Hành trình vươn lên 4 sao của Vietnam Airlines

Đồng bộ và chuyên nghiệp hóa từ những điều nhỏ nhặt nhất, Vietnam Airlines đã trải qua hành trình khá dài vượt qua nhiều “bài tập” khó để tự hoàn thiện và nâng đẳng cấp lên tầm 4 sao của SkyTrax.

Vượt qua 972 tiêu chí vì sự hài lòng của khách hàng

Tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines đã chính thực nhận Chứng chỉ hãng hàng không 4 sao từ Tổ chức Đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax. Để chính thức lên hạng, VNA đã phải tự hoàn thiện mình từ rất lâu khi vượt qua 972 tiêu chí trong chương trình đánh giá nâng hạng sao (SRDA)- bước tiếp theo của chương trình World Airlines Quality Audit (WAQA) mà VNA đã tham gia từ năm 2011 đến năm 2014 với mục tiêu "Tất cả vì sự hài lòng của khách".

Để chuẩn bị cho sự đột phá về dịch vụ, VNA đã “ôn thi” chu đáo, từ nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất ở các nhà ga mới, đến học hỏi các hãng hàng không 4 và 5 sao quốc tế, học các nhà hàng, khách sạn cao cấp như Hyat, Metropole.. về quy trình phục vụ, làm việc với các đầu bếp, chuyên gia Bartender nổi tiếng để tạo ra những món ăn, đồ uống đặc trưng nhất. Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực và nâng cấp dịch vụ khách hàng cũng được tiến hành song song. Riêng năm 2015, VNA đã tổ chức hơn 120 lớp với 3.100 lượt nhân viên được đào tạo.

VNA rà soát toàn bộ chuỗi dịch vụ từ đặt chỗ bán vé, website, sân bay, trên chuyến bay đến dịch vụ sau bán để đánh giá hiện trạng và điểm cần cải tiến để xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ để nâng cấp toàn bộ các dịch vụ bị đánh giá dưới 4 sao.

Bên cạnh việc nâng tỷ lệ chuyến bay đi/đến đúng giờ (90% và 85%), VNA đã xây dựng hình ảnh thương hiệu đồng bộ qua bộ nhận diện thương hiệu mới và đồng phục của phi công, tiếp viên, nâng cấp chất lượng dịch vụ hạng thương gia (tại sân bay căn cứ và trên các đường bay Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc), tập trung tinh thần, thái độ phục vụ cũng như nâng cấp toàn diện, đồng bộ chuỗi dịch vụ từ bán vé đặt chỗ, website, tại sân bay và trên máy bay.

Đối với các dịch vụ trên khoang khách, công tác đào tạo tiếp viên được ưu tiên hàng đầu. Với đội máy bay và nội thất mới hiện đại có ghế nằm phẳng 180o, VNA đã phục vụ hành khách theo phong cách nhà hàng, khách sạn, với các thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng, hữu cơ được phục vụ trên các bộ bát đĩa, ly, cốc đã được cải tiến, nâng cấp. Các chương trình giải trí phong phú trên màn hình lớn cùng các dịch vụ mới như dịch vụ bar, bán hàng miễn thuê và wifi, đã đưa VNA tiến gần đến đẳng cấp của hãng hàng không 4 sao.

Sau 4 sao là những mục tiêu mới

Trải qua 3 lần đánh giá trong suốt 2 năm qua, đến kỳ đánh giá cuối cùng tháng 6/2016, với việc xuất sắc hoàn thành “bài thi”, VNA đã nhận được “bằng tốt nghiệp” danh giá là chứng chỉ 4 sao của SkyTrax cấp ngày 12.7 vừa qua.

Phát biểu khi trao chứng nhận, ông Edward Plaisted, Giám đốc điều hành Skytrax khẳng định đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những cố gắng của Vietnam Airlines trong việc nâng cấp sản phẩm và dịch vụ.

"Chúng tôi ghi nhận những thay đổi và cải tiến của Vietnam Airlines, từ việc nâng cấp chất lượng dịch vụ hạng thương gia cho tới triển khai các phương pháp đào tạo tiếp viên – tất cả sẽ giúp Vietnam Airlines củng cố vững chắc vị trí của một hãng hàng không quốc tế 4 sao”, ông Edward Plaisted nói.

Về phần mình, ông Dương Trí Thành Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng đây là một bước tiến quan trọng nhưng sau 4 sao lại là một hành trình mới để duy trì đẳng cấp và tiếp tục chinh phục mục tiêu tiếp theo là “trở thành một trong những hãng hàng không được ưa chuộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Chuyện ít biết về hành trình đưa phở Việt lên chuyến bay 4 sao

Từ tháng 9/2015, món phở bò đặc trưng của Việt Nam đã chính thức được VNA phục vụ trên khoang hạng Thương gia các chuyến bay quốc tế xuất phát từ Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, ít ai biết để đưa được món ăn “quốc hồn, quốc túy” này lên máy bay và phục vụ theo tiêu chuẩn 4 sao, VNA đã trải qua một cuộc hành trình đầy thử thách.

VNA đã bắt đầu thử nghiệm phục vụ món phở trên tàu bay từ năm 2003. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, món ăn này mới chỉ là bát phở nhỏ bằng bát ăn cơm với nước dùng cô đặc và được chan nước sôi khi lên máy bay nên chưa có hương vị tươi ngon, hấp dẫn như bây giờ.

Đến khi VNA tiến hành đề án nâng cấp chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn 4 sao, TGĐ Dương Trí Thành (khi đó là PTGĐ khối Dịch vụ) quyết định “đưa món phở thành điểm nhấn trong thực đơn trên các chuyến bay của VNA”. Để làm được điều đó không phải là chuyện không đơn giản. Việc vừa phải tuân thủ theo các quy trình chế biến, bảo quản lạnh nghiêm ngặt của các bếp ăn hàng không và các quy trình phục vụ mang tính đặc thù trên máy bay là một thách thức của cả hệ thống dịch vụ.

Cuộc hành trình bắt đầu bằng những lần nấu thử của Cty PC Suất ăn Hàng không Nội Bài. Nguyên liệu thực phẩm, công thức và quy trình nấu đều được các đầu bếp thử nghiệm nhiều lần, với sự đánh giá của đại diện các đơn vị trong khối dịch vụ của Vietnam Airlines.

Nước dùng sau khi ninh được làm lạnh nhanh và bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C để đảm bảo chặt chẽ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Để bát phở vẫn nóng hổi khi đến tay hành khách, trước khi máy bay cất cánh 1 giờ, các đầu bếp đun sôi lại nước dùng rồi chia vào các phích giữ nóng chuyên dụng. Những chiếc phích này giúp nước dùng vẫn giữ được độ nóng tới 90 độ C, sau gần chục giờ bay, giúp hương vị phở luôn thơm ngon trong suốt hành trình.

Trước khi phục vụ khách, tiếp viên hâm nóng lại bánh phở và thịt bò chín đã được thái lát sẵn trong lò ở nhiệt độ 150 độ C trong khoảng 18 phút, sau đó chan nước dùng và mời khách. Các gia vị tươi như rau mùi, hành lá, chanh, ớt được phục vụ trong cốc nhựa riêng, hành khách sẽ tự gia giảm vào bát phở của mình theo nhu cầu.

Với sự đầu tư đồng bộ của các đồ dùng, dụng cụ tiêu chuẩn khách sạn từ bát đựng phở mang dáng hoa mai, thìa, đũa, cốc… VNA đã đem đến cho khách hàng những trải nghiệm 4 sao trọn vẹn, khó quên, đậm đà hương vị Việt Nam.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/o-to/hanh-trinh-vuon-len-4-sao-cua-vietnam-airlines-590621.bld