Hành lang pháp lý cho kinh doanh hàng hiệu tái chế

(TBKTSG) - Một công ty thời trang đa quốc gia chuyên về hàng xa xỉ cứ lâu lâu lại thấy có nguồn hàng mang nhãn hiệu của công ty được tung ra thị trường mà không do công ty phân phối. Điều đáng nói đây không phải hàng nhái mà là hàng thật 100%. Lần theo các đầu mối, công ty tìm ra được cửa hàng bán sản phẩm trên. Cửa hàng cũng chẳng ngần ngại xác nhận là chính họ bán các sản phẩm hàng hiệu đó, nhưng là hàng tái chế, sửa chữa từ hàng hiệu cũ. Công ty muốn kiện cửa hàng nhưng loay hoay mãi chưa tìm ra cơ sở pháp lý để khởi kiện.

Nguyễn Thị Hồng Hoa (*)

Câu hỏi đặt ra là liệu có thể tái chế hoặc sửa chữa và bán hàng gắn nhãn hiệu của người khác không?

Pháp luật Việt Nam cho phép

Dịch vụ tái chế hàng hiệu không chỉ là những gánh ve chai hoặc đồng nát truyền thống mà đã trở thành một ngành kinh doanh “ngon ăn”. Xuất phát từ ý tưởng tiết kiệm nguyên vật liệu, tập trung vào giá trị cơ bản của sản phẩm, thậm chí là bảo vệ môi trường, người ta sửa chữa, tái chế sản phẩm (thường là hàng hiệu nổi tiếng) đã qua sử dụng rồi bán lại để kiếm lời dựa trên uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu. Những sản phẩm tái chế nhắm đến phân khúc thị trường bình dân - những người tiêu dùng mong muốn sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu uy tín nhưng giá cả phải chăng mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Về pháp lý, theo Thông tư 37 ngày 27-12-2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tái sử dụng, sửa chữa, tái chế sản phẩm, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu là hợp pháp, trừ khi việc đó gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại của sản phẩm, nhất là nếu trên sản phẩm đã có thông báo rõ ràng về sản phẩm, bao bì sản phẩm được tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và đã loại bỏ các dấu hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại của sản phẩm.

Dĩ nhiên là sẽ có những vấn đề kỹ thuật cần bàn, ví dụ như hiểu thế nào là “nguồn gốc thương mại” của sản phẩm, nhưng theo quy định trên, về cơ bản là việc sửa chữa, tái chế sản phẩm, bao bì mang nhãn hiệu được bảo hộ là không trái luật, nhưng phải ghi chú việc tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế.

Kiếm lợi nhờ “gót chân Achilles” của nhãn hiệu lớn

Vậy dựa vào đâu mà luật cho phép tái sử dụng, sửa chữa, tái chế hàng hiệu? Điểm mấu chốt là quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với sản phẩm đã bán ra thị trường đã được khai thác hết hay chưa.

Về vấn đề này, điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu nhãn hiệu không có quyền cấm người khác lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc đại lý bán ra. Nghị định 103/2006/NĐ-CP cũng giải thích tương tự. Khi đã bán hàng hóa ra thị trường, chủ sở hữu đã được hưởng lợi nhuận từ sản phẩm, nói cách khác, quyền khai thác thương mại sản phẩm của họ đã thực hiện hết và họ hết quyền đối với sản phẩm đó. Như vậy, đối với nhãn hiệu, Việt Nam áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế. Điều này đồng nghĩa khi sản phẩm được bán ra tại bất kỳ thị trường nào trên thế giới, tất cả quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm này đã được khai thác hết, chủ sở hữu nhãn hiệu không còn quyền định đoạt hay kiểm soát sự lưu hành sản phẩm này nữa.

Với quy định của pháp luật hiện hành, có thể hiểu người mua sản phẩm tại thị trường Việt Nam có quyền kinh doanh hàng hóa đã qua sửa chữa, tái chế với điều kiện là không làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hàng hóa nguyên gốc và hàng hóa đã sửa chữa. Ví dụ, một quả bóng đánh golf nhập khẩu đã qua sử dụng được tân trang lại bằng cách tháo lớp vỏ bên ngoài, sơn, dán hoặc phủ lớp vỏ mới và có ghi chú rõ ràng trong vỏ hộp là bóng “đã qua sử dụng” thì được kinh doanh hợp pháp trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ đang ủng hộ hoạt động kinh doanh hàng hóa đã qua sửa chữa, tái chế. Hơn thế, nó có thể là một thị trường ngách cho các doanh nhân nhanh nhạy trên thị trường.

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/114297/