Hành trình tìm chữ của trẻ miền biển

GD&TĐ - Nửa thập kỷ trôi qua cũng là ngần ấy thời gian người dân cư ngụ trong Khu dân cư Hữu Nghị sống trong những ngôi nhà nghĩa tình dưới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Khu dân cư quá đỗi lạ, lạ là vì chúng có mặt ở miệt vườn sông nước không phải để kinh doanh, chúng tồn tại để che chở cho những số phận người kém may mắn. Chính nơi đây đã nuôi ước mơ cho những đứa trẻ để tìm con chữ với mong muốn đổi đời nhờ vào sự học…

Khu dân cư đặc biệt xứ biển

Khu dân cư mang tên Hữu Nghị tọa lạc tại ấp Biển Đông B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012, đã qua 5 năm tồn tại dưới cái nắng cái gió đậm vị mặn của biển. Đây là khu nhà ở xây dựng từ những chủ trương tỉnh Bạc Liêu dành cho những cư dân địa phương của xã có hoàn cảnh khá khó khăn về nhà đất ở.

Điều quan tâm nhất cũng chính là trên mảnh đất này tập trung đông đúc đồng bào dân tộc Khmer, chính quyền hướng tới hỗ trợ nhu cầu cuộc sống của nhiều thế hệ.

Trong cộng đồng dân cư có khoảng 100 hộ và hầu hết là người dân tộc Khmer, mỗi hộ được hỗ trợ 300m2 bao gồm nhà ở 50m2 được xây mới cùng với trang bị đầy đủ điện nước, bình quân cứ mỗi hộ thì có khoảng 4 - 5 nhân khẩu. Tuy vậy khu dân cư hiện nay đã không còn đông do nhiều gia đình có người thân đi địa phương khác tìm việc làm ổn định.

Ông Lê Trường Hận - Chủ tịch xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) - chia sẻ: “Đa phần những hộ dân đồng bào dân tộc Khmer ở đây có đời sống rất khó khăn, thu nhập của họ bấp bênh thường là không đủ trang trải cuộc sống, không có đất sản xuất khiến họ càng túng quẫn.

Chủ trương từ cấp trên tiến hành xây dựng khu nhà ở trên phần đất của xã giúp đỡ những người dân trong xã có nhà ở. Bà con đã có nhà ở thì càng có nhiều cơ hội tích lũy lo cho gia đình và nuôi con cái được đi học tốt”.

Tất bật tìm sinh kế

Đặc trưng sinh kế của người miền biển chỉ cái chài, vài tay lưới là những phương tiện cơ bản nhất để sinh tồn với thiên nhiên. Những cư dân Hữu Nghị cũng không nằm ngoài cách mưu sinh này, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thành thạo khi tìm những sinh vật biển sống ven bờ phục vụ việc kiếm tiền.

Dù được cấp đất đủ diện tích để trồng trọt, thế nhưng họ lại chuộng cách đi biển với lí do đi biển thu nhập cao hơn với thời gian nhanh và đủ để nuôi sống gia đình. Đất mặn cũng không thích hợp để trồng cây trái rau màu nên sống dựa vào biển đối mặt rủi ro ít hơn.

Lối suy nghĩ đã ảnh hưởng qua nhiều thế hệ, cứ thế cha con lại nối truyền nhau đi kiếm chén cơm ven biển. Mặc dù tận dụng nguồn hải sản dồi dào để khai thác thế nhưng họ vẫn phải chịu thua con nước lớn nước ròng. Những ngày không ra biển thì người dân đi nhổ cỏ, phụ hồ, phụ quán bán hàng trong xóm.

Em Sơn Thị Bích Như (10 tuổi) hiện đang là học sinh của Trường Tiểu học Thuận Hòa 2 (ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), bày tỏ với chúng tôi: “Nhà em ở cuối khu dân cư, trong gia đình có 4 người và cha em đã đi lên TPHCM tìm việc làm kiếm tiền gửi về cho mẹ, mẹ em ở nhà nội trợ và chăm sóc cho hai chị em. Em cùng các bạn giăng lưới ở bờ rừng đước ven biển bẫy ba khía, mỗi kg bán khoảng 40.000 đồng để mua gạo trong nhà. Lúc còn đi học thì một buổi đi học, buổi còn lại đi bẫy ba khía, đến hè rảnh thì ngày nào chúng em cũng đi bắt, gỡ chúng xong rồi gỡ lưới phơi ra không bị rối để chuẩn bị cho chuyến đi lần sau”.

Những đứa trẻ cũng tích cực lao vào kế sinh nhai phụ giúp gia đình làm những công việc đỡ đần gánh nặng cơm áo. Nhiều đứa trẻ khoảng 6 - 7 tuổi đã biết gỡ lưới cá, gỡ lưới ba khía; những đứa 9 - 10 tuổi theo cha chú một vài buổi làm quen với việc giăng lưới để có thể chủ động tự đi làm.

Đường ra tới biển cũng không gọi là gần, thế nhưng chúng mặc trời nắng chang chang để đầu trần lầm lũi bước đi trong những bộ quần áo phối mặc tùy tiện. Theo đuổi sinh kế càng làm cho làn da chúng mặn mòi phù sa của biển, mái tóc khô ráp bao nhiêu thì càng khiến chúng trở thành điểm tựa vững của gia đình bấy nhiêu.

Không đi gỡ lưới thì giúp cha mẹ trông em

Chăm lo sự học để đổi đời

Sống trong những ngôi nhà trong khu dân cư, cuộc đời của nhiều cư dân đã bước sang trang, mở ra bước ngoặt trong đời sống của họ. Nỗi lo về cơm áo gạo tiền vẫn còn đó nhưng có được căn nhà che nắng mưa khiến họ nhẹ gánh, đầu mối khó khăn được tháo gỡ phần nào, địa chỉ ổn định để họ có thể yên tâm lập nghiệp.

Ông Lê Trường Hận - Chủ tịch xã Vĩnh Trạch Đông - trao đổi với chúng tôi: “Khu dân cư nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành của tỉnh, nhất là vấn đề giáo dục cho con em ở đây được đảm bảo, các em được miễn hoàn toàn học phí cũng như được chính quyền, nhà trường tiếp thêm quần áo, tập vở thường xuyên. Chúng tôi còn tích cực vận động những em cuối cấp THCS học tiếp lên cấp THPT, nâng cao kiến thức cho các em cũng như nâng cao trình độ dân trí trong khu dân cư nói riêng và của địa phương nói chung. Về kinh tế theo chủ trương hỗ trợ mỗi hộ nghèo 70.000 đồng/tháng, ưu đãi điện nước sinh hoạt. Gia đình nào cần vay vốn làm ăn thì xã đều xem xét khả năng định hướng hỗ trợ”.

Có một số trường hợp học sinh hiểu biết chậm, học yếu kém hay nhận giấy chứng nhận hết cấp học THCS thì bắt đầu tìm việc làm nơi khác để giúp gia đình, nếu theo đuổi việc theo học cấp THPT sẽ là gánh nặng đối với nhiều gia đình có thu nhập bấp bênh.

Đối mặt với vướng mắc này, chính quyền địa phương có những biện pháp hỗ trợ giúp các em có thể học tốt hơn, trong đó mở 2 lớp phổ cập dịp hè bồi dưỡng kiến thức, hầu hết các em mong muốn học giỏi và tham gia đến học tốt. Qua đó, tới mỗi đầu năm học góp phần kéo giảm tỉ lệ học sinh yếu kém, con em có thêm động lực để theo học ở những bậc cao hơn.

Sau 5 năm ổn định trong khu dân cư Hữu Nghị, đời sống của cư dân thêm phần khởi sắc với họ an cư thì mới lạc nghiệp, khi đã có mái nhà che nắng mưa thì họ chỉ cần tích lũy lo cho sinh hoạt thường ngày và con cái đi học. Không chỉ cả đời bám biển mà nhiều gia đình chủ động tìm việc khác mức thu nhập cao thay đổi diện mạo căn nhà khang trang hơn và nâng chất lượng cuộc sống tốt hơn. Một số hộ đã gia cố nhà cửa thêm khang trang, đã mua được nhiều tiện nghi cuộc sống như xe máy, tivi…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hanh-trinh-tim-chu-cua-tre-mien-bien-3498788-b.html