Hành trình 'lội ngược dòng' của chàng nhạc sĩ - doanh nhân Văn Tuấn Anh

12 năm bỏ phố lên rừng, tạo dựng giấc mơ về một không gian sống hạnh phúc cho cộng đồng, cuộc hành trình lội ngược dòng của chàng nhạc sĩ - doanh nhân kinh doanh bất động sản Văn Tuấn Anh cũng chính là thông điệp khẩn thiết và sống động nhất về bảo vệ môi trường, bảo vệ con người, bảo vệ tình yêu…

Nhạc sĩ - doanh nhân Văn Tuấn Anh.

Bộ phim tài liệu về biến đổi khí hậu của chàng diễn viên vừa đoạt giải Oscar Leonardo DiCaprio mang tên “Before the flood” (tạm dịch “Trước cơn lũ”) dường như rất trùng hợp với hành trình đến với Cù Lần và những sáng tác gần đây nhất của anh về sự nổi giận của thiên nhiên, của Trái đất?

Ngay từ khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi đã định hướng đầu tư xây dựng một ngôi làng mang văn hóa bản địa ngàn đời của Tây Nguyên, của núi rừng. Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa lưu thông, văn hóa cư trú, văn hóa phục trang… khi sống cùng người dân buôn làng, tôi đã tìm thấy thật nhiều sự đồng cảm để phát triển văn hóa riêng của Cù Lần.

Mỗi một ngày, sự thay đổi của môi trường ngày càng rõ rệt. Đặc biệt năm nay, dù mùa mưa đã hết, lũ vẫn ám ảnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc… không ai dự đoán trước được sự tác hại của môi trường, thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con vùng đất này.

Từng đi hết ngọn đồi này đến ngọn đồi, kia, cánh rừng này đến cánh rừng khác, tôi cảm nhận rõ rệt tác động của rừng đến con người. Tôi chuyển hướng, không muốn viết ca khúc tình ca nữa, mà viết về một tình yêu đến chết, đó là rừng. Những nỗi đau mà người dân Tây Nguyên đang phải đối mặt hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tàn lụi của rừng, bằng văn nói của những con người bình dị nhất.

Ca khúc Thương voi: “Hôm qua con voi còn khoe cái vòi, cái đuôi, hôm nay người ta đã cắt cái vòi, cái đuôi của nó”, đó là lời kể của người dân Đắk Lắk về nỗi đau của họ. Ca khúc "Rừng gọi" là lời nói lặng thầm, bao la, sâu lắng, mênh mông… như những lời kêu cứu của thiên nhiên. Trong tôi luôn mang nỗi ám ảnh từ rừng núi, được rừng gọi, giống như tìm về cội nguồn, thiên nhiên.

Nhạc sĩ Tuấn Anh và con trai Quốc Bảo cùng trai làng K'Ho.

Nhạc sĩ Tuấn Anh và con trai Quốc Bảo cùng trai làng K'Ho.

Cù Lần có ngày đón từ 2.000 đến 5.000 khách, tôi nhận thấy ai cũng khao khát không gian tự nhiên ban tặng cho con người, một điều quá thiếu trong cuộc sống hiện tại. Làng Cù Lần không xây dựng cái gì hoành tráng, chỉ là giữ lại không gian để thở, để ngồi yên lặng một chút, lắng nghe thiên nhiên, lắng nghe chính mình. Khách đến Cù Lần lại dạy cho tôi những bài học giá trị qua tâm tư, nguyện vọng của mỗi người, để tiếp tục gìn giữ và xây dựng Cù Lần.

Đặc biệt gần đây, con trai tôi đã kể chuyện về chàng Leonardo, người làm phim “Trước cơn lũ”. Sự hủy diệt môi trường trên diện rộng tất yếu sẽ xảy ra, tác động rất khủng khiếp đến hành tinh này. Những việc làm của tôi và của nhiều người khác là lời kêu cứu hàng ngày dù lẻ loi, trên toàn cầu, vì ở tất cả mọi nơi con người đều ý thức được sự nguy hiểm cận kề, không tránh khỏi.

Tôi đã thấy một vài bản ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo “bảo vệ núi rừng là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta”. Tuy nhiên, sự cảnh báo này chưa đi đôi với những hành động đồng bộ để cứu núi rừng. Hàng năm mình vẫn được nhân viên biếu cho vài ký cá suối, lúa nương… Nhưng năm nay tôi nghe thấy nhân viên than thở “cá tôm bây giờ không còn nữa dù mùa nước nổi, nhà con chắc phải di dời đi nơi khác kiếm việc làm”. Khắp nơi từ vùng cao đến đồng bằng đều chịu hậu quả như vậy.

Cảm xúc rất xác thực từ những người nông dân gần gũi đã khiến tôi viết Chìm dần, giống như lời cảnh báo của Leonardo: “Chúng ta từng mơ rừng xanh biển xanh để sống cùng, mơ hành tinh dành cho đời sau, vì sao… Thôi đừng yêu, đừng mơ, đừng thương, đừng hứa hẹn, anh và tôi cùng bao người thân từng giây đang chìm dần vào đại dương…”. Diện mạo âm nhạc của làng Cù Lần dần dần được định hình xuyên suốt, đó là kêu gọi bảo vệ môi trường, đồng điệu với tinh thần kiến trúc, xây dựng nép vào thiên nhiên, nép vào rừng mà tồn tại, phát triển.

Một góc làng Cù Lần

Trở lại với những ngày đầu tiên khi đến mảnh đất này, để biến giấc mơ thành hiện thực, anh đã phải trả giá thế nào? Anh có buồn không khi những xu hướng kinh doanh bất động sản quá thực dụng đang phá vỡ Đà Lạt?

Là người kinh doanh bất động sản, tôi không thích những chất liệu hiện đại, không gian tù túng, chính vì vậy tôi cứ lang thang vào những ngôi làng đồng bào tồn tại hàng trăm năm, hàng ngàn năm, và đã phải lòng những ngôi làng quá sức đẹp ẩn trong núi rừng. Rất giống đồng bào ngày xưa, tôi không ý niệm gần hay xa trung tâm, nơi ấy có làm ăn phát đạt hay không, không ý niệm về lời lỗ… vì nó quá đẹp, quá lý tưởng cho con người để sống.

Quyết định tìm những làng cũ mà tiền nhân đã từng ở, đồng bào dẫn tôi đến một ngôi làng K’Ho nằm dưới thung sâu, xunh quanh là núi. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, hiện ra trước mắt tôi là bạt ngàn thông xanh, dăm bảy dân làng đang chuẩn bị lùa dê về, những mái tranh nấp vào lưng chừng đồi, bếp lửa nhà ai đã nhóm lên, khói bắt đầu vương vấn… Tôi lặng người! Đêm đó về không ngủ được.

Nhiều ngày sau đó, tôi cứ đến ngôi làng ngồi một mình, lân la hỏi han đồng bào về đất đai nơi đây. Có người con cái đã đi xa, dời về Đà Lạt sống, có người vẫn đang chăn nuôi trồng trọt. Ở đây không có điện, bà con lấy nước để uống từ trên núi cao chảy xuống, gọi là cổng trời. Nước để tắm lấy ở hồ, còn nước suối dùng để tưới cây, chăn nuôi súc vật. Tên gọi của ngôi làng là xóm đuốc, vì ban đêm bà con dùng đuốc mà đi. Tôi trân trọng giữ lại tất cả.

Khi thấy có một người đi thẳng vào rừng để xây làng, người dân Đà Lạt tỏ ra nghi ngờ: “Làm du lịch ngay tại hồ Xuân Hương đây mà còn ế huống hồ chi vào tít rừng sâu, thằng đó đúng là Cù Lần! Từ đó tôi “chết tên” là Cù Lần, và lấy tên làng là Cù Lần luôn.

Từ 2004 đến 2016, 12 năm trôi qua, hầu hết ngày nào không có khách đến thì mình và nhân viên vẫn đốt đuốc đi trong đêm, vì chạy máy điện rất tốn kém. Cùng bảy nhân viên còn rất trẻ 18-19 tuổi, đi cùng mình dựng lại làng. Để trấn an các bạn trẻ, tôi nói “đây sẽ thành điểm tụ giữa rừng, và người ta phải tìm đến chúng ta”. Qua nhiều ngày làm việc, các bạn nói với tôi: “Cả năm ròng rồi mà chỉ có hai xe đi vào đây, trong đó có cái xe chở gỗ và xe cấp cứu, chú nói họ tụ về đây là sao?”.

Sau 14 tháng, số tiền đầu tư trên 12ha đã "ngốn" 40 tỷ mà chưa tới đâu cả. Tôi phải in cái danh thiếp kèm ba tấm hình, nhờ một người trong làng đi ra đứng trước hồ Xuân Hương phát cho du khách “nơi đây có một làng du lịch giữa rừng”, chỉ có món duy nhất cơm lam ăn với gà nướng, bắp nướng, khoai nướng…

Có lẽ nhờ ông Giàng thương, ngày đầu tiên khai trương là mùng một Tết, khách vào đông như trẩy hội, khoảng 20 xe du lịch và 30 xe Honda, làm xôn xao cả một khu rừng. Liên tiếp sau đó không hiểu vì sao người tìm đến với làng ngày một đông. Tôi qua được khó khăn năm 2012, lấy tiền của khách xây dựng tiếp. Năm 2012 đón khoảng 80 ngàn khách, năm 2013 đón 140 ngàn khách, năm 2014 đón 240 ngàn khách, năm 2015 lên 300 ngàn khách, năm 2016 là 480 ngàn khách… Nhờ lượng khách đến tham quan ngày một đông, Cù Lần đã vượt qua cơn sóng gió…

Ngoài không gian vật chất, anh còn thổi hồn vào những sản phẩm tinh thần, biến Cù Lần thành nơi sống động mỗi ngày?

Về mặt vật chất, khi người ta trả một số tiền nào đó, họ muốn nhận được cảm xúc xứng đáng. Mình phải mang lại giá trị tốt hơn giá cả mà người ta trả cho mình, đó là giúp họ mang lại một ký ức đẹp khi ra về, mang lại hiệu ứng tốt nhất cho tinh thần. Ngoài thực phẩm đàng hoàng, sạch, được cọ xát với rừng, có trải nghiệm tuyệt vời… khi đêm xuống phải có nơi đủ tiện nghi, ấm áp để khách ngủ lại qua đêm.

Về tinh thần, tôi đặc biệt mê hội họa, khách hàng cũng nhận ra giá trị đó. Tìm tòi, học hỏi, sưu tập một bộ 320 bức tranh của những họa sĩ thành danh Việt Nam để triển lãm tại làng, khách có những phút giây bình yên ngắm những bức tranh đẹp giữa núi rừng. Không gian giao lưu văn hóa cồng chiêng với tiếng hát sơn nữ, trai làng trong men rượu cần. Cù Lần vừa trương được dưới 1.000 đầu sách phục vụ cho khách nghỉ lại tại làng và trẻ em các buôn làng gần đó như Đạ Nghịt, Lang Biang.

Làng Cù Lần ban đêm có không gian văn hóa cồng chiêng giành cho các đoàn thể, sinh viên, công nhân…

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 5 của Cù Lần, tôi cũng khai trương không gian Cù Lần hát, với sức chứa 50 người, nhạc sĩ Bảo Chấn, Tuấn khanh, Đức Tiến đã góp mặt với những tình khúc gắn với Đà Lạt thân yêu. Hy vọng sự góp mặt của các nghệ sĩ cả nước, mình sẽ có sinh hoạt định kỳ nửa tháng một lần, như sân chơi cho bạn bè văn nghệ.

Hôm qua cũng vừa khai trương chợ trời Cù Lần, không ngờ hiệu quả ngoài dự tính. Người đồng bào mang tới bán được 6 con heo, hai cái cồng, một cái chiêng, mấy trăm trái chuối, hai con chó con và mười mấy con gà. Cũng có một số người Đà Lạt ký gửi tranh, tượng gốm, bàn ghế cổ… Chợ trời sinh hoạt có vẻ xôm tụ, đặc biệt có một anh đồng bào dân tộc đến ký gửi một con ngựa hoang mà anh chưa thể thuần hóa được, đứng trước cắn, đứng sau đá. Hỏi anh làm sao bán, anh nói vì có người mua để thả vào rừng… Khi có đời sống thực của nó thì chợ trời vui lắm.

Nhà sưu tập gốm cổ Nguyễn Quốc Dũng đã mang bộ sưu tập gốm của mình có xuất xứ từ gốm Chăm, gốm Tàu, Lào, Campuchia… du nhập vào Tây Nguyên, gắn bó với đời sống người dân Tây Nguyên từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 19, đây là hạng mục tham quan mà các đoàn sinh viên học sinh rất thích.

Từ một doanh nhân kinh doanh bất động sản khá thành công ở Sài Gòn, khi quyết định bỏ phố lên rừng, anh có nhận được sự chia sẻ của gia đình trong hành trình 12 năm đầy gian khó?

Ngay khi có ý định rời Sài Gòn lên núi cao, gia đình tôi đã lo lắng, vì không biết rõ mình sẽ làm gì. Dù vẫn là kinh doanh bất động sản nhưng đầy phiêu lưu. May mắn bà xã rất tôn trọng quyết định của mình, vì biết khi tôi đã quyết là không thể thay đổi. Lên rồi ở chơi vài ngày, thấy không khí anh em làm tất bật ngày đêm, cảm nhận được sự dễ chịu của núi rừng, vợ cũng ủng hộ tiền bạc công sức cho dự án mà không biết doanh thu sẽ ra sao.

Con trai đầu của tôi là Quốc Bảo học quản lý doanh nghiệp ở Úc đã trở về, tiếp tục học về văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Việt Nam, từ đó hiểu sâu sắc văn hóa cội nguồn để tiếp tục xây dựng Cù Lần. Bảo cũng là người giúp tôi rất nhiều về ý tưởng khi mình bị lụy cổ, không thoát ra được. Văn hóa Tây Nguyên không giải quyết được sức chứa 2.000 người nếu sử dụng vật liệu tự nhiên. Lúc đó tôi lúng túng về nhiều mặt, Bảo nói với cha một câu: “Trên thế giới, Disneyland lấy cảm xúc của toàn thế giới để tạo nên văn hóa Disneyland. Nếu chúng ta quá lụy vào văn hóa cổ sẽ khó phát triển”.

Cù Lần sau đó được tòa đại sứ Mỹ quan tâm, mỗi năm được ngài đại sứ Mỹ tặng vé tham quan những khu du lịch Mỹ. Năm 2014 tôi đã cùng con trai qua Disneyland theo lời mời này, mới thấy làng Việt Nam, châu Phi, Hàn Quốc, Thượng Hải cũng nằm ở đó, tất nhiên họ không giả cổ, mà sử dụng cái nền cốt lõi để tạo nên sản phẩm mới, đó là hướng mở rất xuất sắc. Xóm thượng chợ trời xây dựng theo tinh thần đó.

Nhân sự để phát triển là cốt lõi vấn đề, chính vì thế tôi ráng cho Hạ Quỳnh, cô con gái thứ hai đi học về quản lý nhân sự đàng hoàng ở Mỹ. Trở về Quỳnh làm cho công ty vận tải tàu biển Sài Gòn, lương cũng cao, có điều làm một thời gian thấy cha vất vả trong rừng không ai quản lý, chưa hệ thống lại được, Quỳnh đã nhảy vô giúp cha xây dựng hệ thống bán hàng, kế toán bài bản.

Tôi đang chuẩn bị mua thêm khoảng 28ha nữa để mở rộng làng. UBND Lạc Dương còn giao cho tôi quản lý 88ha rừng xung quanh làng. Điện thì sắp có rồi, gắn camera kiểm soát việc bảo vệ rừng không khó khăn gì. Tôi tin với ý thức đào tạo nhân sự như vậy, trong thời gian tới hai đứa con của mình sẽ đảm nhận được công việc kinh doanh. Còn cô con gái út đang học ở nhạc viện TP HCM, còn 7 tháng nữa cháu sẽ sang Mỹ học tiếp, trong tương lai cô út sẽ đảm đương phần sinh hoạt tinh thần cho làng.

Hai vợ chồng nhạc sĩ Tuấn Anh cùng bà con dân tộc bên chén rượu cần.

Vậy là anh đã tìm thấy bến bờ của riêng mình?

Trước đời sống còn nghiệt ngã về nhiều thứ, không biết mình có bi quan hay không, cuộc sống phát triển đang đẩy con người vào không gian thiệt thòi, chỉ biết làm sao để tồn tại đúng hơn là để sống. Mình đang ở trong những cánh rừng bạt ngàn, người dân ứng xử hiền lành. Về Sài Gòn, chỉ nội kẹt xe đã thấy nghẹt thở! Con người ứng xử với nhau dữ quá, luôn bất an. Mình muốn xây dựng không gian bình yên, để con người được sống chứ không phải là tồn tại.

Cù Lần đang chuẩn bị khai trương không gian ở nhà sàn cách điệu. Khách du lịch tới Đà Lạt khoảng 4,5 triệu- 5triệu người/năm, chủ yếu là khách thu nhập trung bình, thấp. Nhưng bao năm nay vẫn không có nơi nghỉ lại đàng hoàng cho lượng khách cộng đồng. Không gian có sức chứa lên đến hàng ngàn người mà vẫn giữ mức giá cho người thu nhập thấp chưa hề có. Làng Cù Lần là nơi thuận lợi, vì có diện tích đất rất lớn.

Tôi đang xây dựng nơi nghỉ dưỡng cho người có thu nhập trung bình, thấp. Mỗi nhà sàn chứa khoảng 10 người, có nhà tắm, vệ sinh sạch sẽ, ban đêm có không gian văn hóa cồng chiêng dành cho các đoàn thể, sinh viên, công nhân…

Trong nhiều năm qua Cù Lần đã đón lượng khách lưu trú lớn ở lều trại, tuy nhiên còn bất tiện vệ sinh cá nhân, nhất là mùa mưa, mùa quá lạnh. Giải pháp nhà sàn lại một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy kinh nghiệm đắc địa của người xưa. Tôi chỉ cách điệu lại, xây dựng theo văn hóa Cù Lần, để giải quyết nơi ở cho hàng ngàn người/đêm.

Mơ ước của anh chính là tạo dựng một kiến trúc hạnh phúc?

Con người sinh ra, lớn lên, ai cũng muốn yêu và được yêu, giản dị nhất là yêu cha mẹ, yêu gia đình, yêu cộng đồng xung quanh mình. Không gian sống của ngày hôm nay với kiến trúc mà chúng ta đang hưởng rất bất hợp lý, không cho chúng ta bất kỳ khoảnh khắc nào để yêu và nhận được tình yêu. Không thể sống trong không gian quá ồn ào, ô nhiễm, chẳng có thời gian yêu mình thì làm sao yêu ai.

Con người muốn hạnh phúc, thực hiện tình yêu gắn với cộng đồng, phải có không gian sống để mình có thể thực hiện được điều mình cho đi. Nếu không sẽ mau mai một những điều tốt đẹp bởi sự nhiễu nhương của cuộc đời. Phải xây dựng được không gian kiến trúc hạnh phúc cho cộng đồng ở đây mới có điều kiện để xây dựng con người hạnh phúc.

Cho đến hiện nay, hiệu quả mang lại từ khu du lịch Cù Lần quả thực nếu so với mảng bất động sản mình làm thì không đáng kể, nhưng đủ trả lãi vay, vốn định ký và đóng thuế, đủ nuôi sống 200 nhân viên, trong đó có 20 dân làng, con số này sẽ lên 250 dân làng vào 2020. Tôi đang xây dựng khoảng 5 căn nhà cho mười cặp gia đình dân tộc trẻ. Còn lại để tái đầu tư xây dựng thêm. Năm 2016 Cù Lần chi phí đầu tư thêm khoảng 6 tỷ đồng.

Tôi tạm hài lòng với mức thu nhập trên, nhưng mơ ước của tôi là để lại một ngôi làng, một hình mẫu không gian sống để con người được bình yên, được yêu, được sống trong khoảnh khắc nào đó. Đây là một địa chỉ văn hóa, nơi gửi đi thường xuyên thông điệp về môi trường, về con người, về tình yêu… và bảo vệ những gì mình yêu.

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/bizstory-hanh-trinh-loi-nguoc-dong-cua-chang-nhac-si-doanh-nhan-van-tuan-anh-2365301.html