công nghệ mặc, công nghệ nano và người máy tự động hóa… có thể gây ảnh hưởng lớn đến người lao động.

“Người máy đang tỏ ra tốt hơn, rẻ hơn con người ở các phần công việc như lắp ráp. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng hợp tác sản xuất với con người", ILO cho biết.

Các lĩnh vực dệt may, quần áo và giày dép có nguy cơ cao nhất chịu ảnh hưởng của tự động hóa trong năm ngành công nghiệp được phân tích nghiên cứu, bao gồm ôtô và phụ tùng ôtô, điện và điện tử, quy trình kinh doanh gia công phần mềm và bán lẻ.

Trong lĩnh vực xe hơi và linh kiện, hơn 60% lao động tại Indonesia và hơn 70% tại Thái Lan đối mặt với tương lai mất việc.

Đông Nam Á là khu vực sản xuất ôtô lớn thứ bảy trên toàn cầu, có hơn 800.000 công nhân vào năm 2015, theo dữ liệu được công bố trong báo cáo.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/robot-se-cuop-viec-cua-hang-tram-trieu-lao-dong-dong-nam-a-a152842.html