Hàng vạn người nô nức trẩy hội chùa Hương trong ngày khai hội

Ngày hôm qua 2/2/2016 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu), Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã chính thức khai hội và đã thu hút được hàng vạn người đến trẩy hội.

Năm nay, Lễ hội chùa Hương 2017 có khá nhiều điểm mới đáng chú ý khác. Theo đó, các nhà vệ sinh của Lễ hội chùa Hường 2017 (tại tuyến Thiên Trù – Hương Tích, cáp treo, khu vực các Đền các chùa) sẽ hoàn toàn phục vụ miễn phí khách tham quan. Các tuyến khác như: Long Vân, Tuyết Sơn, Thanh Sơn giao UBND xã Hương Sơn và các nhà chùa có trách nhiệm quản lý phục vụ khách tham quan.

Tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Lễ khai hội chùa Hương 2017

Theo đại diện BTC sẽ có 5.000 người phục vụ cho Lễ hội chùa Hương 2017 nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, trật tự cũng như tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách tham quan, trẩy hội.

Cụ thể, Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ có Tiểu ban Văn hóa – Xã hội; Kinh tế - Tài chính; An ninh trật tự; Quản lý di tích – Thắng cảnh và vệ sinh môi trường; Quản lý điều hành cổng trạm; Điều hành vận chuyển khách; Quản lý điều hành cổng trạm; Điều hành vận chuyển khách; Trạm kiểm tra thắng cảnh bến Thiên Trù, tổ kiêm tra liên ngành để phục vụ khách tham quan trong Lễ hội chùa Hương.

Dù lượng khách tham quan, trẩy hội đông nhưng năm nay không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy

Ngay trong ngày khai hội đã có hàng vạn du khách kéo về khu thắng cảnh chùa Hương tham quan, trẩy hội.

Một điểm đáng chú ý khác cho khách tham quan chính là việc giá vé trông giữ ô tô và xe máy tại Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ không đổi so với các năm trước. Cụ thể, giá vé trông ô tô từ 9 ghế trở xuống là 40.000 đồng/ngày và 60.000 đồng/đêm. Với ô tô từ 10 chỗ trở lên giá vé là 50.000 đồng/ngày và 75.000 đồng/đêm. Mức giá trông giữ xe máy là 3.000 đồng/ngày và 5.000 đồng/đêm.

Năm nay, phí tham quan thắng cảnh chùa Hương (đã bao gồm bảo hiểm) có hai loại: Vé thông thường là 80 nghìn đồng/người/lượt; Vé ưu đãi là 40 nghìn đồng/người/lượt. Giá xuồng đò tuyến Hương Tích: 50 nghìn đồng/người (vào + ra); Tuyến Long Vân, Tuyết Sơn 35 nghìn đồng/người (vào + ra). Tất cả các thông tin kể trên đều được niêm yết công khai ngay từ ngoài cổng và dọc bên đường vào khu di tích.

Tình trạng bày bán đồ chơi bạo lực, thịt thú rừng tại Lễ hội chùa Hương 2017 cũng không còn tái diễn.

Năm nay, tất cả các thông tin về giá vé tham quan, vé xuồng đò đều được niêm yết công khai ngay trước cổng và dọc lối vào khu thắng cảnh chùa Hương giúp du khách không bị bắt chẹt, "chặt chém".

Với chủ đề Lễ hội Kỷ cương – Văn minh du lịch, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 đặt mục tiêu tổ chức lễ hội tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Ngoài ra, ban tổ chức cũng xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tăng giá, ép giá, đeo bám du khách, ăn xin, trộm cắp, đảm bảo an ninh, trật tự, chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Theo thông tin từ BTC lễ hội chùa Hương ngay trong các ngày đầu xuân đã thu hút 4 -5 vạn du khách.

Trong ngày khai hội, dù lượng khách kéo về tham quan trẩy hội lên đến hàng vạn người nhưng theo ghi nhận của PV tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau đã không xuất hiện. Ngoài ra, những cảnh "chướng mắt" trước đây như treo và thịt thú rừng, bày bán đồ chơi bạo lực, chèo kéo, lợi dụng để "chặt chém" du khách đã không diễn ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho rằng để lễ hội chùa Hương được thành công, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, BTC, lực lượng chức năng thì cần phải có sự hợp tác tích cực từ phía du khách tham gia trẩy hội. "Từ ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự nơi công cộng đến chấp hành các quy định của BTC đưa ra như không đốt vàng mã trong di tích, không tàn phá cảnh quan, không vứt rác thải bừa bãi của du khách là rất quan trọng góp phần thành công của lễ hội" - ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

Khu danh thắng chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm, đây là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham gia.

Hải Nam - Hiếu Hoàng

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/hang-van-nguoi-no-nuc-tray-hoi-chua-huong-trong-ngay-khai-hoi-d107191.html