Hấp dẫn với tinh túy ẩm thực ba miền Việt Nam

Dù cùng nằm trên một dải đất hình chữ S, nhưng ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam lại mang một hương vị đặc trưng với phong cách ẩm thực riêng góp phần mang đến sự phong phú, đa dạng cho văn hóa ẩm thực Việt Nam và hấp dẫn đối với thực khách. Để rồi chỉ cần một lần được thưởng thức khi đặt chân đến vùng đất đó, chắc hẳn sẽ nhớ mãi không thể quên hương vị đặc trưng của xứ ấy.

Âm thực miền Bắc - đơn giản nhưng tinh tế

Đặc trưng trong ẩm thực miền Bắc là không chú trọng quá nhiều vào một hương vị duy nhất, các món ăn đa phần có vị vừa phải, trung tính.

Bắc bộ là nơi tổ tiên định cư lâu đời nên từ món ăn đến cái mặc đều được sàng lọc và trở thành chuẩn mực, không dễ gì thay đổi. Nó không chỉ mang một nét đặc trưng rất riêng, mỗi món ăn đều mang dấu ấn và nét đặc trưng của mỗi miền đất khác nhau, biểu thị cách thức chế biến tài hoa, sự trang trí cầu kỳ và trình độ thưởng thức tinh tế.

Cũng giống miền Trung và Nam bộ, ẩm thực miền Bắc cũng chú trọng vào việc sử dụng gia vị nhưng cách nêm nếm của người Bắc lại có những nét riêng khác biệt. Ẩm thực miền Bắc cũng dùng món cay nhưng không cay như người miền Trung, cũng thích chua nhưng không chua như những món canh chua ở Nam bộ. Không tự nhiên mà người xưa phong cho mảnh đất kinh kỳ xưa câu “ăn Bắc mặc kinh”, có lẽ cũng bởi các món ăn trong ẩm thực miền Bắc có vị thanh, không nồng gắt và nhất là tôn trọng tính tự nhiên của nó. Sự đa dạng đó bắt nguồn đầu tiên từ vị trí địa lý, phong tục tập quán và quan trọng hơn là bắt nguồn từ sự kỹ càng, khéo léo và cầu kỳ trong cách chế biến; nhất là trong những dịp lễ tết thì sự khéo léo ấy càng được thể hiện rõ hơn với những “mâm cao cỗ đầy”, mỗi mâm phải đủ “bốn bát 6 đĩa” được chế biến cầu kỳ, ngon miệng và cũng rất bắt mắt.

Ẩm thực miền Bắc đơn giản chỉ là mang lại cho người dùng thêm sự lựa chọn. Đồng thời, nó cũng mang nhiều tính khắc chế “âm dương” trong món ăn vốn đã được những người đi trước tính toán khá kỹ.

Món ăn miền Bắc không chỉ chú trọng vào những món trong ngày lễ Tết, một đặc trưng nữa rất Bắc bộ chính là những món quà bánh. Đây không phải là những món ăn để no những nó lại đem lại cho người ta nhiều háo hức, đặc biệt, nó lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của mỗi người dân xứ Bắc. Các món đặc trưng: các loại mứt làm từ sấu, bánh cốm…

Đậm đà và bình dị là những món ăn của miền Trung

Bún bò Huế - một món ăn của người xứ Huế

Mảnh đất miền Trung vốn cằn cỗi là thế và cũng không được thiên nhiên ưu ái như các vùng đất khác, chính vì vậy, con người nơi đây luôn biết trân trọng và biến những sản vật tuyệt vời đó thành những món ăn mang những hương vị rất riêng, mà ai đã một lần thưởng thức nó sẽ không thể nào quên. Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực phía Nam, ẩm thực miền Trung có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng. Như chúng ta đã biết, văn hóa ẩm thực là một phần văn hóa nằm trong tổng thể, phức thể các đặc trưng diện mạo về vật chất, tinh thần, tri thức, tình càm. khắc họa một số nét cơ bản, đặc sắc của một cộng đồng, gia đình, làng xóm, vùng miền, quốc gia…Nó chi phối không nhỏ trong cách ứng xử và giao tiếp của cộng đồng. Do đó, ẩm thực của cư dân miền Trung rất phong phú, mỗi địa phương đều có những đặc sản riêng, mang đậm bản sắc phong phú và hương vị của từng nơi.

Chè chuối - món ăn khiến du khách đã một lần nếm thử thì sẽ không bao giờ quên.

Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính Cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản. Có ẩm thực sang trọng nhưng cũng có ẩm thực đường phố. Tuy nhiên không có nghĩa là ẩm thực đường phố kém giá trị, kém hấp dẫn và ít ngon, ít bổ dưỡng hơn ẩm thực sang trọng. Văn hóa ẩm thực miển Trung hội tụ cả hai loại ẩm thực trên một cách hài hòa và tinh tế. Nó không chỉ bổ ích đối với ai muốn tìm hiểu văn hóa ẩm thực Việt nam và còn bổ ích với những ai quan tâm đến văn hóa Việt Nam và khiến du khách đã một lần nếm thử thì sẽ không bao giờ quên.

Ẩm thực Nam bộ - Dấu ấn văn hóa độc đáo

Cách ăn uống tuy cầu kì, tỷ mỉ, thưởng thức tinh tế của lối sống cách ăn như miền Bắc, miền Trung nhưng rất phong phú, dồi dào và thoải mái.

Vùng đất Nam bộ tuy không có lịch sử lâu đời như miền Bắc và miền Trung, nhưng ẩm thực Nam bộ vô cùng phong phú và đa dạng và con người miền Nam cũng rất cởi mở. Không chỉ tiếp thu tinh hoa mẩ thực từ các vùng miền trên đất nước Viêt Nam mà bên cạnh đó, ẩm thực Nam bộ còn được tiếp thu ẩm thực của các dân tộc khác như Chăm, Khơme và người Hoa…

Ẩm thực Nam bộ phổ biến nhiều món ăn, cách thức nấu ăn của miền Bắc, miền Trung nhưng có cải tiến cho phù hợp với khí hậu thời tiết. Văn hóa ẩm thực Nam bộ có đặc trưng chính là tính sáng tạo và tính hoang dã. Hầu hết các món ăn trong ẩm thực Nam Bộ đều gắn liền với thiên nhiên, sông nước. Tính hoang dã của ẩm thực Nam bộ thể hiện ở việc tận dụng các nguồn lợi từ thiên nhiên để làm ra những món ăn ngon, đặc sắc. Còn tính sáng tạo của ẩm thực Nam bộ thể hiện ở sự cải tạo thiên nhiên, buộc thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu của mình.

Văn hóa ẩm thực Nam bộ cũng làm giàu thêm sắc thái văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Ẩm thực Nam bộ là sự độc đáo của miền đất mới, là kết quả của sự hòa hợp của nhiều luồng văn hóa Đông Tây, nhiều dân tộc. Cộng với môi trường vùng Nam bộ đã tạo thành sắc thái văn hóa trong việc ăn uống vừa đa dạng, phong phú vừa đặc thù ở vùng đất Nam bộ. Phong cách ăn uống của cư dân Nam bộ khác với miền Bắc và miền Trung là ăn uống gia đình. Ai đã từng đặt chân lên vùng đất Nam bộ, được thưởng thức những món ngon độc đáo của ẩm thực Nam bộ thì sẽ lưu luyến và nhớ mãi.

Tuyết Hạnh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/giai-tri/hap-dan-voi-tinh-tuy-am-thuc-ba-mien-viet-nam.html