Hàng Việt trầy trật tìm cách “lọt cửa” chợ Đồng Xuân

BizLIVE - Doanh nghiệp Việt còn chưa nắm bắt trúng tâm lí người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc có cách tiếp thị hàng hóa tốt mà doanh nghiệp Việt cần học hỏi.

Hàng Việt dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn khó đánh bại hàng Trung Quốc ở những chợ bán sỉ Đồng Xuân, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Đó là những lí do mà nhiều tiểu thương đưa ra khi lý giải tình trạng: Vì sao hàng Việt phải “trầy chật” để vào chợ Đồng Xuân.

Chia sẻ tại Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp hàng Việt và tiểu thương chợ Đồng Xuân, bà Đặng Thị Yến, Hộ kinh doanh hoa quả khô tại Chợ Đồng Xuân cho rằng: doanh nghiệp Việt chưa nắm bắt được tình hình kinh doanh thực tế của các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân.

Bà Yến đưa ra ví dụ: các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân muốn nhập giày của Công ty Giày Thượng Đình. Nhưng công ty này lại yêu cầu doanh nghiệp phải mua mấy trăm đôi giày cho mỗi đơn hàng, trong khi nhà kho của tiểu thương thì không đủ diện tích để chứa sản phẩm.

Ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc lại sẵn sàng giao hàng với số lượng ít và khâu tiếp thị giới thiệu sản phẩm của họ với tiểu thương cũng được làm rất tốt.

Một hạn chế khác của doanh nghiệp Việt cũng được các tiểu thương chỉ ra đó là việc doanh nghiệp chưa có chiến lược hợp tác kinh doanh dài hạn với các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân.

Theo các tiểu thương, doanh nghiệp Việt cần phải nghiên cứu kỹ tâm lý của người tiêu dùng: hàng phải rẻ, chất lượng tốt, dịch vụ hoàn hảo. Nắm bắt được nhu cầu này thì thị trường nào doanh nghiệp cũng có thể chiếm lĩnh được.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần đưa hàng hóa đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm để các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân xem xét, tìm hiểu. Từ những cuộc tiếp xúc này doanh nghiệp sẽ có thể sẽ tạo được cơ hội hợp tác với tiểu thương tại chợ thông qua các biên bản ghi nhớ.

Về phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp sản xuất giày da Phú Yên cho biết: đơn vị của họ thuộc làng nghề với 500 cơ sở sản xuất, một ngày có sản lượng mỗi đơn vị lớn có thể lên tới 1000 đôi giày. Tuy nhiên, mẫu mã mới nhất của cơ sở này lại ra tới những điểm bán khác; còn khi ra đến chợ Đồng Xuân thì phải mất 4-5 tháng.

Lí giải sự việc này, đại diện doanh nghiệp cho rằng: thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp làng nghề, Bộ Công Thương chưa xây dựng được cơ chế riêng dành cho những làng nghề chuyên sản xuất hàng Việt.

Chợ Đồng Xuân là một chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, có khả năng đã phân phối hàng hóa đi nhiều nơi trên cả nước.

Theo ông Đỗ Xuân Thủy- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, tỷ trọng bán lẻ của chợ Đồng Xuân chiếm đến 30-40% của thị trường bán lẻ của Hà Nội, với 2.000 hộ kinh doanh nhiều nhóm ngành hàng như tạp phẩm hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, lưu niệm quà tặng, nông sản thực phẩm, ngành hàng ăn uống…

Lượng hàng hóa ra vào chợ Đồng Xuân mỗi ngày từ 10 - 20 tấn, doanh thu ước tính trên 500 triệu/ tháng. Tuy là kênh phân phối nhỏ lẻ nhưng theo ông Thủy tiềm năng kinh doanh của chợ Đồng Xuân còn rất lớn.

Ông Thủy cho rằng: hiện các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân vẫn gặp phải khó khăn lớn đó là, tự tìm kiếm nguồn hàng đầu vào, thông qua các đầu mối trung gian, các làng nghề, doanh nghiệp.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp Hội các nhà Bán lẻ Việt Nam cho biết: cách đây 3 năm, đã có một cuộc tọa đàm giữa tiểu thương và doanh nghiệp với chủ đề “Vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh tại chợ truyền thống” nhằm tìm kiếm các giải pháp đưa hàng Việt vào kinh doanh tại chợ Đồng Xuân.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trước sự lo ngại đánh mất thị trường nội địa của nhiều doanh nghiệp Việt, bà Loan cho rằng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ hàng Việt vào chợ Đồng Xuân nói riêng và các chợ truyền thống nói chung nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước, và người tiêu dùng; tránh việc các hàng nhập khẩu kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu, phá vỡ hoạt động của thị trường Việt Nam.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/hang-viet-tray-trat-tim-cach-lot-cua-cho-dong-xuan-359176.html