Hành trình cuối cùng của lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro

Khi đoàn xe đưa tro cốt của vị lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro đi tới, hàng trăm lá quốc kỳ vẫy lên, hàng nghìn chiếc camera chiếu vào, hàng dài các cựu binh đến tỏ lòng tiếc thương cùng vô số các biểu ngữ ủng hộ ông có ghi “Yo soy Fidel” (Tôi là Fidel). Chỉ trong vòng ít phút, đoàn xe lại tiếp tục hành trình trở về vùng quê của phong trào cách mạng.

Người dân thành phố Camaguey, Cuba tiễn đưa vị lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro. (Nguồn: EPA).

Khung cảnh trên đã trở nên quen thuộc trong suốt 4 ngày qua ở Cuba, khi tuyến hành trình trở dài 900 km về nơi an nghỉ cuối cùng của lãnh tụ Fidel Castro khởi hành, nhắc lại cho người dân nước này nhớ về hành trình cách mạng mà ông từng bắt đầu từ năm 1959, để rồi sau đó trở truyền cảm hứng cho phong trào cách mạng toàn thế giới trong thế kỷ 20.

Đoàn xe hộ tống tro cốt của vị lãnh tụ ấy được người ta đặt tên là La Caravana de la Libertad - tức Đoàn xe của sự Tự do.

Thị trấn lớn đầu tiên trên hành trình này là Cienfuegos, một trung tâm công nghiệp của Cuba, vốn phát triển nhờ sự thúc đẩy của chính phủ do Chủ tịch Fidel đứng đầu. Cũng chính nơi đây, với sự giúp sức của Liên bang Xô viết, Cuba đã xây dựng nên một lò phản ứng hạt nhân nhằm khắc phục tình trạng thiếu năng lượng và từ đó thúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

“Hôm qua tôi đã khóc. Tôi yêu quý ông Fidel. Mấy ngày qua tôi đã nghe và xem lại những bài phát biểu của ông trên truyền hình” - một chủ cửa hàng ở địa phương nới với tờ Guardian.

Trước khi đoàn xe đi tới thị trấn này, bà Dagmara Quirós, một phụ bếp tại bệnh viện địa phương nói rằng: “Tôi yêu quý Fidel. Ông ấy đã làm rất nhiều điều cho gia đình nhỏ bé của tôi”.

Tại trung tâm thành phố, các tòa nhà công đều treo những lá quốc kỳ lớn. Nhà cửa và các cửa hiệu kinh doanh đều có ảnh Chủ tịch Fidel ở bên ngoài. Đường phố chật kín người dân chờ đón đoàn xe đi qua: Các nhân viên y tế, binh sỹ quân đội và cả trẻ em trong bộ đồng phục học sinh. Một số người còn viết ngay trên khuôn mặt họ dòng chữ “Fidel” để tưởng nhớ vị lãnh tụ này.

Đoàn xe trở tro cốt ông Fidel Castro mang tên “Đoàn xe của sự Tự do” tại thành phố Santigao de Cuba hôm 4/12. (Nguồn: Reuters).

Trước đó, đêm hôm 30/11 (giờ địa phương), tro cốt của ông Fidel vẫn còn nằm tại Viện bảo tàng Ernesto “Che” Guevara ở Santa Clara để người dân có thể tới tiễn biệt ông.

Điểm tiếp theo của hành trình Tự do này là tại Sancti Spiritus, một thành phố vốn nổi tiếng với lịch sử cách mạng khi là nơi mà ông Fidel Castro từng đưa ra một trong số những bài diễn thuyết hùng hồn nhất về lý tưởng dân chủ vào lúc 2h sáng ngày 6/1/1959.

Lúc bấy giờ, ông Fidel từng tuyên bố trước đám đông người tới tham dự rằng họ sẽ không phải chịu sự áp bức như dưới thời độc tài Fulgencio Batista nữa.

“Chúng ta có cấm tự do báo chí không? Không. Chúng ta có cấm tự do liên hiệp không? Không” - Lời nói của lãnh tụ Fidel vang lên như sấm, truyền cảm hứng cho người dân lúc bấy giờ.

Ông Roberto Garit, một cựu binh tại thành phố Sancti Spiritus, nói rằng, vị lãnh tụ Fidel như một người cha và người anh đối với ông: “Vị lãnh đạo vĩ đại nhất, một nguồn cảm hứng cho toàn thế giới”. Khi đoàn xe bắt đầu tiến tới, ông Garit nói: “Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng này. Tôi có thể nghe thấy nó trong từng nhịp đập trái tim”.

Khi đoàn xe của sự Tự do đã đến đúng vị trí, ông Garit vẫy lá cờ của mình và hô vang “Fidel muôn năm”. Hàng chục đồng đội của ông cũng hô theo, đó là khẩu hiệu mà họ lưu giữ suốt nhiều thập kỷ qua.

Điểm đến tiếp theo là Granma, một địa điểm trùng tên với con tàu từng chở nhà lãnh đạo Fidel cùng 81 nhà cách mạng khác từ Mexico tới đây. Đó là một hành trình kỳ diệu: Rất nhiều chiến sỹ đã thiệt mạng trong trận chiến đầu tiên, nhưng lãnh tụ Fidel vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng đội quân cách mạng của mình ở Sierra Maestra, và sau đó thành công chỉ trong vòng 3 năm.

Ở thành phố Bayamo, có vô số tấm biển lớn và các đài tưởng niệm nhỏ mà người dân dựng lên để tưởng nhớ về lịch sử cách mạng mà Fidel xây dựng. Nhiều người dân nơi đây còn chia sẻ với nhau cách tưởng niệm vị lãnh tụ của riêng họ. Tại công viên trung tâm Bayamo, phần lớn người dân tụ họp tại đây đều chia sẻ về nỗi tiếc thương vô hạn của họ.

“Khó có thể có một vị lãnh tụ nào tốt hơn Fidel” - Beatriz Licea, một sinh viên ngành y, nói - “Ông ấy là một người vĩ đại, rất thông minh và không thể so sánh được”.

Lionel Ortega, một người dân từng chuyển tới Mỹ sinh sống trong suốt 2 năm qua, cũng mới trở về để thăm gia đình và để đưa tiễn Fidel Castro. “Tôi sẽ tới tiễn đưa ông Fidel. Ông ấy là vị chủ tịch vĩ đại nhất mọi thời đại”, Ortega nói.

Tại Santiago de Cuba, điểm đến cuối cùng và cũng là một thành phố mang đậm dấu ấn cách mạng của Cuba khi có rất nhiều trận chiến ác liệt diễn ra trong thế kỷ 19 nhằm thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha và cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista trong thế kỷ 20.

Nghĩa trang Santa Efigenia là nơi an nghỉ cuối cùng của anh hùng giải phóng Jose Marti. Và theo đúng lịch trình, vào lúc 7h00 sáng 4-12 (giờ địa phương) vừa qua, tro cốt của ông Fidel Castro được chôn cất tại nơi này.

Nghĩa trang Santa Ifigenia nằm về phía Tây Bắc của thành phố Santiago de Cuba, được khánh thành tháng 4-1868. Đây là một trong những nghĩa trang lâu đời nhất ở Cuba. Santa Efigenia được nhiều người biết đến và viếng thăm sau khi tượng đài chính trong nghĩa trang được xây dựng vào năm 1951 để tưởng nhớ người anh hùng Marti.

Người dân Cuba cho rằng, sự kết hợp giữa hai tư tưởng Fidel và Marti rất quan trọng với người dân Cuba. Bà Maria Martinez, 50 tuổi, làm việc tại một viện bảo tàng cho biết: “Fidel là một trong những người đi theo lý tưởng của Marti”.

Tại quảng trường trung tâm Santigao de Cuba, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nói trước đám đông người tham dự buổi tưởng niệm ông fidel Castro rằng: “Đây là Fidel bất bại, người đã cổ vũ chúng ta vượt qua bất kỳ trở ngại nào, dù là sự hỗn loạn hay nguy cơ trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba”.

Trong tương lai, Cuba sẽ không đặt tên lãnh đạo cách mạng Fidel Castro cho đường phố hay công trình công cộng vì đó là di nguyện của lãnh tụ Fidel trước lúc lâm chung. Trong những giờ phút cuối cùng, khắp nơi nơi, đặc biệt khu vực nông thôn miền đông Cuba, nơi được coi là “Cái nôi của cách mạng”, biển người kéo xuống đường phố, hô vang tên “Fidel”, thắp nến, vẫy quốc kỳ thể hiện sự kính trọng và nỗi tiếc thương với vị lãnh tụ vĩ đại của Cuba.

Luôn được nhớ tới là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất của thế kỷ 20, lãnh tụ Fidel Castro trong mắt người dân ở khu vực ngoại ô Jaimanitas còn là một người rất thân thiện. Người dân ở đây cho biết, một trong những yêu cầu cuối cùng của lãnh tụ Fidel Castro là xây dựng sân bóng đá cho các em nhỏ tại khu Jaimanitas, nơi ông thường lui tới để trò chuyện với người dân.

Khánh Duy

Từ khóa

fidel castro lãnh tụ cuba vĩ đại anh hùng dân tộc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/hanh-trinh-cuoi-cung-cua-lanh-tu-vi-dai-fidel-castro/138863