Hành trình tri ân của các thế hệ phóng viên Thông tấn

Hàng năm, TTXVN đều có hoạt động sôi nổi, thiết thực nhằm tri ân các nhà báo - liệt sỹ, thương bệnh binh của ngành.

Là lực lượng xung kích, ''mũi nhọn của mũi nhọn" trong hoạt động thông tin từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám và trong suốt 71 năm đồng hành cùng đất nước, Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn tri ân, tự hào về những đóng góp, hy sinh to lớn, thầm lặng của đội ngũ các thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên, kể cả trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước…

Đẹp đẽ biết bao và mãi mãi còn đó những bức tượng sống về hình ảnh các nhà báo chiến sỹ - phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, chiến sỹ lái xe Việt Nam Thông Tấn xã (VNTTX) - Thông Tấn xã Giải phóng (TTXGP) - nay là TTXVN, luôn có mặt dưới lá quân kỳ, sát cánh cùng lớp lớp chiến sỹ quân đội, thanh niên xung phong, cùng vào sinh ra tử, sẵn sàng hy sinh xương máu, tính mệnh vì sự nghiệp chung của dân tộc...

Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam cùng đoàn công tác tặng quà các thương bệnh binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Thật bùi ngùi, cảm động, nếu ai đó, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các vị khách quý trong và ngoài nước cho đến mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành mỗi dịp tới phòng truyền thống cơ quan, thắp nén nhang thơm, nghiêng mình tưởng nhớ trước lớp lớp chân dung bên tấm bia Tưởng niệm nhà báo – liệt sỹ TTXVN.

Trẻ đẹp và hồn hậu, hơn ai hết, các cô bác, anh chị biết rõ giá trị của những dòng tin, bức ảnh có sức cổ vũ mạnh mẽ đến mức nào đối với đồng bào, chiến sỹ, lay động trái tim bạn bè quốc tế, góp phần tạo nên sức mạnh thần thánh cho cuộc chiến đấu gian lao, anh dũng của dân tộc. Càng xúc động hơn, khi biết rằng trong số 400 nhà báo – liệt sỹ của các cơ quan báo chí trong cả nước đã có tới hơn 260 là phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN, đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân, khi đang thực hiện nhiệm vụ thông tin chiến trường.

Không chỉ vậy, TTXVN còn có 30 nhà báo – chiến sỹ đã từng góp một phần thân thể, xương máu cho công cuộc kháng chiến, nay còn găm trong mình thương tật từ hạng 1 đến hạng 4, nhiều người bị nhiễm chất độc da cam, chịu thương tật suốt đời. Và còn nỗi xót xa, đau đáu khôn nguôi đối với gia đình, đồng nghiệp các nhà báo – liệt sỹ, bởi, đến nay vẫn còn những trường hợp chưa tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng của các cô - bác, anh - chị, mặc dù cơ quan đã hết lòng thăm dò, tìm kiếm vẫn chưa đưa hết được toàn bộ hài cốt liệt sỹ về với quê hương, gia đình.

Do vậy, không chỉ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), mà trong nhiều năm tháng, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được đặt thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của TTXVN. Cơ quan tìm, bạn bè đồng nghiệp góp sức tìm. Mới đây, một cuộc tìm kiếm hài cốt thật công phu, cảm động đối với ba nhà báo liệt sỹ : Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên, Trần Văn Bang do các bạn đồng môn khóa GP10 - VNTTX thực hiện tại Attapư (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).

Đó là ba trong số những nhà báo – liệt sỹ đã từng tham dự khóa thứ 10 bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên – kỹ thuật viên của VNTTX - một khóa đặc biệt chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công toàn thắng năm 1975. Ba người bạn để lại nhiều thương nhớ cho cơ quan, đồng nghiệp ấy đã nằm lại trên đất nước anh em khi có mặt trên chuyến xe "định mệnh" chở 33 người trong đoàn phóng viên đang trên đường tiến vào chiến trường Nam Bộ. Xe đang băng băng vượt Trường Sơn không may bị lật vào lúc 10 giờ 10 phút ngày 2/4/1973... dẫn đến thương vong đau đớn. Thương nhớ bạn, anh chị em đồng môn GP 10 tình nguyện cử đoàn tìm kiếm. Nhưng kết quả chuyến đi chưa được như mong đợi, bởi việc đi tìm hài cốt liệt sỹ đâu ít khó khăn, phức tạp. Các thành viên trong đoàn đành hẹn nhau dịp khác lên đường…

Điều đáng nói nữa là hoạt động tri ân, hướng về nguồn đối với các nhà báo – liệt sỹ của TTXVN không chỉ là hoạt động riêng biệt, đơn lẻ của cơ quan mà luôn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành của các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và bạn bè, đồng nghiệp trong, ngoài nước.

Trong tình cảm tri ân các nhà báo - liệt sỹ TTXVN, cần kể đến chuyện về nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến (1921 - 1947). Ông là người có công trực tiếp xây dựng TTXVN từ buổi ban đầu và là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước nhà đã quên mình vì sự nghiệp thông tin. Ông hy sinh tại mảnh đất Đầm Sen (Chương Mỹ, Hà Nội) khi đang chỉ huy cán bộ Nha Thông tin sơ tán tài liệu trước trận càn bằng xe thiết giáp của thực dân Pháp vào ngày 3/3/1947. Một tuyến đường của Thủ đô Hà Nội đã được vinh dự mang tên ông. Đó là niềm bù đắp, động viên vô giá của Đảng , Nhà nước và nhân dân Hà Nội đối với người lãnh đạo trẻ tuổi, tài hoa, đáng kính, cho gia đình và cơ quan TTXVN.

Cùng và sau ông Trần Kim Xuyến, còn có nhiều tên tuổi khác của TTXVN được tri ân và vinh danh. Đó là nhà quản lý Bùi Đình Túy, bút danh Đinh Thúy (1914 - 1967), Phó Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh Trung ương. Trước ngày hy sinh, ông là một trong những người có công đầu trong việc đưa ảnh thời sự của VNTTX bước lên vị trí một thể loại xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Đó còn là nghệ sĩ nghiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) - người đã gắn bó với TTXVN ngay từ ngày đầu vào nghề, do được phân công về làm việc tại Phòng Thông tấn Quân sự. Sẵn sàng xả thân, tung hoành giữa trung tâm cuộc chiến, sau nhiều lần tưởng như ''chết hụt'', ông chỉ mong sao chớp được khoảnh khắc giá trị, có thần nhất về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Mùa hè năm 1972, người chiến sĩ - nghệ sỹ nhiếp ảnh ấy đã hy sinh tại Mặt trận Quảng Trị, để lại một gia tài quý báu, đó là những bức ảnh rực lửa anh hùng, thấm đẫm mồ hôi và máu của cả người trong ảnh lẫn người cầm máy ảnh, góp vào kho tư liệu ảnh vô giá của TTXVN...

Làm sao có thể lãng quên những hình ảnh con người và sự nghiệp đáng quý trọng như vậy! Cùng với các ngành, cấp Trung ương và địa phương trong cả nước, Vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tháng bảy năm nay, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt TTXVN cùng các cấp bộ Đảng, đoàn thể, các đơn vị chuyên môn trong ngành đã tổ chức 14 đoàn đến viếng đồng đội tại các nghĩa trang liệt sỹ; đến nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà nhiều gia đình liệt sỹ, thương binh. Cơ quan còn tổ chức tặng quà con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đang công tác trong ngành với mỗi suất trị giá 500.000 đồng; tặng quà UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến đã hy sinh.

Tại phòng truyền thống, bên tấm bia tưởng niệm nhà báo - liệt sỹ TTXVN liên tục được đón các đoàn đại điện Đảng ủy, Ban lãnh đạo cơ quan và các đoàn thể, các đơn vị nghiệp vụ của TTXVN đến dâng hương, tưởng niệm. Các cơ quan đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các cơ quan thường trú khác ở các địa phương đều tổ chức viếng nghĩa trang, thăm gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn. Nhiều đơn vị trong cơ quan đã cử người đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của TTXVN tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, tích cực thăm hỏi, chăm sóc các gia đình liệt sỹ, thương binh thuộc các thế hệ đi trước.

Tiếp bước cha anh với trách nhiệm thông tin nặng nề và vinh quang, đội ngũ cán bộ, phóng viên TTXVN hiện đang có mặt trên mọi miền đất nước cùng các khu vực quan trọng trên thế giới, nguyện đem hết tinh thần, trí tuệ, sức lực, đoàn kết, phấn đấu, bảo đảm dòng thông tin liên tục, chính xác, đúng định hướng và ngày càng nhanh nhạy. Toàn cơ quan tập trung mở rộng, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình thông tin xây dựng tổ hợp truyền thông đa phương tiện – cơ quan thông tin chiến lược hàng đầu của đất nước ngày càng vững mạnh, xứng đáng với danh hiệu cơ quan báo chí đầu tiên trong cả nước được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước…

Đó cũng chính là sự tri ân sâu sắc, ý nghĩa nhất của cơ quan đối với 260 nhà báo – liệt sỹ, các thương, bệnh binh đã từng góp sức lực, xương máu và cả tính mệnh cho sự nghiệp thông tin của ngành. Có vậy, ở nơi xa kia, các nhà báo - liệt sỹ, thương, bệnh binh có thể mỉm cười, bởi thế hệ đi sau đã phần nào thấu hiểu, quyết thực hiện cho được tâm nguyện cùng ước mơ cháy bỏng của các cô- bác, anh- chị lúc sinh thời. Có như vậy, sự cống hiến, hy sinh của những người đã khuất mới không uổng phí.

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/hanh-trinh-tri-an-cua-cac-the-he-phong-vien-thong-tan-20160725165241826.htm