Hạnh phúc, đắng cay quanh tiền thưởng cho những 'cô gái vàng' và chuyện bây giờ mới kể

Sau mỗi kỳ SEA Games thành công, vấn đề tiền thưởng của các cô gái vàng lại được báo chí mổ xẻ. Dưới đây là bài viết của cựu tuyển thủ nữ Ngọc Châm cho Saostar, ghi lại những câu chuyện vui buồn liên quan tới tiền thưởng mà cô được mắt thấy, tai nghe.

Tuyển nữ Việt Nam giành vàng SEA Games 29 sau trận thắng 6-0 trước Malaysia.

Mỗi kỳ SEA Games kết thúc, bóng đá nữ lại mang vinh quang về cho nước nhà, các cầu thủ lại vui phơi phới vơi những chiến tích mình đạt được. Vui vì những nỗ lực cả năm trời của các em gặt hái được thành quả xứng đáng.

Vui vì dù gì thì cuối năm mình cũng có được một khoản thưởng kha khá. Người thì dùng số tiền đó để sửa sang lại căn nhà cho bố mẹ, người thì tự thưởng mua cho mình một cái xe máy mới, người thì cầm số tiền thưởng để lo học trả nợ, cũng có người dùng số tiền đó để tích lũy vốn liếng cho riêng mình sau này hoặc có người đầu tư mua một mảnh đất nho nhỏ.

Tiền thưởng SEA Games giúp các nữ tuyển thủ nâng cao đời sống.

Trăm kiểu dành tiền của các nữ cầu thủ mà tôi được biết ,và tôi biết họ trân trọng từng đồng tiền kiếm được từ chính mồ hôi nước mắt của họ.

Tôi biết một người em người đồng nghiệp từng thi đấu với tôi ở đội tuyển Quốc gia. Năm 2009 khi đội tuyển giành HCV SEA Games tại Lào, cũng như các cầu thủ khác trong đội, em háo hức cầm trên tay những đồng tiền mình kiếm được mà nước mắt lưng chòng.

Cựu tuyển thủ bóng đá nữ Ngọc Châm.

Tôi hỏi em sao lại khóc, sao lại buồn vậy khi được nhận thưởng SEA Games? Em bảo với tôi rằng gia đình của em ở quê (Đông Anh, Hà Nội) hoàn cảnh khó khăn lắm, em biết vậy nên cuộc sống hàng ngày cũng chi tiêu tằn tiện chỉ chờ có tiền thưởng này để lo cho gia đình .

Nhưng niềm vui từ tiền thưởng nhận được còn chưa nguôi, thì nỗi lo lại ập đến, vì với số tiền ấy em vẫn chưa lo được cho bố mẹ, gia đình mình thì những người xung quanh cứ tưởng số tiền lớn lắm lại ngỏ lời muốn chia sẻ mỗi người, một ít với đủ những lý do khiến em chẳng vui nổi khi cầm tiền.

“Em thân làm con út trong nhà khi có tiền lại không thể bỏ rơi anh chị em mình được” – nói tới đó e khóc. Tôi thương em lắm chẳng biết động viên như thế nào chỉ mong em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi bảo với em: “Số tiền thưởng đó cũng nên tự thưởng cho mình mua lấy 1 cái xe máy để có phương tiện mà đi lại, còn đâu khó khăn sẽ lại cố ở kỳ SEA Games sau vậy!”.

Và còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn khác họ chỉ mong mỗi năm có 1-2 giải đấu như SEA Games để có thể giúp đỡ được gia đình bố mẹ được phần nào. Nhưng mà bóng đá nữ liệu có được bao nhiêu cái SEA Games để có thể khỏa lấp hết những nỗi lo?

SEA Games 29 vừa kết thúc, đội tuyển nữ lại mang về vinh quang cho nước nhà, lần này em cũng góp mặt trong thành phần của đội tuyển, và có lẽ em cũng sẽ khóc, khóc vì niềm vui có thể giúp đỡ gia đình mình. Nhưng em cũng sẽ như những cầu thủ nữ khác lại cũng sẽ đối mặt với những câu hỏi: “Được thưởng bao nhiêu, chắc nhiều lắm nhỉ, nghe đâu cả đội 4-5 tỷ đồng cơ mà?”

Vâng đó luôn là thực trạng mà các em phải đối mặt , nhưng cũng mong mọi người hiểu rằng số tiền nghe thì khổng lồ đó không phải chỉ chia cho 1-2 người mà có những mấy chục con người. Thành công đến từ tập thể thì lẽ dĩ nhiên khi có thành quả thì nó cũng sẽ được chia đều cho tập thể đó. Mỗi cá nhân nhận lại được cũng không nhiều lắm để đủ có thể đổi đời, bởi mỗi cầu thủ nữ đến với bóng đá đều phải hy sinh rất nhiều, với mức lương chỉ 3-4 triệu đồng/ tháng.

Nhận được thưởng là vui lắm nhưng vui hơn hết các em đã làm được những điều mà các em tưởng chừng như không thể làm được và vui hơn nữa khi các em được xã hội biết đến, khi các em được người hâm mộ ghi nhận , nhà nươc ghi nhận , chủ tịch nước tới thăm, động viên, điều đó mới đáng quý và tự hào .

Đời cầu thủ ngắn lắm, mà nữ cầu thủ lại càng ngắn và bạc hơn, sau khi nghỉ đá bóng họ sẽ chẳng có gì khi nhan sắc thì tàn phai sức khỏe cũng sẽ suy giảm vì những chấn thương , rồi đến một mảnh tình vắt vai cũng không có. Mà có thì lại cũng không được trọn vẹn.

Rồi khi nghỉ đá bóng không phải ai cũng có thành tích cao để được tạo công ăn việc làm ổn định, không phải ai cũng ở đỉnh vinh quang khi giã từ sân cỏ. Họ cần được ghi nhận những năm cống hiến đó chứ không chỉ những lúc vụt sáng và sau đó lại dần quên vào dĩ vãng. Phụ nữ vất vả là thế . Và phụ nữ đi đá bóng càng vất vả hơn.

Vậy hãy dành cho họ những sự trân trọng nhất định , hãy tạo cho họ những công ăn việc làm ổn định , hãy cho họ một đầu ra để họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho thể thao nước nhà , và đó là những gì những nữ cầu thủ họ luôn mong đợi và cá nhân tôi luôn mong đợi.

Đỗ Thị Ngọc Châm - Thương Thương

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/tien-thuong-bong-da-nu-va-chuyen-bay-gio-moi-ke-1543869.html