Hành trang phát triển có gì?

Chuyện trộn săm xe vào lạc xay để ép dầu, chỉ đơn giản theo suy nghĩ của người có máy là cho máy chạy trơn, nhanh, đỡ tốn điện. Tôi tin là ông chủ “cơ giới hóa nông nghiệp tự do” này chưa tới tầm nghĩ đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng ngàn lít dầu lạc sau khi ép đã bị đóng cặn, không thể sử dụng do bị trộn săm xe. Ảnh: NLĐ

>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & đời sống số 16

Cũng như người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật vào rau quả, hoặc người bán hàng tẩm ướp chất bảo quản vào thực phẩm, thịt nọ biến thành thịt kia… cũng nhiều người chưa tới tầm như vậy.

Khoan hãy nói động cơ, trước tiên những chuyện hằng ngày dư luận lên án khá gay gắt đều là sự thật, nhưng là sự thật nhìn theo kiểu chụp ảnh phát nhanh. Một người nói, trăm người hòa theo, các nhà nọ nhà kia lên diễn đàn phân tích khoa học, tác hại của “ăn bẩn”. Cuối cùng thì chức năng vào cuộc, cùng lắm thì bắt giữ, hủy, phạt. Rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn như hôm qua, hôm kia và xưa nay vẫn thế. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, triệt để, tất cả sẽ là chiếc đèn cù (đèn kéo quân) cứ đuổi nhau vòng tròn mà chẳng đi đến đâu.

Chuyện ngộ độc thực phẩm chủ yếu rơi vào người lao động ăn bữa cơm công nghiệp. Toàn nhè vào người thu nhập thấp mà “đánh”. Thi thoảng có đám cưới, đám giỗ, đám nhậu cũng ôm bụng lăn ra, miệng nôn trôn tháo thì ngộ độc có tính… xã hội cao hơn, nhưng chung quy vẫn là ăn bẩn. Bữa ăn công nghiệp chỉ từ 7.000 – 12.000 đồng, ai cũng bảo đói, thiếu chất, nhưng giới chủ vẫn “bình chân như vại” vì mức ăn này đã có trong thỏa thuận làm việc của người lao động. Thậm chí có người không muốn ăn ngon, để dành tiền cho một tỉ thứ chi phí trong cuộc sống hằng ngày. Cái khó bó cái khôn là như vậy.

Ngay trong các văn bản, những vấn đề vừa nêu trên cũng chỉ gồm những từ “đảm bảo”, “phải thế này, phải thế nọ”. Cứ như một đạo luật không có nghị định hướng dẫn và chế tài xử phạt cụ thể. Nói cách khác, chúng ta không “vũ trang” cho người dân các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hay chỉ có văn bản chung chung mà thiếu người hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, thì cũng như mua cái máy nổ và 4 bánh xe cũ về lắp ráp vào thành xe công nông chạy văng mạng, gây ô nhiễm, tai nạn mà thôi.

Chỉ còn 7 năm nữa Việt Nam sẽ là một nước công nghiệp hóa. Từ nay đến lúc đó ai là người đi “khắp chợ cùng quê” nhắc nhở đừng thái vụn săm xe trộn vào để ép dầu thực vật cho máy chạy ngon? Ai là người đến từng nhà nông dân, người buôn thúng bán mẹt để nhắc nhở, hướng dẫn, thậm chí răn đe bà con không được làm ẩu, sử dụng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ?

Chúng ta đang quá thiếu một chính sách giáo dục cụ thể, trực tiếp để mọi người dân phải làm “công nghiệp hóa”, sử dụng các thành tựu khoa học của nhân loại vào Việt Nam thế nào cho đúng. Bác dân cày, anh Hai Lúa ra tỉnh làm “công nghiệp hóa” hay ở nhà làm “cơ giới hóa” mà không qua đào tạo thì (nói vô phép) khác gì phát súng cho trẻ con bắn văng mạng. Cũng không thể hô to: “Hãy là người tiêu dùng thông minh” là xong trách nhiệm người cầm cân nảy mực.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/hanh-trang-phat-trien-co-gi/133252.bld