Hành động để đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống

Khi lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên trên hết thì sẽ xóa dần lợi ích nhóm, cục bộ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những triển vọng mới từ Đại hội XII của Đảng, GS Võ Đại Lược (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cho hay Đại hội XII đã có những tiến bộ quan trọng. Cụ thể, trong báo cáo của Trung ương XI về những tư tưởng, nội dung cốt lõi của các văn kiện trình Đại hội XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát quyền lực; đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm để lựa chọn người thực tài cho đất nước… Văn kiện Đại hội XII cũng đã xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế… Có một điểm rất đáng chú ý nữa, dù vẫn coi kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XII đã coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Lần đầu tiên điều này được ghi trong văn kiện.

Hiện đại và hội nhập quốc tế

. Phóng viên: Những điểm mới này, theo ông, sẽ tác động tích cực thế nào tới sự phát triển tới đây của nước ta?

+ GS Võ Đại Lược: Nếu Đảng thực hiện được những điểm tiến bộ nói trên, tôi cho rằng xã hội sẽ có những chuyển biến căn bản. Chẳng hạn đối với việc thu hút nhân tài, Đảng sẽ công khai hóa tiêu chí, quy trình bổ nhiệm cán bộ. Đây là một trong những bước đầu tiên của việc kiểm soát quyền lực, vì cơ chế này sẽ cho phép tuyển dụng nhân tài vào bộ máy công quyền. Từ đây chúng ta có quyền hy vọng vào cơ chế tốt, chính sách tốt sẽ được tạo ra; bản thân cơ chế giám sát cũng vì thế mà tốt lên mỗi ngày.

Với định hướng kinh tế thị trường XHCN hiện đại và hội nhập quốc tế thì việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc của kinh tế thị trường cũng sẽ cởi bỏ được những ràng buộc kìm hãm sự phát triển. Sự bình đẳng giữa kinh tế nhà nước và tư nhân sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế bứt phá. Và nếu vận hành nền kinh tế thị trường XHCN hiện đại và hội nhập cũng sẽ tiến tới xóa bỏ những cơ chế lạc hậu trong điều hành, quản lý, kìm hãm phát triển bấy lâu nay.

. Như ông từng đề cập, cơ chế xin-cho vẫn đang là một lực cản lớn đối với quốc gia?

+ Tôi hy vọng những quan điểm tiến bộ sẽ được thực thi. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn còn có những lực cản. Khi chúng ta thực hiện cơ chế thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập thì sẽ triệt tiêu những nhóm lợi ích đến một mức độ nhất định. Tất nhiên khi thực thi cơ chế này, chúng ta sẽ gặp phải những phản ứng từ những nhóm lợi ích.

Những lãnh đạo của Đảng tới đây phải đối mặt với các nhóm lợi ích, vốn dung dưỡng cho những cơ chế cũ tồn tại. Muốn thế cần phải chọn lựa được những con người thực sự có tâm huyết, tài năng vào các vị trí lãnh đạo nhà nước để phục vụ đất nước. Những người coi lợi ích quốc gia là trên hết mới xứng đáng gánh vác trọng trách đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Khi những người coi lợi ích quốc gia là trên hết thì mới có thể tạo ra được những cơ chế để hạn chế, tiến tới triệt tiêu lợi ích nhóm vốn đang làm cho đất nước chưa thể phát triển như mong muốn của toàn dân.

Những triển vọng mới từ Đại hội XII sẽ đưa đất nước bứt phá trong thời gian tới. ảnh: Đinh Điền

Sẽ phát triển nhanh hơn, thực chất hơn

. Vậy việc đầu tiên cần phải làm để tận dụng được những điểm tiến bộ mà văn kiện đặt ra là gì, thưa ông?

+ Cần phải yêu cầu thể chế hóa các quan điểm tiến bộ của đại hội để đưa nó vào thực tiễn. Cụ thể, Quốc hội phải nâng cao vai trò trong vấn đề này. Nhất là thể chế hóa vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để mang lại hiệu quả thực sự; và thể chế hóa nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế để tạo ra động lực thực sự cho nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn hội nhập mạnh hiện nay.

. Với những triển vọng mới từ Đại hội XII của Đảng, ông có kỳ vọng hay hy vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ của đất nước ra sao?

+ Đại hội XII đã có những quan điểm và định hướng tiến bộ, tạo cơ sở cho công cuộc đổi mới mà nhiều đại biểu đã đề cập tại đại hội. Tôi cho rằng cùng những cơ sở này, quá trình hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do - FTA, nhất là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP sẽ tạo thêm một sức ép nữa để công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được thực hiện một cách quyết liệt. Khi yêu cầu đổi mới từ xã hội và nhận thức rõ ràng về đổi mới của các cấp lãnh đạo gặp nhau, đất nước sẽ bước vào một giai đoạn phát triển nhanh hơn và thực chất hơn.

. Xin cám ơn ông.

Hãy hành động mạnh mẽ!

Điều cần thiết nhất đối với Đảng hiện nay là phải hành động. Đường lối, chủ trương, định hướng… đã được thể hiện rõ trong các văn kiện đại hội. Những điều đó phù hợp với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Làm sao để những chủ trương, định hướng đó đi vào cuộc sống, mang lại sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, đó là nhiệm vụ nặng nề mà Đảng phải thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Bắt đầu từ bây giờ, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Đảng cần nâng cao vai trò tiên phong và năng lực sáng tạo của mình trong công cuộc đổi mới và thích nghi với tình hình thế giới mới đầy biến động. Không thể có thành công nếu chúng ta không quyết tâm và thể hiện quyết tâm ấy bằng những hành động cụ thể. Tôi mong rằng những gì Đại hội XII đã chỉ rõ sẽ được toàn Đảng thực hiện bằng ý chí cao nhất, bằng tâm thế “toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, như Bác Hồ đã nói.

Chỉ có tinh thần phục vụ nhân dân và quyết tâm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu mới làm cho Đảng hoàn thành vai trò của mình như đã được ghi trong Hiến pháp rằng: Đảng là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…”.

TS LƯU BÍCH HỒ, nguyên Viện trưởng
Viện Phát triển chiến lược, Bộ KH&ĐT

CHÂN LUẬN thực hiện

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/thoi-su/chinh-tri/hanh-dong-de-dua-chu-truong-cua-dang-vao-cuoc-song-610620.html