Hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội ngày càng gia tăng

Những hành vi trục lợi từ chính sách phát triển nhà ở xã hội ngày càng gia tăng, gây ra sự bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.

Dự án NƠXH 30 Phạm Văn Đồng.

Thời gian qua xuất hiện hàng loạt những hành vi lợi dụng chính sách về nhà ở xã hội để trục lợi như: Sắp xếp để người thân được suất mua nhà xã hội, mua đi bán lại sau khi đã hoàn thành nhằm hưởng giá chênh, thay đổi thiết kế căn hộ để trục lợi...

Những hành vi trục lợi từ chính sách phát triển nhà ở xã hội đã và đang ngày càng gia tăng, điều này gây ra sự bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.

Trong đó, các quy định về hành vi về tự ý cải tạo, mua bán hay cho thuê lại nhà ở xã hội thường bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội.

Liên quan đến vấn đề trên, theo Luật sư Trương Anh Tú, văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Chính sách nhà ở xã hội có ý nghĩa lớn không chỉ với người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, giúp hỗ trợ những người có công với đất nước nhưng vẫn chưa ổn định cuộc sống, mà chính sách này góp phần phát triển đất nước, xã hội, cải thiện nền kinh tế đất nước ngày một đi lên.

Trong đó, Nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 19, 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, cụ thể:

+ Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Nhà ở; trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nhà ở chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội; đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.

+ Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

+ Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

+ Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

+ Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Luật sư Trương Anh Tú, văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, đối với các hành vi về tự ý cải tạo, mua bán hay cho thuê lại nhà ở xã hội đều là các hành vi vi phạm pháp luật. theo đó:

Điều 90 Luật Nhà ở có nêu: “ Việc bảo trì, cải tạo nhà ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng”. Mọi cá nhân có hành vi tự ý cải tạo nhà ở xã hội trái phép tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và bị thu hồi lại nhà.

Đối với hành vi của các cá nhân sau khi mua được nhà đã tự ý cho thuê lại nhà ở xã hội, Khoản 6 Điều 62 Luật Nhà ở quy định: “Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó”.

Như vậy, nếu người thuê mua, người mua nhà ở xã hội tự ý bán hoặc cho thuê lại nhà ở xã hội sau khi mua được nhà thì hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê nhà đó không có giá trị và sẽ bị đơn vị quản lý nhà ở xã hội thu hồi lại nhà đó. Nếu không bàn giao có thể bị UBND tổ chức cưỡng chế để thu hồi.

Theo nội dung của dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở mà Bộ Xây dựng vừa đưa ra để lấy ý kiến đợt tháng12/2015 thì: Người thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội sau đó bán, cho thuê lại hoặc cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định nếu bị phát hiện sẽ bị phạt số tiền từ 50 - 60 triệu đồng và thu hồi nhà.

Như vậy, trong thời gian tới, khi khung pháp lý đối với việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở được hoàn thiện, sẽ có chế tài cụ thể cho những hành vi vi phạm nói trên để góp phần giữ đúng nghĩa của chính sách nhà ở xã hội cho người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, giúp hỗ trợ những người có công với đất nước.

Dự án nhà xã hội Rice City (KĐT Tây nam Linh Đàm).

Mới đây nhất, như Pháp luật Plus đã thông tin trong bài viết: Dự án NƠXH 30 Phạm Văn Đồng nhiều căn hộ "biến mất".

Theo đó, hiện nay tại nhiều tầng trong dự án 30 Phạm Văn Đồng, hai căn hộ riêng biệt liền kề nhau, với các chủ sở hữu đứng tên khác nhau bị đập thông với nhau tạo thành một phòng lớn sai với thiết kế ban đầu để cho thuê, thậm chí bán trục lợi trái với quy định.

Được biết, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà là chủ đầu tư của Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội tại số 30 Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (sau đây gọi là dự án 30 Phạm Văn Đồng).

Cũng liên quan đến việc trục lợi từ chính sách nhà ở Xã Hội, trước đó là vụ lùm xùm xảy ra tại dự án nhà xã hội Rice City (KĐT Tây nam Linh Đàm) khi bố của Tổng GĐ Cty là chủ đầu tư (Cty CP Bic Việt Nam) vẫn được xét duyệt mua nhà xã hội.

Được biết, ông Lục Minh Kim là bố đẻ bà Lục Thị Mai Trang - Tổng Giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC VN – chủ đầu tư dự án.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đăng tải “Thông báo danh sách mua nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm - Lô đất CT4, CT5 thuộc khu đô thị mới Tây Nam Hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội”.

Theo danh sách này, đến ngày 21/6/2016 có 736 người đã mua NƠXH của BIC VN. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh của lãnh đạo Công ty BIC VN có tên trong danh sách này? Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đang tiếp tục kiểm tra làm rõ thông tin.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Anh Quách

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hanh-vi-truc-loi-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-ngay-cang-gia-tang-d23676.html