Hành trình của 'cánh tay rô bốt'

Từ ý tưởng giúp đỡ người khuyết tật, cậu học trò nghèo lớp 12 đã mang đến cho cả thế giới thấy sức sáng tạo của mình. Đạt giải 3 ở Mỹ sau cuộc thi với những trắc trở ngoài dự tính, hành trình cánh tay rô bốt của cậu học trò đã khiến nhiều người thán phục.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, được sự giúp đỡ của thầy, cô giáo và bạn bè, Phạm Huy - học sinh lớp 11, Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã chế tạo thành công “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”. Sản phẩm của Huy đã đoạt giải quán quân tại Hội thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia của học sinh trung học khu vực phía bắc năm học 2016-2017 (ViSEF). Ngày 13-5, Phạm Huy được cấp visa sang Mỹ tham dự Cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2017. Và ngày hôm nay, cả đất nước vui mừng đón nhận thông tin cánh tay rô bôt của cậu học trò miền đất lửa đã giành gải 3 tại Mỹ.

Phạm Huy là con út trong một gia đình ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong. Mẹ em buôn bán ở chợ thị xã Quảng Trị, bố mở tiệm sửa xe máy, xe đạp tại nhà. Suốt 11 năm học, Phạm Huy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong các môn học, Huy đam mê nhất là môn Vật lý và Kỹ thuật... “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật” của Phạm Huy cũng xuất phát từ niềm đam mê này...

Thế nhưng mấy ai biết được rằng, hành trình đưa cánh tay rô bôt ra thế giới của Huy không phải dễ dàng. Phạm Huy từng chế tạo những cánh tay rô-bốt công nghiệp, bàn tay rô-bốt mô phỏng tay người, xe điều khiển bằng sóng bluetooth… Cuối năm học lớp 10, Phạm Huy mới bắt tay vào chế tạo và đến giữa năm 2016 thì hoàn thành “Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật”, với tổng chi phí hơn ba triệu đồng. Cánh tay rô-bốt được điều khiển bằng các ngón chân, có thể úp ngửa, co duỗi ngón tay, cẳng tay; hệ thống có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ vật cầm vào có nhiệt độ cao hoặc gây nguy hiểm… Với những thao tác nhịp nhàng của chân, cánh tay rô-bốt có thể cầm nắm rất nhiều loại đồ vật… Quá trình hoàn thiện sản phẩm, Phạm Huy nhờ một người khuyết tật dùng thử và nhận được những đánh giá tích cực.

Cùng với các sản phẩm xuất sắc khác, sản phẩm của Phạm Huy được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện sang Mỹ tham gia cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2017 diễn ra vào tháng 5-2017. Cuộc thi năm nay có 1.403 công trình tham gia, do hơn 1.700 học sinh của 78 quốc gia thực hiện. Và thật bất ngờ, lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ, Phạm Quang Huy (học sinh lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) đã đoạn giải ba của cuộc thi này với sản phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật, ở hạng mục "Robot và máy móc thông minh".

Bên cạnh đó, Huy còn được nhận một giải thưởng phụ khác là giải ba do Viện Kỹ nghệ và Điện tử Quốc tế trao tặng. Giải thưởng của Huy cũng là giải thưởng cao nhất của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi. Phạm Huy cho biết: “Em hy vọng một cá nhân, đơn vị nào đó chung sức với mình phát triển sản phẩm này một cách hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng người khuyết tật, giúp họ vơi bớt phần thiệt thòi...”. Cánh tay robot của Huy sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bước đầu giá thành sản phẩm chỉ 2,8 triệu đồng, hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật.

Quỳnh Dao (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hanh-trinh-cua-canh-tay-ro-bot-177650/