Hạnh phúc 'nhuốm bệnh' sau 4 tháng

TP - Sau 6 năm hẹn hò, cưới nhau chưa đầy 4 tháng, cô nữ sinh báo chí Hà Thị Hằng (SN 1986, số 3, khu 4, thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hóa) bàng hoàng vì chồng phát bệnh suy thận nặng. Kể từ đó đôi vợ chồng trẻ sống trong nỗi sợ hãi cái chết chia lìa đã gần 4 năm nay. Hà Thị Hằng và chồng, Hà Đình Chiến. ảnh: lưu trinh.

Hà Thị Hằng và chồng, Hà Đình Chiến. ảnh: lưu trinh.

Chưa quen cảm giác làm vợ

Suốt buổi nói chuyện với Hằng ở phòng trọ làng Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), Hằng luôn nhắc đến chồng bằng từ ngồ ngộ “lão Chiến”. Hằng bảo, ở nhà chồng cũng thường gọi mình bằng từ ngộ không kém: “Tèo”. Với Hằng, đó là những lời yêu thương mà cả hai vợ chồng đều rất thích. “Mộc mạc, chân thành thế thôi nhưng mà ấm áp và hạnh phúc lắm”, Hằng nói.

Hằng và anh Hà Đình Chiến, SN 1982 quen nhau từ thời Hằng học cấp 3, thông qua chương trình Văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hằng là cô gái cá tính, đặc biệt yêu thơ. Thơ của Hằng sáng tác thường được chọn đọc trong chuyên mục “Trang viết đầu tay" của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi ấy anh Chiến đang đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở sân bay Đà Nẵng. Cảm Hằng từ những vần thơ ngọt ngào, Chiến viết thư làm quen. Thư qua thư lại, tình yêu dần chớm nở.

Hằng vào đại học (khoa Báo chí, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội), Chiến ra quân cũng chọn theo học một trường Cao đẳng ở Ninh Bình. Xa xôi, nhưng tình yêu hai người vẫn được thắp lửa qua những cánh thư. Tốt nghiệp đại học, tạm gác lại những dự định còn dang dở, Chiến và Hằng quyết định kết hôn, sau 6 năm hẹn hò.

Sau ngày cưới không lâu, anh Chiến béo lên trông thấy, da căng lên như người bị bệnh phù. Linh tính về điều chẳng lành, Hằng đưa chồng đi khám, thì nhận tin sét đánh: chồng bị suy thận độ 4. Anh Chiến lập tức được nhập viện, bắt đầu chuỗi ngày chống chọi với căn bệnh quái ác. “Tôi bị sốc. Bởi thời gian hạnh phúc của hai vợ chồng quá ngắn ngủi. Mới 4 tháng bên nhau, mình còn chưa quen được cảm giác là đã lấy chồng, bạn bè cũng chỉ 2 đứa thân biết”, Hằng cho biết.

Quên vợ, sợ hãi cảnh chia lìa

Do cơ thể yếu nên trong quá trình chữa bệnh, không ít lần, anh Chiến rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, huyết áp nhảy vọt, gây co giật, ho ra máu, dịch tràn màng phổi. Anh từng rơi vào tình trạng cấm khẩu, mất nhận thức. “Đang ngồi ăn cơm, anh ấy bảo: “anh quên mất cách cầm đũa rồi”. Tưởng đùa, ai ngờ anh cứ lóng ngóng không làm sao đưa cơm vào miệng được”, Hằng kể lại. Những ngày tiếp theo anh quên bặt mọi thứ, quên luôn cả vợ, chỉ nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do mẹ và vợ giúp. Thậm chí, nửa đêm còn gào thét khiến cả nhà hoảng sợ. “Tôi phải ôm anh, vỗ vỗ, à ơi ru như một đứa trẻ anh mới chịu nằm yên” - Hằng tâm sự. Sau lần cấp cứu suýt chết ấy anh Chiến cũng tỉnh táo trở lại.

Sau hơn một năm cùng chồng lăn lê ở bệnh viện, bao tiền của trong nhà lần lượt đội nón ra đi, không còn cách nào khác, Hằng đành lòng để chồng ở quê nhà, cầm tấm bằng cử nhân một mình ra Hà Nội kiếm việc để đỡ đần chồng. Nhưng ra được một tuần, Hằng nhận được điện thoại của chị chồng: “Em về nhanh đi, chắc Chiến không qua khỏi đợt này”. Tức tốc bắt xe về thẳng bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, thấy chồng nằm thiếp giữa đống dây rợ loằng ngoằng, tim Hằng đau nhói. Tuy nhiên, điều khiến Hằng đau đớn đến choáng váng là chồng quên mất mình. “Thấy tôi, anh cứ sợ sệt, mếu máo bám vào người mẹ như một đứa trẻ. Mẹ anh phải vỗ về giải thích rằng, tôi là vợ anh, mất một lúc định thần anh mới nhớ ra ôm chầm lấy tôi. Lúc đó, trong tôi chỉ có một tình thương yêu anh vô hạn”, Hằng kể lại.

Hóa ra, khi Hằng ra Hà Nội, ở nhà hàng xóm dèm pha, tưởng Hằng bỏ đi luôn nên anh sốc. Hằng bảo, anh ấy không sợ chết mà chỉ sợ duy nhất một điều là Hằng bỏ anh đi. Nhưng khi hiểu được tấm chân tình của Hằng, nhiều lúc anh Chiến khuyên Hằng đi tìm hạnh phúc mới, Hằng chỉ tếu táo: “Đợi đến lúc em 30 tuổi, nếu em không giúp được gì cho anh thì em sẽ tính con đường khác. Nói thế, chứ mình biết trong sâu thẳm trái tim lão, chỉ sợ mất mình thôi”, Hằng nói.

Cháy bỏng những khát khao

Hiện tại, Hằng đang là phóng viên cho một tờ báo điện tử ở Hà Nội. Giờ anh Chiến cũng mạnh mẽ hơn, ở nhà cùng người mẹ già Lê Thị Quý, anh tự bắt xe buýt đi 40 km đến bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chạy thận. Mỗi tháng anh ra Hà Nội thăm vợ một lần. Thương con, bà Quý quyết định cho con trai quả thận của mình với ước mong giúp Chiến trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác. Thế nhưng, điều mong ước ấy trở nên quá xa vời khi chi phí phẫu thuật lên tới gần 300 triệu đồng. “Gia đình không xoay đâu ra. Tài sản lớn nhất là mảnh đất nhỏ dưới chân đê của gia đình rao bán hơn hai năm trời vẫn chưa có người mua”, bà Quý tâm sự.

Để kiếm thêm tiền chữa bệnh, vừa rồi, anh Chiến vay tiền mua hai con bò. “Thi thoảng, anh gọi điện khoe, anh chăm mát tay, bò nhanh lớn lắm; hay anh đi bộ từ bến xe buýt vào bệnh viện tiết kiệm được 20 nghìn đồng tiền xe ôm, nghe mà thương lắm”, Hằng nói rơm rớm nước mắt.

Trước tới giờ, Hằng giấu kín chuyện riêng, âm thầm làm lụng và ít giao lưu với bạn bè. Hằng sợ mọi người biết chuyện sẽ nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. Nhưng giờ, Hằng chia sẻ câu chuyện riêng của mình. “Có người bạn bảo tôi, nếu bạn kêu gào lên mà có người ra tay cứu giúp chồng bạn thì bạn hãy cứ làm đi. Và tôi làm theo lời người bạn đó. Tôi chấp nhận làm tất cả miễn sao cứu giúp được chồng mình. Khao khát về tổ ấm với những tiếng cười con trẻ chưa bao giờ tắt trong vợ chồng chúng tôi”, Hằng nói.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/639754/hanh-phuc-nhuom-benh-sau-4-thang-tpp.html