Hát Then thành di sản văn hóa phi vật thể

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao); Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi hồ sơ quốc gia 'Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam' trình UNESCO xem xét.

Theo văn bản, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ ký hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ; đồng thời phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2017.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cho rằng, hát Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Còn theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hat-then-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-50977.html