Hàng Việt bị điều tra phá giá: Phụ thuộc hàng Trung Quốc?

Còn đi theo lối cũ, doanh nghiệp Việt không thể phát triển, sản phẩm sản xuất ra sẽ dần dần bị thay thế và tẩy chay.

TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nói.

Nguy cơ bị thay thế, tẩy chay

Hàng loạt những sản phẩm xuất khẩu từ tôn, thép, gỗ dán và giờ tới lượt tủ dân dụng của Việt Nam cũng đã và đang trước nguy cơ bị Mỹ kiện chống phá giá cùng với hàng Trung Quốc.

Mỹ kiện chống phá giá vì nghi thép Trung Quốc gắn mác thép Việt. Ảnh minh họa

Lý giải hiện tượng trên, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết đó là động thái rất bình thường. Phía Mỹ đã nói thẳng, quyết định kiện sản phẩm của Việt Nam cũng do nghi ngờ các sản phẩm là hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam để đưa vào thị trường nước này.

"Đây là lời cảnh cáo cho Việt Nam, nếu còn tiếp tục đi theo con đường nhập về gia công rồi xuất đi" - vị chuyên gia nói.

Theo ông Hùng, cánh cửa xuất khẩu cho những sản phẩm đi theo lối tư duy lười biếng, chọn đi dễ, khó bỏ, chủ yếu tập trung vào gia công sẽ ngày càng bị thu hẹp. Đó là hướng đi không bền vững.

Dẫn chứng cho cảnh báo trên, vị chuyên gia cho biết các vụ kiện bán phá giá không chỉ xảy ra với các nước Mỹ, Ấn Độ, EU là những thị trường xuất khẩu hàng chủ lực của Việt Nam nữa. Hiện đã thêm một số quốc gia theo đuổi các vụ kiện hàng Việt Nam, như: Ca-na-đa, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ba Lan, Colombia, Pêru,…

Đáng lo ngại là tại các nước mà hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, cũng đã bắt đầu xảy ra các vụ kiện hàng hóa của chúng ta, như Pêru và Colombia.

Theo ông Hùng, động thái trên cho thấy, sản phẩm của Việt Nam đang bị "soi" rất kỹ. Từ vết chàm của một loại sản phẩm, bị điều tra ở một thị trường nay đã bị điều tra ở nhiều loại mặt hàng, với nhiều sản phẩm và ở nhiều thị trường khác nhau. Và đa số những vụ kiện trên đều có sản phẩm liên quan tới hàng hóa Trung Quốc.

Vì sản phẩm được gắn mác của Việt Nam để xuất khẩu, nên vấn đề không đơn giản là uy tín của một thương hiệu mà còn là uy tín thương hiệu của cả một quốc gia.

Khi các sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu đi đều bị điều tra, lập tức sẽ tạo hiệu ứng không tốt và khiến các quốc gia khác cũng đề phòng theo. Đến khi đó, doanh nghiệp Việt có thay đổi, muốn làm ăn đàng hoàng thì những sản phẩm tạo ra cũng khó có cửa đưa được sản phẩm vào các thị trường cũ.

Khó giải quyết vì vướng lợi ích

Về phía doanh nghiệp, ông Hùng cho biết, do trình độ, điều kiện phát triển hạn chế, doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư cho phát triển và nghiên cứu sản phẩm.

Quan trọng hơn cả là sự phụ thuộc rất nặng nề từ cả nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra.

"Đầu tư phát triển và nghiên cứu sản phẩm hạn chế, các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn tụt hậu, trong khi năng lực điều hành quản trị còn yếu kém, nguyên liệu đầu vào bị phụ thuộc... sản phẩm tạo ra không cạnh tranh được. Doanh nghiệp Việt không còn lựa chọn nào tốt hơn là phải nhập nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc về để gia công", ông Hùng nói.

Về phương diện quản lý, ông Hùng nói thẳng có trách nhiệm của phía các cơ quan nhà nước.

"Ngành công nghiệp Việt Nam phát triển có ngọn nhưng không có gốc. Tôi lấy ví dụ, như TP.HCM, trong chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp có đặt ra yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, chế biến lương thực, thực phẩm… và đã xây dựng những hạt nhân cho sự chuyển dịch như khu công nghệ cao, khu công viên phầm mềm…

Tuy nhiên, khi hỏi đến sản phẩm công nghiệp nào đặc trưng thì chúng ta không trả lời được. Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo cũng như những nhà hoạch định chính sách vẫn chưa xác định được thế mạnh của mình là gì và ưu tiên phát triển cái gì?

Chính vì không xác định được tiềm năng thế lực nên nguồn lực bị phân tán", ông Hùng nói.

"Ngay cả với định hướng phát triển ngành dệt may. Từ 10 năm trước tôi đã nghe có chủ trương thành lập trung tâm nghiên cứu thiết kế phụ liệu cho ngành may mặc, nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy hình hài của trung tâm này ở đâu", ông Hùng nói ngay, khâu nào cũng đang có vấn đề.

Hàng Việt lại bị điều tra phá giá cùng hàng Trung Quốc

Ông Hùng nói rõ, về phía các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định lại vai trò trong việc định hướng sản xuất và bảo vệ hàng hóa Việt Nam.

Cụ thể là định hướng trong quy hoạch và các kế hoạch. Định hướng thông qua các hoạch định chính sách. Trong đó, nhà nước cần xác định ngay những việc cần làm cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần có giải pháp cách ly những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, tạo ấn tượng xấu trong thời gian qua.

Thứ hai, đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, thông qua các kế hoạch sản xuất cụ thể.

Thứ ba, điều chỉnh các chính sách tài chính, tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn nhằm phát triển, mở rộng nhu cầu sản xuất.

Thứ tư, phải có giải pháp loại trừ triệt để tình trạng hàng hóa Trung Quốc nhập lậu, tràn vào rồi gắn mác sản phẩm Việt Nam để xuất khẩu đi.

"Sở dĩ còn tồn tại những hạn chế trên là do vấn đề lợi ích. Tình trạng này không được ngăn chặn thì sớm muộn sản phẩm Việt cũng sẽ chết", TS Đinh Sơn Hùng nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/hang-viet-bi-dieu-tra-pha-gia-phu-thuoc-hang-trung-quoc-3334638/