Hành trình đưa cây cao su lên đất Tây Bắc

(ĐCSVN) - Cây cao su được xem là loại cây có triển vọng, mở ra hướng chuyển dịch mới trong cơ cấu cây trồng trên địa bàn Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây cao su cũng cần định hướng và quy hoạch hợp lý.

Theo số liệu của Tập đoàn cao su Việt Nam, hiện nay, Sơn La có hơn bốn nghìn ha, Lai Châu hơn ba nghìn ha, Điện Biên gần hai nghìn ha và diện tích cây cao su vẫn còn tiếp tục tăng lên. Trong thời gian tới, một số địa phương như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Phú Thọ cũng sẽ phát triển cây cao su. Cùng với việc phát triển cây cao su, hạ tầng giao thông ở vùng Tây Bắc sẽ được cải thiện. Ảnh: QT Đưa cây cao su ngược lên vùng núi cao Tây Bắc là một chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm làm thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế vốn còn nhiều khó khăn của địa phương, kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cho ngành. Theo báo cáo của Tập đoàn cao su Việt Nam, qua trồng thử nghiệm một vài giống cao su ở Điện Biên, Sơn La, và Lai Châu, một số nơi đã cho kết quả khả quan, cây cao su sinh trưởng khá, chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Dù mới nhập cư, cây cao su đã tỏ ra có sức hút rất mạnh đối với các tỉnh miền núi này. Tuy nhiên, việc phát triển cây cao su ở Tây Bắc theo một số chuyên gia sẽ có hai khó khăn lớn. Thứ nhất: Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước, trình độ canh tác của nông dân còn nhiều hạn chế. Đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên vốn tự lực trong dân hầu như không có, đời sống bà con còn khó khăn. Độ dốc đất canh tác cao, địa hình chia cắt nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Mặc dù tập đoàn Cao su Việt Nam cũng như các công ty cổ phần cao su Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã tính đến phương án mời gọi các hộ dân tham gia công ty bằng vốn góp để làm cao su ‘đại điền”, nhưng với địa hình và tập quán của bà con dân tộc, các công ty cổ phần cao su sẽ mất rất nhiều thời gian để tạo nên phương thức sản xuất mới. Mà như thế cũng đồng nghĩa với chi phí đầu vào sẽ tăng thêm. Phát triển cây cao su cần gắn với quy hoạch vùng. Ảnh: QT Hơn thế nữa, nếu trông cao su ở vùng thấp như Sơn La đã có sự khẳng định để phát triển, nhưng lên cao hơn một chút Điện Biên và Lai Châu, liệu năng suất có cao ? Đấy chưa tính đến yếu tố địa chất ở Lai Châu, nơi có độ dốc cao, nhiều đứt gãy, có độ lún cao, nền đất đá vôi, với những điều kiện như vậy, cây cao su có cho được năng suất cao. Một điều không thể không nhắc đến là khi phát triển diện tích cao su ở khu vực Tây Bắc đồng nghĩa với việc diện tích trồng các loại cây lương thực khác sẽ giảm đi. Thứ hai thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường. Trong khi trồng cao su đòi hỏi quy trình kỹ thuật chặt chẽ, liên hoàn. Điều này khiến việc đầu tư phát triển cao su ở Tây Bắc tốn nhiều chi phí hơn so với các tỉnh phía Nam. Hiện giá cao su đang đứng ở mức khá cao, nhưng đến thời điểm 5-6 năm tới, khi những cây cao su đầu tiên vùng Tây Bắc cho mủ, giá mủ cao su xuống mọi chuyện sẽ như thế nào? Mới đây, tại công văn số 178/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã lưu ý các tỉnh Tây Bắc gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, trong việc phát triển cây cao su, cần phải thận trọng, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, phát triển tự phát làm theo phong trào. UBND các tỉnh trên cần chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức khảo sát xác định những tiểu vùng có điều kiện tự nhiên, sinh thái phù hợp với việc trồng cây cao su để xây dựng quy hoạch và dự án đầu tư phát triển, đồng thời có bước đi và giải pháp đồng bộ về chính sách và tổ chức sản xuất, bảo đảm thực hiện dự án có hiệu quả. Vì thế, ngoài kết quả phát triển cây cao su như hiện nay ở Tây Bắc, Tập đoàn Cao su Việt Nam và các công ty thành viên, UBND các tỉnh Tây Bắc cũng cần nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch để đảm bảo tiến độ phát triển cây cao su hợp lý. Không thể vì nôn nóng mở rộng diện tích trông cây cao su mà làm cho diện tích ngô, khoai sắn và lúa ỏ các địa phương nói trên thu hẹp lại. Có làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất mới đảm bảo những bước đi vững chắc về kinh tế -xã hội vùng Tây Bắc./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=405632&co_id=30066